Bảo tàng gốm Kim Lan - Bảo tàng khảo cổ học cộng đồng đầu tiên

(VOV5) - Chỉ với 300 hiện vật, Bảo tàng gốm Kim Lan, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, có lẽ là một trong những bảo tàng có quy mô khiêm tốn nhất Việt Nam. Thế nhưng, số hiện vật ấy lại cho thấy nhiều điều về lịch sử gốm sứ Việt Nam và tình cảm của những người dân địa phương với  ông Nisimura Manasaki, nhà khảo cổ học Nhật Bản đã góp công xây dựng Bảo tàng.

Bảo tàng gốm Kim Lan - Bảo tàng khảo cổ học cộng đồng đầu tiên   - ảnh 1
Bảo tàng gốm Kim Lan

Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Khi nói tới các làng nghề gốm cổ ở Hà Nội, người ta thường nghĩ tới làng gốm Bát Tràng nổi tiếng bên bờ sông Hồng, mà ít ai biết cách đó không xa còn có một làng gốm nức tiếng trong lịch sử, đó làng gốm Kim Lan. Chỉ sau những trận lụt, bờ sông Hồng sụt lở, người dân ở đây nhặt được nhiều mảnh gốm cổ, thậm chí có cả những món đồ gần như nguyên lành với những chiếc lọ đầy ắp tiền cổ, thì nhiều nhà nghiên cứu văn hoá mới có cái nhìn sâu hơn về lịch sử làng gốm cổ này. Cùng với đó, nhiều người dân làm nghề gốm trong làng cũng đã sưu tầm các mảnh gốm cổ để tìm hiểu cách làm gốm của người xưa. Sau này với sự hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài, những hiện vật sưu tầm ấy đã góp phần khẳng định phát hiện quan trọng: khu vực làng Kim Lan chính là một trong những cái nôi của nghề gốm sứ cổ, nơi cung cấp các sản phẩm gốm sứ dân dụng chủ yếu cho kinh thành Thăng Long xưa.

Bảo tàng gốm Kim Lan - Bảo tàng khảo cổ học cộng đồng đầu tiên   - ảnh 2
Ông Nhung giới thiệu về mô hình lò bầu - loại lò gốm cổ trước kia.

Ông Nguyễn Văn Nhung, một nghệ nhân cao tuổi ở làng Kim Lan và là một trong những người tâm huyết đóng góp các hiện vật, xây dựng Bảo tàng gốm Kim Lan, kể lại: “Gia đình chúng tôi ở ngay ven sông. Ngày xưa chưa có giếng khoan, mọi sinh hoạt hàng ngày đều dùng nước ngoài sông. Năm nào cũng mùa nước dâng lên rồi rút xuống. Rồi một lần khi bờ sông bị lở đất, dân làng phát hiện có những mảnh gốm, kể cả những hiện vật gốm sứ còn nguyên vẹn. Vì là người làm nghề, tôi mới nhặt, thu lượm các thứ đó và hiểu được những giá trị quý giá của nó”.

Các đợt khai quật của các nhà khảo cổ được tiến hành trong nhiều năm đã thu được hàng nghìn hiện vật, trải dài suốt 10 thế kỷ, từ thế kỷ 7 - 17. Trong đó đáng kể là những đồ gốm sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên. Những sưu tập quý giá ấy cũng chính là điểm khởi đầu để hình thành ý tưởng xây dựng Bảo tàng gốm cổ làng Kim Lan. Và cuối cùng thì Bảo tàng gốm cổ Kim Lan do nhóm "Tìm về nguồn cội" của các cụ cao tuổi làng Kim Lan và Tiến sĩ Nishimura Masanari người Nhật bản thực hiện, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2013.

Bảo tàng gốm Kim Lan - Bảo tàng khảo cổ học cộng đồng đầu tiên   - ảnh 3
Một bộ sưu tập tiền cổ trưng bày trong bảo tàng

Bảo tàng gốm cổ Kim Lan bây giờ tọa lạc ngay gần Uỷ ban nhân dân xã Kim Lan và mở cửa vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Bảo tàng rộng khoảng 200 m2, có phần mái được thiết kế cách điệu theo kiểu lò bầu và lò đứng, là các kiểu lò nung gốm của người dân Kim Lan từ xưa đến nay. Khoảng 300 hiện vật chủ yếu là gốm và các dụng cụ làm gốm, minh chứng cho quá khứ huy hoàng của một làng nghề. Hiện vật ở đây gần như đại diện cho lịch sử gốm sứ Việt Nam, với đủ các loại hình gốm đất nung cho đến gốm tráng men. Nổi bật là các dòng gốm tráng men, có các hiện vật trải từ đời Lý cho đến cuối đời Lê, với đặc trưng là các mầu men như: men lục, men ngọc, men nâu, hoa lam... Trong số này có cả những sản phẩm kỹ thuật cao, xưa kia được xếp vào loại chỉ dành cho người quyền quý. Những hiện vật, thông qua cách trưng bày tại Bảo tàng, thông qua cách thuyết minh của người dân, vốn được Tiến sỹ Nishimura Masanari đào tạo để trở thành những người kể các câu chuyện về gốm Kim Lan, đã chứng tỏ rằng Kim Lan từng là trung tâm sản xuất gốm sứ cổ và nghề gốm đã phát triển mạnh tại đây từ thế kỷ 13-14.


Bảo tàng gốm Kim Lan - Bảo tàng khảo cổ học cộng đồng đầu tiên   - ảnh 4
Ông Nhung nhận giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội cùng người bạn của TS. Nishimura

Với thành công từ việc bắt những mảnh gốm “kể chuyện”, Bảo tàng gốm cổ Kim Lan đã được vinh danh ở hạng mục việc làm, ý tưởng có hàm lượng khoa học và nghệ thuật cao và thể hiện sự gắn bó với mọi mặt đời sống và thấm đượm tình yêu Hà Nội tại lễ trao giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội ngày 29 tháng 8 năm 2013 mới đây.

Bảo tàng được vinh danh không chỉ là niềm vinh dự tự hào của người dân làng Kim Lan, mà còn tạo điều kiện mở ra hướng phát triển làng nghề Kim Lan.

Ông Trần Đức Trí, Phó chủ tịch xã Kim Lan, cho biết: “Chúng tôi mở các hướng du lịch và phát triển làng nghề để tạo ra cho mọi người có điều kiện  tiếp cận với nhà bảo tàng này, bên cạnh đó chúng tôi muốn xây dựng một khu trưng bày  sản phẩm làng nghề hiện tại đang sản xuất tại Kim Lan và một  khu vực hướng dẫn dạy nghề truyền lại cho thế hệ trẻ. Bởi vậy Bảo tàng là niền tự hào, là di sản văn hoá được phát huy và có giá trị trong việc phát triển văn hoá và phát triển kinh tế xã hội”.


Việt Nam hiện có khoảng 120 bảo tàng kể cả bảo tàng tỉnh, thành phố và chuyên ngành, nhưng bảo tàng cấp xã thì mới có một Bảo tàng gốm cổ Kim Lan. Bảo tàng cấp xã đầu tiên trên đất nước Việt Nam này rõ ràng mang ý nghĩa quan trọng, ghi lại dấu ấn cha ông, nhắc nhở người dân tự hào với một làng nghề, trong đó công sức cha ông để lại qua những sản phẩm gốm sứ./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác