Ngôi chùa cổ trên đất cố đô

(VOV5) - Tiếng chuông chùa, như linh hồn của Huế, ngân nga trong thinh không, vang xa theo dòng nước sông Hương, đọng lại trong du khách viếng thăm sự bình yên và thanh tịnh trong tâm hồn.

Trong ký sự “Mười ngày ở Huế”, Phạm Quỳnh đã mượn bốn câu lục bát "Hà Nội Tức Cảnh" ca ngợi cảnh đẹp hồ Tây để viết thành "Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Chùa Thiên Mụ ở Huế không chỉ là chốn tâm linh mà còn là nơi vãn cảnh hữu tình với cảnh đẹp tự nhiên dành cho du khách thập phương.

Ngôi chùa cổ trên đất cố đô - ảnh 1 Chùa Thiên Mụ. - Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh.

Nghe âm thanh tại đây:

Chùa Thiên Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, phía Tây thành phố Huế. Trước mặt chùa là khúc quanh hữu tình của dòng Hương Giang. Từ bến sông Hương đi lên, ngang qua đường cái, du khách bước vào khuôn viên chùa qua bốn trụ hoa biểu cao gần 8m, có gắn gạch hoa tráng men với bốn vế đối của vua Thiệu Trị. Sau khi bước lên 15 bậc đá cao dựng đứng, du khách không khỏi ngỡ ngàng ngắm nhìn tháp Phước Duyên.

Ngôi chùa cổ trên đất cố đô - ảnh 2Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. 

Được xây bằng gạch vồ vào năm 1844 thời vua Thiệu Trị, gồm 7 tầng, có chiều cao 21m, tháp bát giác cổ là một công trình kiến trúc độc đáo, sử dụng kỹ nghệ chế tác pháp lam, được ghi nhận vào Sách Kỷ lục Việt Nam năm 2016. Chùa Thiên Mụ và tháp bát giác là một trong 16 công trình nằm trong danh mục "Di sản văn hóa thế giới” (năm 1993) của quần thể di tích Huế.

Chùa Thiên Mụ được xây dựng dưới thời Đoan Quận công Nguyễn Hoàng. Vào năm 1601, trong một lần đi dọc bờ sông Hương khảo sát địa thế, ông bắt gặp ngọn đồi nhỏ nhô lên bên bờ sông, thế đất như một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Chúa đã cho xây dựng ngôi chùa trên đồi và lấy tên là chùa Thiên Mụ.

Thuở sơ khai chùa còn khá đơn sơ. Năm 1714 chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng thêm nhiều công trình tráng lệ, được cho là ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Chùa Thiên Mụ còn có tên gọi khác là Linh Mụ. Nguyên do năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua đổi tên chùa thành “Linh Mụ” (tức là Bà mụ linh thiêng). Mãi đến năm 1869, vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Là một người con của Huế, dù làm ăn sinh sống ở nơi xa, nhưng anh Nguyễn Thành Đạt vẫn ít nhất một năm một lần ghé thăm chùa Thiên Mụ bởi một nỗi: “Thiên Mụ như một nơi tâm linh trong tâm của mình. Tôi vào chùa lúc nào cũng thấy tâm hồn nhẹ nhàng, người nhẹ nhõm. Mọi chuyện đau buồn, lo toan tự dưng tan biến”.

Trong khuôn viên chùa có nhiều công trình kiến trúc hết sức quy mô, những chi tiết chạm trổ nghệ thuật và điêu luyện. Đáng chú ý là điện Đại Hùng. Đây là ngôi điện chính trong chùa, có vẻ đẹp vừa cổ kính vừa nguy nga với tiền đường năm gian hai chái và chính đường, ba gian hai chái họp lại thành bốn mái, hai mái chồng nhau.

Ngôi chùa cổ trên đất cố đô - ảnh 3Lầu bia hình tứ giác được dựng thời Thiệu Trị.

Ngoài ra còn có lầu lục giác, tứ giác. Lầu lục giác là nơi đặt quả chuông Đại Hồng Chung, một bảo vật quốc gia, đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (năm Canh Dần, 1710). Đại Hồng Chung có chiều cao 2,5m, nặng hơn hai tấn. Quả chuông cổ được chạm trổ tinh vi, sắc nét với các hình ảnh thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình.

Tiếng chuông chùa, như linh hồn của Huế, ngân nga trong thinh không, vang xa theo dòng nước sông Hương, đọng lại trong du khách viếng thăm sự bình yên và thanh tịnh trong tâm hồn. “Lần đầu tiên đến chùa Thiên Mụ, tôi có cảm xúc rất khó tả. Thời tiết, không gian môi trường sông nước rất ổn, sạch sẽ. Đến mục sở thị mới thấy Huế đúng là đẹp thật, rất mộng mơ” - Anh Phan Ngọc Tuyến ở Hải Dương, chia sẻ.

Ngôi chùa cổ trên đất cố đô - ảnh 4

Trong khuôn viên chùa còn có một vườn hoa với hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam Đào Tấn tuyệt đẹp.

Nhẹ bước vào trong khu thiền tự, tiếng chuông ngân thanh thoát, vang vọng nghe như 108 tiếng chuông trước kia ngày ngày giữ nhịp thời gian, đã đi vào ca dao, điệu hò xứ Huế: “Nghe chuông Thiên Mụ lại buồn. Ngó về Thành Nội khói tuôn lại sầu...”. Ông Alain Maillochon, một du khách Pháp, đứng dưới tán thông ba lá xanh mát, tỏa bóng xuống sân chùa mát rượi, cho biết: “Việt Nam thật là một đất nước tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên tôi đến Huế. Tôi đã dành ba ngày ở Huế. Tôi có cảm nhận phong cảnh ở Huế rất yên tĩnh, yên bình và cổ kính”.

Trong bài văn bia của mình, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đã mô tả về địa thế, quang cảnh quanh chùa Thiên Mụ: “Đó là nơi núi đồi đẹp đẽ như loan phụng, phân nhánh tựa rồng bay, phía Tây cách xóm làng bởi đồng ruộng bao la, kết rèm bao quanh như bèo gối. Bên trái, núi vươn cao lại gặp khúc lượn của con sông, thật là nơi tuyệt đẹp”.

Ngôi chùa cổ trên đất cố đô - ảnh 5 Dòng Hương Giang lững lờ trôi nhìn từ chùa Thiên Mụ.

Từ ngôi chùa nhìn ra xa là quang cảnh sông núi hùng vĩ chốn đế đô, với những con thuyền rồng lướt trôi trên dòng Hương hiền hòa, uốn lượn như dải lụa. Từ bến Mụ, du khách cũng có thể xuống thuyền rồng, du ngoạn trên sông Hương và thăm các di tích lịch sử đất cố đô, thả hồn cùng mây trời, sông núi. “Ung dung trong gió quên niềm tục,/ Hư vô trước cảnh lắng bụi đời/ Càng xem càng cảm ơn tiền liệt/ Dày công tu niệm với tô bồi”. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác