Người duy nhất phục dựng được nghệ thuật thêu Cung đình

(VOV5) - Gia đình anh Vũ Văn Giỏi đã trải qua 5 đời làm nghề thêu. Ham mê và có năng khiếu bẩm sinh nên lớn lên anh sớm thành thợ giỏi, như chính cái tên của anh.

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi sinh năm 1969 ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Quê anh từ lâu được biết đến là làng nghề truyền thống, nổi tiếng bởi nghề thêu trang phục cho các vương triều phong kiến Việt Nam. Hiện nay, anh Giỏi là người duy nhất ở Việt Nam nắm giữ bí quyết thêu Cung Đình, kỹ thuật thêu hội tụ tinh túy nhất của nghề thêu.

Người duy nhất phục dựng được nghệ thuật thêu Cung đình - ảnh 1

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Gia đình anh Vũ Văn Giỏi đã trải qua 5 đời làm nghề thêu. Ham mê và có năng khiếu bẩm sinh nên lớn lên anh sớm thành thợ giỏi, như chính cái tên của anh.

Thêu trang phục cung đình phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc. Chẳng hạn, long bào của Vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài. Chỉ thêu long bào phải là chỉ se hai chiều. Trong khi áo Hoàng hậu lại là chỉ se một chiều. Riêng long bào của Vua, mỗi gam mầu lại có năm sắc độ khác nhau, cho nên phải dùng khoảng 200 mầu chỉ thêu. Đấy là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó, phức tạp. Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi kể: “Thêu nghệ thuật thì người nghệ nhân, thợ thêu có thể tự do sáng tác cách thêu nhưng thêu Cung đình lại đòi hỏi bắt buộc theo lề lối khác biệt hẳn với thêu thông thường. Chỉ hoàn toàn bằng tơ tằm mà mỗi một trang phục là phải dùng một loại chỉ khác nhau chứ không có chỉ nào giống chỉ nào. Chỉ nguyên liệu đã khắt khe như thế rồi, lối thêu cũng hoàn toàn khác biệt. Mỗi hoa văn, họa tiết có cách thêu khác nhau và đòi hỏi tỉ mỉ từng chi tiết, cả ngàn mũi giống nhau, màu sắc cũng phải uyển chuyển, hài hòa theo ngũ sắc thời xưa, thiên nhiên có màu sắc gì thì trong đó phải có màu sắc đó. Tôi đã nghiên cứu, phục dựng cách thêu Cung Đình từ năm 1993 đến năm 1998, mất 5 năm mới thành công được 1 cái áo”

Trong quá trình phục dựng trang phục Cung đình, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi gặp rất nhiều khó khăn bởi vì nguyên liệu, vải, chỉ thêu rồi cả tay nghề nghệ nhân trong làng gần như đã mai một. Để hiểu về mẫu mã trang phục cung đình xưa, anh Giỏi phải tự mày mò nghiên cứu qua sử sách, hoa văn, họa tiết trên các di vật còn lại trên bia đá cổ, đình, chùa, học hỏi các cụ già làm nghề thêu trong làng. Anh cũng nhiều lần vào Huế để tìm hiểu mẫu, gặp các nghệ nhân cao niên để học hỏi. Mỗi người một mảnh kỹ thuật, kiến thức, anh tổng hợp, chắp nối lại và mày mò thử nghiệm về nghề thêu Cung đình.

Năm 2016 là năm đặc biệt với nghề thêu làng Đông Cứu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề thêu phục chế trang phục Cung Đình ở làng Đông Cứu vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cá nhân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, sau khi được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú năm 2013, tiếp tục được trao tặng danh hiệu cao quý nhất dành cho một nghệ nhân - Nghệ nhân Nhân dân. Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban Ban quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết: “Làng Đông Cứu trước đây có nghề thêu trang phục cung đình cho các triều vua phong kiến Việt Nam. Làng chuyên thêu long bào, áo mão cho các quan, quý tộc trong triều đình. Anh Vũ Văn Giỏi nghệ nhân nhân dân làng nghề Đông Cứu duy nhất phục dựng được trang phục triều đình trên các chất liệu truyền thống. Cách đây 3 năm chúng tôi vinh dự phối hợp với nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi trình diễn và giới thiệu triển lãm trang phục cung đình tại Trung tâm văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa của Hà Nội”.

Cây kim, mũi chỉ trong tay Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi như có ma thuật, thêu lên những phượng múa, rồng bay. Trong những bộ trang phục do anh từng thực hiện, bộ long bào phục chế theo nguyên mẫu long bào Vua Đồng Khánh xứng đáng là một kỷ lục. Anh đã cùng nhóm thợ làm trong 15 tháng mới hoàn thành. Ngoài triều Nguyễn, anh còn phục chế trang phục các triều Lý, Trần, Lê. Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi cho biết: “Làng tôi hiện nay là nơi duy nhất phục dựng lại được thêu Cung đình. Những sản phẩm, tác phẩm của tôi rất nhiều. Tôi cũng đã đi khắp cả nước để thực hiện các sự kiện. Năm 2018 tôi làm thành công áo mãng bào Hoàng Tử, Long bào vua Đồng Khánh, long bào vua Khải Định, , áo Sa quý phi... Tất cả sản phẩm đều tiêu biểu, áo Sa quý phi của tôi đoạt giải nhì cuộc thi thủ công mỹ nghệ toàn quốc 2007 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức”.

Tới nay, Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi đã làm được hàng chục bộ áo, từ áo vua tới áo hoàng hậu, thái tử, công chúa... Mỗi bộ trang phục Cung đình là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chi phí làm ra cũng tốn kém tới hàng tỷ VND đồng/bộ. Các bộ y phục cung đình của anh từng được mang đi triển lãm tại Festival Huế; triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc Hà Nội… Từ một “anh thợ thêu”, Vũ Văn Giỏi đã trở thành “pho từ điển sống” về nghề thêu trang phục Cung đình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác