Tục gói bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam

(VOV5) -Theo quan niệm của người Việt Nam hình ảnh chiếc bánh chưng, bánh giầy còn thể hiện trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà có một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc. 

Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”, vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua sẽ được nhà vua nhường ngôi.

Tục gói bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam - ảnh 1Chị Nguyễn Thị Phượng, Hà Nam 

Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Người con trai thứ 18 tên là Lang Liêu là người nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang nhưng tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ. Không thể tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, chàng đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để làm ra hai loại bánh chưng và bánh dầy tượng trưng cho trời và đất làm lễ vật dâng vua.

Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng và vua Hùng đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, bánh chưng, bánh giầy trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của người dân Việt Nam những ngày Tết. Chẳng thế mà dân gian Việt Nam có câu:

                                         Bên ngoài xanh lá dong xanh.

                                    Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu.

                                        Gói nghĩa tình, gói yêu thương.

                                     Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.

Bánh chưng Việt Nam không lẫn, không phỏng theo bất kỳ thứ bánh nào của các quốc gia khác. Bánh chưng được làm nên từ những nguyên liệu rất gần gũi với đời sống của người nông dân như: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang và có khi thêm những nguyên liệu phụ là quả gấc… để làm màu cho nhân bánh thêm đẹp.

Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, màu xanh lá dong là cỏ cây, đỗ xanh tượng trưng cho trái ngon, quả ngọt, thịt lợn đại diện cho muông thú và gạo nếp chính là văn minh lúa nước con người. Với mỗi người dân Việt Nam, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam. Chị Đinh Thanh Tú, một người dân Hà Nội, kể: “Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những đứa trẻ rất háo hức xem gói, luộc bánh chưng. Đây cũng là dịp xum vầy, đầm ấm đại gia đình. Mỗi trẻ em Việt Nam khi lớn lên đều không thể không nhớ hình ảnh gói bánh chưng ngày Tết. Hình ảnh này thấm nhuần trong mỗi đứa trẻ để khi lớn lên chúng kế tục truyền thống ông cha lại làm những nồi bánh chưng cho con trờ, đời này kế tục đời tiếp theo. Không có một dân tộc nào trên thế giới mà trong ngày Tết lại thờ bánh chưng như ở Việt Nam. Bánh chưng mỗi dịp Tết đến còn được dùng làm quà tặng, quà biếu và cũng là món ăn đặc sản mời khách, cả chủ và khách cùng ăn lấy may năm mới.”

Tục gói bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam - ảnh 2Gói bánh chưng 

Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở cách gói, cách nấu. Chẳng thế mà ở Việt Nam có biết bao ngôi làng có nghề truyền thống gói bánh chưng.

Chị Nguyễn Thị Phượng, làng Đầm, xã Liêm Tuyền, tỉnh Hà Nam, một trong những ngôi làng có nghề làm bánh chưng nổi tiếng ở Việt Nam, cho biết: “Bánh chưng ngon phải chọn gạo, đỗ, thịt lợn ngon. Gạo thì chọn loại nếp cái hoa vàng để chất lượng bánh dẻo, rền. Đỗ thì chọn đỗ màu vàng tươi mới thơm ngon. Thịt thì là thịt ba chỉ vừa có nạc vừa có mỡ. Lá dong gói bánh dùng loại bánh tẻ, loại không non mà cũng không già thì khi bóc bánh ra màu xanh đẹp. Luộc bánh khoảng 10 tiếng đồng hồ.”

Theo quan niệm của người Việt Nam hình ảnh chiếc bánh chưng, bánh giầy còn thể hiện trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà có một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc. Phong tục truyền thống thờ cúng và thưởng thức bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa là tinh hoa ẩm thực, trí tuệ của người Việt Nam.

Ông Phạm Văn Luân, làng Đầm, xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, bộc bạch:  “Đã cúng tổ tiên là phải có bánh chưng. Bánh chưng trong ngày Tết dâng  lên tổ tiên thể hiện lòng tình cảm với những người đã khuất. Đã nói đến ngày Tết là nhà nào cũng có bánh chưng. Mâm cơm ngày Tết phải có bánh chưng, có nồi bánh chưng mới có không khí ngày Tết. Bánh chưng mang đầy đủ vật chất ngon, bảo đảm sức khỏe, ăn ngày Tết rất tiện vì bận rộn, ăn nhanh lại no lâu cả ngày.”

Bánh chưng là biểu tượng không thế thiếu trong dịp Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Không có một nơi nào trên thế giới có được sự độc đáo với tục gói bánh chưng xanh cúng tổ tiên ngày Tết như dân tộc Việt Nam. Tục gói bánh chưng ngày Tết, một nét đẹp văn hóa, đã trường tồn với thời gian, ngấm vào máu thịt và tâm trí của mỗi người con đất Việt mỗi khi Tết đến Xuân sang.

Tin liên quan

Phản hồi

Phạm phương anh

Rất ý nghĩa và hay nó giúp cháu hiểu ốc hết ý nghĩa quan trọng của bánh

Các tin/bài khác