Chuyển từ tư duy quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia

(VOV5) - Chuyển đổi tư duy quản lý Nhà nước sang nâng cao năng lực quản trị quốc gia chính là việc làm sao phải tạo ra được đột phá về luật pháp, cơ chế chính sách.

Giải pháp “nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia” lần đầu tiên được đề cập trong văn kiện trình Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong chủ trương “tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn”. Điều đó cho thấy trong nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng, vấn đề quản trị quốc gia được đặc biệt quan tâm. Theo đó, năng lực quản trị của cán bộ các cấp được xem là yếu tố quyết định trong phát triển đảm bảo cả yêu cầu nhanh và bền vững.

“Chính sách không thể ban hành từ trên xuống, chính sách phải có sự tham gia của người dân, cả trong hoạch định và giám sát thi hành để thấu hiểu nguyện vọng của người dân ”. Đó là quan điểm của tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi nói về khái niệm quản trị quốc gia.

Chuyển từ tư duy quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia - ảnh 1Người dân xếp hàng mua đồ thời bao cấp. Ảnh tư liệu: quanlynhanuoc.vn

Theo ông Sĩ Dũng, nếu quản lý Nhà nước là một khái niệm hẹp về vai trò của Nhà nước tác động lên các đối tượng, lĩnh vực quản lý, thì quản trị quốc gia là một khái niệm rộng hơn nhiều để thực thi quyền lực của một Nhà nước: "Nâng cao năng lực quản trị quốc gia thì rõ ràng mình phải tuân thủ các nguyên tắc. Trước hết là đảm bảo pháp quyền, thứ hai là vận hành mọi công việc của nhà nước phải minh bạch, thứ ba là phải đảm bảo chế độ giải trình trách nhiệm và thứ tư là có sự tham gia của người dân. Bây giờ muốn tham gia của người dân thì trước hết  phải có quy định của pháp luật, phải cụ thể hóa sự tham gia của người dân. Thì luật ban hành văn bản quy phạm  pháp luật đã thể chế. Sau thì người dân tham gia giám sát thì mô hình của mình là thông qua mặt trận.

Thực tiễn phát triển trên thế giới cũng cho thấy, nhiều quốc gia có bước phát triển thần kỳ, nhảy vọt trong những thập niên qua như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, nhưng lại có những nước mãi chìm đắm trong nghèo đói. Sự khác biệt nằm ở chính  năng lực quản trị quốc gia của từng nước. 

Chuyển từ tư duy quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia - ảnh 2Thế và lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tình hình chính trị - xã hội - Ảnh: quanlynhanuoc.vn

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển, trong thực thi năng lực quản trị quốc gia, thể chế đóng vai trò quan trọng, kế đến là năng lực cán bộ: "Quản trị quốc gia thể hiện trong tất cả các lĩnh vực và mọi người trong các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp trung ương. Cấp cao đương nhiên là quan trọng hơn. Muốn quản trị quốc gia phải đào tạo, bổ nhiệm đúng người, đánh giá hiệu quả thực tiễn. Đánh giá hiệu quả thực tiễn chính là cái quản trị của họ tốt hay là không. Lần này trong cấp chiến lược tôi nghĩ là càng phải chú ý yếu tố quản trị quốc gia"

Đồng quan điểm với Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội, nhận định nâng cao năng lực quản trị quốc gia không thể tách rời yêu cầu về chất lượng cán bộ: "Theo tôi để quản trị quốc gia tốt chất lượng cán bộ là số một. Nhân lực phải am tường về quản lý, thông tuệ về tri thức. Thứ hai là thể chế chính sách phải một mặt quản lý trật tự xã hội của nhà nước theo nguyện vọng của đa số. Ba là trao quyền tự chủ cho đối tượng quản lý là người dân và doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp phân quyền."

Thế và lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tình hình chính trị - xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức lớn. Vì vậy, yêu cầu đổi mới sáng tạo về hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia bằng hệ thống pháp luật cởi mở, là 'bệ phóng' cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh cũng là một yêu cầu cấp thiết.

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2020, việc kiên cường chống chọi với dịch Covid 19 với mức tăng trưởng dương, dù không đạt được mục tiêu đề ra cũng đã là một phép thử lớn về khả năng quản trị quốc gia, thể hiện ở việc minh bạch thông tin và lắng nghe tiếng nói của người dân của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tới:

"Trước đây chúng ta bàn về sức cạnh tranh nội tại của nền kinh tế thì chúng ta đều nhìn nhận quy mô kinh tế Việt nam thuộc hàng trung bình, mức độ chống chọi lúc đầu yếu nhưng qua năm 2020 thấy rằng quy mô như vậy nhưng chúng ta chống chọi khá tốt và giữ được mức tăng trưởng dương 2,5%. Đó là bài học rất đáng quý về quản trị. Lúc khó khăn nhất chúng ta quay lại nhìn thì nông nghiệp là một trụ đỡ chắc chắn cho nền kinh tế."

Chuyển đổi tư duy quản lý Nhà nước sang nâng cao năng lực quản trị quốc gia chính là việc làm sao phải tạo ra được đột phá về luật pháp, cơ chế chính sách để khơi thông mọi nguồn lực tài chính, đất đai, con người. Làm sao để đổi mới sáng tạo phải trở thành một nguồn lực lớn mạnh,  trong từng người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Ấy là cách để tổng hòa sức mạnh trong giai đoạn mới của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác