Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế thị trường

(VOV5) - Kể từ năm 1986, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế.

Xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chủ trương này là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy nhằm tiếp thu những giá trị tích cực của nhân loại trong phát triển kinh tế để phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Thực tiễn đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế thị trường - ảnh 1 Xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. - Ảnh minh họa: VOV

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định để đi lên chủ nghĩa xã hội không thể không phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà bản chất là phát triển một nền kinh tế thị trường đồng bộ, đầy đủ, hiện đại và hội nhập, đồng thời giữ vững nguyên tắc và bản chất chủ nghĩa xã hội...

Vai trò lãnh đạo của Đảng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ Đại hội của Đảng với việc đề ra các phương hướng, định hướng, mục tiêu, và các giải pháp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tư duy về kinh tế của Đảng được đổi mới bắt đầu từ khi chấp nhận phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước ở Đại hội VI và qua các kỳ Đại hội tiếp theo đã liên tục đổi mới.

Khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001 rằng “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là kết quả của quá trình 15 năm đổi mới tư duy của Đảng và thực tiễn vận hành ở Việt Nam, được đúc kết trên cơ sở đánh giá và rút ra các bài học qua các kỳ Đại hội VII, VIII của Đảng. Bắt đầu từ đây, đổi mới tư duy về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam càng được đẩy mạnh hơn, ngày một toàn diện hơn.

Sau gần 35 năm đổi mới kể từ năm 1986, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế. Đó là đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do kinh doanh, tự do lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, hệ thống thị trường phát triển ngày càng đồng bộ...; quản lý kinh tế của Nhà nước đã đổi mới, quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của Nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giữ giá trị của đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường,... Trong điều kiện đó, các quy luật của kinh tế thị trường đã vận hành đồng bộ: Các doanh nghiệp đã nỗ lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển; giá cả hàng hóa đã cơ bản do thị trường quyết định; sản xuất và lưu thông đã phải chú ý đến những tín hiệu giá cả, cung - cầu trên thị trường; thị trường đã đóng vai trò trực tiếp điều tiết sản xuất và lưu thông, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, huy động và phân bổ các nguồn lực của sản xuất,...

Các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường gắn liền với vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, để giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định xã hội, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường... Nội dung và phương thức quản lý của Nhà nước Việt Nam như vậy không mâu thuẫn, không cản trở hoạt động của các quy luật của kinh tế thị trường  mà tạo điều kiện phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các quy luật này, để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang từng bước được làm sáng tỏ. Nhiều cơ chế, chính sách, thế chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang từng bước hoàn thiện. Nhiều vấn đề thị trường ở Việt Nam đã và đang được hiện đại hóa và đang từng bước phù hợp hơn với thị trường quốc tế.

Bước tiến lớn trong nhận thức lý luận và tư duy về nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã và đang được thể hiện ở các chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới. Bên cạnh những thành công to lớn về phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay, những thành tựu trong việc hợp tác kinh tế, chính trị, ngoại giao... với thế giới càng khẳng định việc lựa chọn phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là một lựa chọn sáng suốt. Và có thể khẳng định rằng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là một lựa chọn tất yếu để xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hiện đại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác