Hành trình phục dựng giá trị lịch sử của thương hiệu “Vua dép lốp”

(VOV5) - "Vua dép lốp" mong muốn sản phẩm sẽ là đại diện cho Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. 

Dép cao su Việt Nam hay còn được gọi là dép Bác Hồ được chế tạo vào năm 1947 từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội Việt Nam phục kích. “Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được” do Người ví von đã theo chân vị lãnh tụ Việt Nam đi khắp mọi miền Tổ quốc, kể cả ra nước ngoài gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, trong suốt 20 năm. Gần một thập kỷ trôi qua, những tưởng dép cao su giờ chỉ có thể được trưng bày trong bảo tàng. Nhưng nhờ vào khối óc, bàn tay của những nghệ nhân thuộc công ty “Vua dép lốp”, đặc biệt là nghệ nhân Phạm Quang Xuân, “sức sống” của một trong những kỉ vật huyền thoại gắn với lịch sử đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam tiếp tục được duy trì.

Hành trình phục dựng giá trị lịch sử của thương hiệu “Vua dép lốp” - ảnh 1

Sản phẩm được yêu thích của Vua dép lốp

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tiếng quay lốp ô tô thành tấm cao su, tiếng khoét đế dép phát ra từ ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Phạm Quang Xuân trên phố Nguyễn Biểu, Hà Nội. Ông bén duyên với nghề làm dép lốp từ năm 1965 khi bắt đầu làm việc cho Xí nghiệp Bách hóa Hà Nội. Đến thời kỳ thống nhất đất nước năm 1975, ông chuyển sang nghề khác do không cạnh tranh được với dép từ miền nam bán ra bắc. Nhưng niềm đam mê với dép lốp đã kéo ông quay trở lại với nghề vào năm 1999 và trở nên nổi tiếng khi những sản phẩm làm ra ngày càng chiếm được cảm tình của khách trong và ngoài nước.

Hành trình phục dựng giá trị lịch sử của thương hiệu “Vua dép lốp” - ảnh 2

Ông Phạm Quang Xuân tiếp tục niềm đam mê với dép cao su sau khi nghỉ hưu  - Ảnh: vuadeplop.com

Nghệ nhân Phạm Quang Xuân chia sẻ: “Tôi đã định giải nghệ cách đây 7 - 8 năm rồi, nhưng trước khi nghỉ tôi có làm tặng anh em mấy đôi làm kỉ niệm. Nhiều người thấy hay nên họ nhờ tôi làm và trả tiền. Trong lúc đó, có khách nước ngoài đến và có ý tưởng nhờ tôi sản xuất một đôi mang biểu tượng của Việt Nam để tặng cho bạn bè bên nước họ. Lúc đó, báo chí nói nhiều về Hoàng Sa và Trường Sa nên tôi khắc lên dép một số cụm đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những nhà báo thời sự của Đức tại Singapore đã làm một phóng sự về sản phẩm dép của tôi. Một tốp người Nhật cũng làm phóng sự. Sau đó, bảo tàng Hồ Chí Minh cũng mời tôi đến làm để gửi cho các bảo tàng khác. Nhiều thanh niên lúc đầu nghe nói dép cao su chưa thích lắm nhưng khi đến xem thì họ lại thích. Việc sản xuất cần địa điểm rộng nên tôi nhường lại cho con rể việc mở rộng xưởng dép. Tôi thỉnh thoảng mới làm ở nhà”.

Hành trình phục dựng giá trị lịch sử của thương hiệu “Vua dép lốp” - ảnh 3

Anh Nguyễn Tiến Cường kế nghiệp cha vợ để thành lập thương hiệu "Vua dép lốp" -Ảnh: vuadeplop.com

Anh Nguyễn Tiến Cường “nối nghiệp” bố vợ khi những câu chuyện đóng dép cho cán bộ đi B, quy trình làm dép thủ công của ông ngấm dần vào anh. Từ vị trí phó giám đốc của một công ty phần mềm có tiếng ở Việt Nam, anh quyết định nghỉ việc vào năm 2013 để tiếp bước nghề gia đình nhà vợ. Một hành trình mới bắt đầu với công việc “tay ngang” càng ngày càng lôi cuốn anh, với lý do: “Tôi đến với nghề dép lốp khi thấy dép lốp của Việt Nam chứa đựng nhiều ý nghĩa. Đây là một trong những sản phẩm hiếm trên thế giới và có thể gây tiếng vang vì nó gắn với lịch sử cận đại, với cuộc kháng chiến Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng. Ngoài ra, dép được làm thủ công từ những lốp xe đã qua sử dụng như một quá trình tái chế rác thải, chính vì vậy, tôi quyết định từ bỏ công việc phần mềm để chuyển sang gìn giữ nghề. Tôi đã đi khắp các bảo tàng, chiến trường xưa để xem mẫu dép ngày xưa như thế nào để mình đặt tên cho các sản phẩm của mình. Khi bước sang công việc mới tôi không biết làm kiểu gì và bán thế nào. Tuy nhiên, mình nghĩ nếu mình không tiếp nghề của bố vợ thì không ai giữ gìn nghề này nữa”.

Hành trình phục dựng giá trị lịch sử của thương hiệu “Vua dép lốp” - ảnh 4

Vua dép lốp lên tạp chí của Nhật Bản

Chính vì trăn trở gìn giữ giá trị huyền thoại của dép cao su nên anh Cường với sự giúp sức của người bố vợ nghệ nhân đã vượt qua khó khăn để đi đến thành lập thương hiệu “Vua dép lốp” vào năm 2014 với slogan “Đi dép cao su giúp ý chí mạnh mẽ”. Sau 6 năm thành lập, các sản phẩm của công ty được hơn 60 quốc gia đặt hàng theo đường xách tay, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Doanh nghiệp lọt vào Top 100 thương hiệu uy tín quốc gia năm 2019, đạt cúp vàng thủ đô và giải vàng Asian bình chọn. Thành công này không chỉ đến từ giá trị lịch sử của dép cao su mà còn từ chính chất lượng bền đẹp, mẫu mã đa dạng.

Công ty có ba dòng sản phẩm chính: “Huyền thoại” tái hiện lại hình ảnh đôi dép của bộ đội với quai bẹt, 4 quai tròn và quai “dâu” phía sau để ôm chân, “Thách đấu” với mẫu mã tham khảo các hãng dép nổi tiếng thế giới như Gucci hay Prada, và “Siêu dép” là dòng thời trang sáng tạo. Các sản phẩm được làm từ chất liệu lốp máy bay và lốp xe tải siêu trường, siêu trọng mua ở Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Trường, một thợ làm nghề gắn bó với công ty “Vua dép lốp” từ những ngày đầu thành lập, giới thiệu: “Từ cái lốp xe cũ mình tận dụng làm dép. Cao su thường dùng nguyên bản, nhưng để tránh đen chân phải xử lý nhiệt để tạo lớp cao su chết. Đế dép dập logo thương hiệu. Không dép nào giống dép nào vì làm thủ công nên có những vết khoanh khác nhau. Dép có size từ 35 đến 47. Bao nhiêu mẫu là bấy nhiêu kiểu quai khác nhau như 4 quai, 5 quai, quai chéo, quai ngang. Chúng tôi cũng dùng nhiệt để tạo màu cao su. Ở đây không dùng keo mà chỉ dùng nước xà phòng bôi vào để cao su mút nhau. Thời gian hoàn thành một đôi là một tiếng gồm các công đoạn quay lốp thành tấm cao su, khoanh đế dép, khoét đế dép, đục lỗ xâu quai và rút quai dép. Dép bền hàng chục năm, có khách 6,7 năm mới đến thay quai”.

Hành trình phục dựng giá trị lịch sử của thương hiệu “Vua dép lốp” - ảnh 5

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trường tại nơi trưng bày các sản phẩm của "Vua dép lốp" trong Bảo tàng Hồ Chí Minh - Ảnh: VOV

Người tìm mua dép nhiều nhất là thanh niên, cựu chiến binh rồi đến du khách nước ngoài. Sản phẩm đáp ứng được thị hiếu cả khách trong nước và quốc tế do độ bền, giả cả hợp lý và nhiều kiểu dáng. Vừa kết thúc chuyến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tiến Hùng, quê ở Nghệ An, tạt luôn vào một cửa hàng của “Vua dép lốp” để tìm mua vài đôi. Ông cho biết: “Tôi quê ở Nghệ An, quê Bác. Vừa viếng Bác xong thì đi qua thấy cửa hàng dép đẹp nên mua luôn. Tôi quen đi dép lốp rồi, vừa chất lượng, lại phù hợp với cuộc sống sinh hoạt của mình vì vừa có thể đi làm, vừa có thể đi chơi. Một năm tôi ra Hà Nội đôi ba lần, lần nào bạn bè cũng gửi mua giùm, mua ở đây được cái là có ông thợ chỉnh luôn, giá thành hợp lý, đi bền, nhiều năm không hỏng. Dép cao su đi ngấm nước cũng không sao. Vì miền trung hay lội nước nên đi dép cao su là nhiều”.

Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu “Vua dép lốp” có mặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đến nay, công ty phân phối sản phẩm tới các đại lý trên khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở các khu du lịch. Với mục tiêu tiến xa hơn trên thị trường, “Vua dép lốp” tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh cả về mẫu mã, giá cả và độ bền với mong muốn sản phẩm sẽ là đại diện cho Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Giám đốc công ty, anh Nguyễn Tiến Cường, chia sẻ: “Sản phẩm gắn với yếu tố lịch sử. Việc sản xuất dép còn vì môi trường. Thế nên tôi có tham vọng mở một bảo tàng nhỏ về dép lốp để nói về lịch sử, quy trình làm dép và không gian biểu diễn làm dép lốp”.

Hành trình phục dựng giá trị lịch sử của thương hiệu “Vua dép lốp” đã vượt thời gian và không gian để tái hiện nét đẹp huyền thoại của hình ảnh đôi dép cao su gắn liền với phong cách chân phương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và để thế hệ mai sau biết trân trọng và giữ gìn “đôi dép Bác Hồ”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác