Nét kiến trúc độc đáo và thiên nhiên kỳ thú ở danh thắng Đền Cao An Phụ

(VOV5) - Trải qua nhiều thời gian, từ khi xây dựng đến nay, Quần thể di tích Đền Cao An Phụ được trùng tu tôn tạo nhiều lần, nhưng nhiều dấu ấn kiến trúc qua các thời kỳ vẫn còn được lưu giữ.

Đền Cao An Phụ, xã An Sinh, Huyện Kinh Môn, là một khu di tích lịch sử vô cùng độc đáo của tỉnh Hải Dương. Danh thắng này không chỉ độc đáo ở phạm trù văn hóa tâm linh, mà ở đó còn là sự hiện hữu của những nét kiến trúc và thiên nhiên kỳ thú.

Nét kiến trúc độc đáo và thiên nhiên kỳ thú ở danh thắng Đền Cao An Phụ - ảnh 1

Cổng tam quan của Đền Cao - Ảnh: baotintuc.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đền Cao An Phụ nằm giữa một không gian hùng vĩ của dãy núi An Phụ, bên cạnh đó là những di tích, những công trình kiến trúc gắn liền với cuộc đời sự nghiệp của An Sinh Vương Trần Liễu và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Theo những ghi chép lịch sử thì Đền Cao thờ An Sinh Vương Trần Liễu, cha đẻ của Đức Thánh Trần, được xây dựng từ thời Trần (khoảng thế kỷ XIII). Đền toạ lạc trên đỉnh núi An Phụ, có phong thuỷ, cảnh sắc hữu tình, được người đời ca ngợi là một trong những cảnh đẹp rất đáng du ngoạn. Phía Đông Bắc của Đền, nhìn về dãy Yên Tử sừng sững; phía Tây Bắc là Động Kính Chủ được mệnh danh: Nam thiên đệ lục động, có dòng song Kinh Thầy uốn lượn sát chân núi, phía Tây nam là miền châu thổ mênh mông. Tất cả, như một sự sắp đặt của tạo hóa, đã tạo sự uy nghi cho một di tích tâm linh.

Đền Cao nằm trên đỉnh cao nhất của dãy An Phụ, thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Liễu sinh năm Kiến Gia thứ nhất 1211, là anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của triều Trần. Theo sử sách ghi lại Triều Trần  trong thời kỳ dựng nghiệp, và đứng trước mối hoạ xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông, Trần Liễu đã cùng con trai à Trần Quốc Tuấn thống nhất triều đình, động viên toàn dân đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo của vương triều nhà Trần, nhân dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập dân tộc. Có được thắng lợi trước một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, phải kể đến công lao to lớn và sự hy sinh vì dân vì nước của cha con An Sinh Vương Trần Liễu và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang cho Hoài Văn Hầu Trần Liễu làm thái ấp và phong An Sinh vương ở đất ấy. Tháng tư năm Nguyên Phong thứ nhất 1251, An Sinh vương Trần Liễu mất. Sau khi qua đời, ông được lập đền thờ trên núi An Phụ.

Nét kiến trúc độc đáo và thiên nhiên kỳ thú ở danh thắng Đền Cao An Phụ - ảnh 2

Đền Cao thờ An Sinh Vương Trần Liễu nổi tiếng linh thiêng - Ảnh: baotintuc.vn

Ngày nay, đền Cao An Phụ trở thành địa điểm tâm linh thu hút rất đông du khách thập phương. Ông Phạm Hữu Quân, Trưởng ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn, cho biết: "Trên đỉnh non cao này có độ cao 246m so với mực nước biển, trên này có Đền Cao, thờ An Sinh Vương Trần Liễu, tên gọi khác là An Phụ Sơn từ. Ngôi đền này ra đời từ thời nhà Trần; thời Hoàng Định được trùng tu. Năm 2005, huyện Kinh Môn đã trùng tu ngôi đền này với kiểu kiến trúc “Tiền nhất, hậu định”, ba gian tiền tế và ba gian trung từ và gian hậu cung. Trong gian hậu cung có thờ tượng của Ngài. Tương truyền dưới dưới tượng là hài cốt của Ngài. Trong hậu cung thì chỉ có ngày giỗ của Ngài thì mới mở cửa cho mọi người vào dâng hương".

Nằm cách Khu vực trung tâm Đền Cao không xa là nơi đặt tượng thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tượng thờ Đức thánh Trần đứng ở vị trí chiến lược của đất nước nhìn về hướng Đông tay phải cầm cuốn binh thư, tay trái tỳ đốc kiếm biểu hiện tầm cao chiến lược, ý muốn nhắc nhở hậu duệ người Việt Nam, hãy giữ lấy biển trời, non sông , gấm vóc Việt Nam. Người là chỗ dựa tâm linh và bất tử trong lòng dân tộc Việt. Ông Phạm Hữu Quân, Trưởng ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn, cho biết thêm: "Khi xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo, Đại tượng Võ Nguyên Giáp là người đặt viên đá đầu tiên. Tượng đài được xây dựng bằng đá xanh lấy từ núi Nhồi của tỉnh Thanh Hóa và được ghép từ 65 phiến đá, chiều cao 12,7m. Đây là một trong những công trình lớn nhất Việt Nam".

Nét kiến trúc độc đáo và thiên nhiên kỳ thú ở danh thắng Đền Cao An Phụ - ảnh 3

Một điểm tham quan không thể bỏ qua tại di tích này là tượng Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tọa lạc trên một ngọn núi thuộc dãy An Phụ có độ cao 200m so với mực nước biển, thấp hơn Đền Cao An Sinh Vương chừng 50m - Ảnh: baotintuc.vn

Tới đây, mỗi du khách còn được chiêm ngưỡng bức phù điêu bằng gốm khổng lồ có nội dung xuyên suốt về cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của dân tộc Việt Nam. Bức tranh chuyện dài 45m, cao trung bình 2,5m được ghép bởi 265 viên gạch của tác giả Hoàng Nhân và Vũ Ngọc Thạch. Do những người thợ ở làng Cậy, huyện Bình Giang, Hải Dương, chế tác. Chị Trà My, du khách đến từ tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi đến đây, quả thực cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp. Đứng trên đỉnh núi có thể bao quát và ngắm nhìn cả một vùng đồng bằng rộng lớn, xanh ngát; với sự uốn lượng, bao bọc của dòng sông Kinh Thầy. Đây không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách".

Trải qua nhiều thời gian, từ khi xây dựng đến nay, Quần thể di tích Đền Cao An Phụ được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Quy mô di tích cũng được mở rộng, nhiều dấu ấn kiến trúc qua các thời kỳ vẫn còn được lưu giữ. Hiện tại, đền còn có sự hiện hữu của một số câu đối, đại tự ca ngợi thắng cảnh An Phụ và công đức muôn đời của An Sinh Vương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác