Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê

(VOV5) - Xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên mới là con em thế hệ thứ hai là nét riêng có của cộng đồng người Việt ở thành phố Ô-đét-sa và ở U-crai-na.

Dù gặp vô vàn khó khăn khi Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết tan rã, những người đảng viên vốn mang đậm chất người lính Cụ Hồ từ Việt Nam sang lao động ở đây đã tập hợp nhau lại, gầy dựng tổ chức Đảng. Những thành viên nòng cốt của tổ chức chi bộ Đảng phát động, xây dựng phong trào, phát triển các tổ chức hội, đoàn người Việt ngày một vững mạnh, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau tạo lập cuộc sống và giữ gìn bản săc văn hóa. Chính từ những phong trào sôi nổi trong cộng đồng đã tạo niềm tin, sự lan tỏa để thế hệ con em gốc Việt thứ hai tin yêu, phấn đấu, xin vào Đảng, để tổ chức Đảng ở đây ngày một lớn mạnh, từ một chi bộ, lập ra nhiều chi bộ, xây dựng đảng bộ có uy tín và làm nòng cốt trong mọi hoạt động của cộng đồng người Việt.

Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Hải Anh, Phó bí thư Đảng ủy vùng Ô-đét-sa, U-crai-na, Phó Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Ô-đét-sa về quá trình gầy dựng và phát triển tổ chức Đảng ở đây. 

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 1Ông Nguyễn Hải Anh trả lời phỏng vấn phóng viên Hoàng Hướng

Phóng viên: Xin cảm ơn ông Nguyễn Hải Anh khi về Việt Nam đã nhận lời mời và tham gia chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thưa ông, được biết, cộng đồng người Việt cư trú ở thành phố Ô-đét-sa lâu rồi, nhưng mà ở bên đấy vẫn duy trì hoạt động của chi bộ Đảng, rồi cả Đảng bộ. Đây có lẽ là điều riêng có của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.  Sinh hoạt Đảng, công tác Đảng của người Việt bên đấy có khác gì so với công tác Đảng, sinh hoạt đảng ở trong nước?

Ông Nguyễn Hải Anh: Chúng tôi cũng có điều kiện thuận lợi là sinh sống tại các nước xã hội chủ nghĩa cũ và có đại sứ quán bên cạnh. Cho nên, sau khi Liên-xô tan rã thì các tổ chức của chúng ta có bị ảnh hưởng nhất định. Chúng tôi may mắn là có đại sứ quán hỗ trợ, duy trì lại, khôi phục lại tổ chức và chúng tôi đã bắt đầu sinh hoạt đảng lại ngay, ban đầu từ cấp chi bộ. Ngay sau khi các nước cộng hòa đã tách ra và chúng ta có những cơ quan đại diện tại các nước cộng hòa đó. Từ chi bộ chúng tôi đã phát triển rộng thành ra nhiều chi bộ và có đảng bộ các tỉnh, miền.

Sinh hoạt Đảng ở nước ngoài cũng có khác một chút so với sinh hoạt đảng trong nước. Nhiệm vụ, mục đích nó cũng có linh hoạt hơn so với trong nước. Tôi cũng đã từng sinh hoạt đảng ở trong nước nên có thể so sánh được sinh hoạt đảng giữa hai nơi. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi ở bên đó là lãnh đạo bà con cộng đồng tuân thủ theo Hiến pháp pháp luật của nước sở tại và hướng về đất nước. 

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 2 Ông Trương Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy bộ phận Ô-đét-sa, bí thư Chi bộ Làng Sen trao Quyết định kết nạp đảng cho quần chúng Nguyễn Thị Mai Liên 

Trước đây, trước năm 2014 thì các hoạt động của tổ chức đảng tại U-crai-na khá thuận lợi. Bởi vì, bên họ cũng có những tổ chức Đảng cộng sản. Đã có những thời kỳ, ông ứng cử viên tổng thống là đảng viên cộng sản. Đây luôn luôn là một trong những đảng mạnh của nước này. Nhưng sau đó, những phe dân tộc chủ nghĩa nổi lên và họ có những chính sách không ủng hộ vai trò của Đảng cộng sản nói chung và những ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Liên-xô ngày xưa nói riêng đối với U-crai-na.

Hiện nay, sinh hoạt đảng của chúng tôi bên đó có những phức tạp hơn, khó khăn hơn nữa là chúng ta không thể treo công khai cờ đảng, khẩu hiệu về đảng tại những trụ sở văn phòng của Hội người Việt.

"Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi ở bên đó là lãnh đạo bà con cộng đồng tuân thủ theo Hiến pháp pháp luật của nước sở tại và hướng về đất nước" - Ông Nguyễn Hải Anh.
Dù rằng, khi sinh hoạt Đảng, chúng tôi vẫn tiến hành đúng thủ tục, vẫn có chào cờ, hát quốc ca, quốc tế ca. Sau mỗi lần như thế, chúng tôi đều lại phải dỡ những khẩu hiệu, biểu ngữ, cờ đảng tại những trụ sở của chúng tôi, bởi vì, nếu họ vào kiểm tra họ có thể quy hoạt động của chúng tôi vi phạm pháp luật của họ. Đó là điều khó khăn với chúng tôi. Nhưng ngược lại, chúng tôi cũng vẫn động viên anh em, đồng chí duy trì được tốt sinh hoạt đảng đều đặn tại các chi bộ cũng như đảng bộ. Từ đó, khuyến khích mọi người, nhất là các cháu thanh thiếu niên có hướng phấn đấu gia nhập Đảng để hoạt động đảng ngày một phát triển, vững mạnh.

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 3         Chi bộ Làng Sen chụp ảnh cùng đảng viên mới

Khi có việc gì đó cần thiết thì chúng tôi đều có thể triệu tập chi bộ, triệu tập đảng bộ để sinh hoạt. Nội dung và mục đích hướng đến trong mỗi cuộc sinh hoạt chi bộ thông thường là học tập nghị quyết, hoặc là có những điều gì mới thì chúng tôi chia sẻ với nhau, để có thể cùng nhau tìm hiểu về chính sách của nhà nước sở tại, cũng như những thông tin của Đảng và Nhà nước ta mà ai đó trong chi bộ có thể nắm được thông báo cho chi bộ biết. Hoạt động của chúng tôi thứ nhất là anh em gặp mặt, thứ hai là trao đổi về thông tin và chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong làm ăn kinh tế.

Chúng tôi lập những nhóm của chi bộ, anh em thường xuyên trao đổi, thường xuyên thông tin với nhau để nắm bắt được những việc cụ thể, nắm bắt tin tức cũng như là có những điều gì thay đổi, có những điều gì tốt trong hoạt động, trong cuộc sống nói chung cũng như trong kinh doanh của mỗi người nói riêng.

Phóng viên: Thường thì người Việt mình khi sống ở nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến làm ăn, sinh sống, rồi chăm lo cho gia đình mình. Trong điều kiện như thế, mối quan hệ với chính quyền địa phương cũng không như ở Việt Nam. Điểm khác biệt trong việc thu hút những người sống ở nước ngoài tham gia vào tổ chức đảng là gì?

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 4

Ông Nguyễn Như Mạnh chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Ô-đét-sa tuyên dương và trao bằng, giấy khen cho các em học sinh đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2018-2019 cũng như những em đoạt những giải cao trong các cuộc thi các cấp.

Ông Nguyễn Hải Anh: Thực ra là trong cuộc sống ở nước ngoài thì mỗi người đều làm ăn theo xu hướng cá nhân, tự mỗi người đều định hướng cho mình cách sinh hoạt cũng như cách làm ăn trong cuộc sống. Thế nhưng khi chúng ta đã đoàn kết, chúng ta có thể ngồi nói chuyện được với nhau. Chúng ta có thể chia sẻ được với nhau những kinh nghiệm của mình hoặc là chia sẻ những thông tin mới. Có thể hôm nay tôi biết thông tin này mà trong chi bộ nhiều đồng chí còn chưa biết thì tôi chia sẻ những thông tin đó ra thì các đồng chí cũng nắm được. Hơn nữa, trong cuộc sống ai đó có thể cần sự trợ giúp thì anh em đều có thể nêu lên, và người nào có thể có khả năng thì người đó lại giúp đỡ lại anh em trong chi bộ với nhau.

Phóng viên: Khi mà cuộc sống mưu sinh chiếm rất nhiều thời gian của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, làm thế nào để thu hút được các đồng chí của mình, những người uy tín, tích cực đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đó phát triển chi bộ Đảng, cũng như hình thành được Đảng bộ?

Ông Nguyễn Hải Anh: Trong sinh hoạt đảng và phát triển đảng viên, điều đầu tiên là chúng tôi lấy nòng cốt là những những anh em đồng chí có uy tín trong cộng đồng. Chúng tôi hướng dẫn và lôi cuốn họ để họ yêu thích và tự nguyện phát triển vào Đảng. Từ những đồng chí đó, con người đó, thì chúng tôi nêu ra được là đảng viên luôn luôn là những người gương mẫu, luôn luôn là những người giỏi, biết làm kinh tế, cũng như là gắn kết những công tác cộng đồng, biết làm những điều tốt cho bà con cộng đồng. Thế hệ con cháu nhìn vào thấy đảng viên luôn luôn là những người mẫu mực, luôn là những người giỏi giang trong mọi lĩnh vực và là người có uy tín trong cộng đồng, làm những việc tốt cho cộng đồng thì đấy chính là tấm gương để giáo dục các cháu, cho các cháu noi theo. Các cháu hướng về những lý tưởng của Đảng chính từ những tấm gương và công việc thực tiễn thì các cháu lại tự nguyện phấn đấu để tham gia đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 5Đảng ủy tại U-crai-na đã tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi đảng cho 08 đẩng viên đã có quá trình cống hiến, rèn luyện và xây dựng Đảng bộ Khắc-cốp. 

Từ thực tiễn công việc đã giao, tổ chức Đảng phát hiện những quần chúng ưu tú, những người hoạt động công tác ở cộng đồng tốt để bồi dưỡng trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Cũng từ những quần chúng ưu tú, có uy tín và nhiệt tình đó, bồi dưỡng, phát triển những thế hệ tương lai của chúng ta, con em chúng ta dù sống ở nước ngoài nhưng vẫn phấn đấu vì mục đích lý tưởng của Đảng, hướng các cháu viết đơn phấn đấu trở thành người đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, tổ chức Đảng giữ vai trò như thế nào trong hoạt động chung của cộng đồng người Việt?

Ông Nguyễn Hải Anh: Tổ chức Đảng luôn giữ vai trò lãnh đạo. Khi chúng tôi có bất cứ việc gì đó của cộng đồng nói chung, bao giờ trong Đảng ủy chúng tôi cũng họp và bàn nên triển khai như thế nào, nên làm như thế nào, và từ đó chúng tôi giao cho từng hội, đoàn từng công việc nhất định trong các hoạt động chung của cộng đồng. Mỗi thành viên trong Ban chấp hành Đảng ủy chúng tôi được giao phụ trách từng hội đoàn như nhất định. Cho nên, những công việc đó chúng tôi triển khai rất tốt và cũng không bị chồng chéo.

"Tổ chức Đảng luôn giữ vai trò lãnh đạo... Thế hệ con cháu nhìn vào thấy đảng viên luôn luôn là những người mẫu mực, luôn là những người giỏi giang trong mọi lĩnh vực và là người có uy tín trong cộng đồng, làm những việc tốt cho cộng đồng thì đấy chính là tấm gương để giáo dục các cháu, cho các cháu noi theo" - Ông Nguyễn Hải Anh
Phóng viên: Cộng đồng người Việt ở nhiều nước xây dựng phong trào, rồi thành lập các tổ chức như Hôi cựu chiến binh, hội đoàn khác sinh hoạt và hoạt động dễ dàng hơn. Tại U-crai-na thì ngược lại, lập tổ chức Đảng sau đó mới phát triển các hội, đoàn? Trở lại với thời điểm khôi phục tổ chức đảng, quá trình ấy diễn ra như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Anh: Thuận lợi là chúng tôi có tổ chức Đảng tại các thành phố từ khi Liên-xô chưa tan rã. Khi ấy, cộng  đồng người Việt Nam tại các nước Cộng hòa thuộc Liên-xô cũ chủ yếu là học sinh, sinh viên ở lại và lao động hợp tác, trong đó, đa phần là bộ đội xuất ngũ. Sau khi xuất ngũ, đi theo diện hợp tác lao động thì chất lính, chất của người đảng viên vẫn giữ được.

Tuy nhiên, lúc đầu cũng có một số khó khăn nhất định. Ban đầu là kết nối, vận động được những đồng chí đảng viên cũ đã mất liên lạc nhằm lập lại tổ chức đảng, vì sau khi Liên-xô tan rã, mỗi người đi mỗi hướng để ổn định cuộc sống. 

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 6 Đảng viên chi bộ Sorsa chào cờ tại Lễ kết nạp Đảng

Nếu như chúng ta không vận động được các đảng viên cũ của chúng ta, những người có chí hướng để sinh hoạt, để gây dựng tổ chức đảng, thì khi chúng ta kết nạp những đồng chí mới, nhất là thế hệ thứ hai, là lứa con cháu chúng ta, người ta nhìn vào, sẽ thấy tổ chức đảng chúng ta chưa biết cách tập hợp lại những người đảng viên cũ của mình.

Bởi thế, công việc vất vả nhất đối với chúng tôi là vận động được những đồng chí đảng viên cũ trở lại sinh hoạt. Vượt qua khó khăn, chúng tôi đã vận động được tất cả các đồng chí đó tham gia lại vào tổ chức Đảng. Tiếp đó là vận động những người có uy tín trong cộng đồng để họ tham gia vào tổ chức Đảng.

Từ những nòng cốt ấy chúng tôi nhân rộng lên qua việc xây dựng phong trào và đã là kết nạp được thêm rất nhiều những người có cùng chí hướng, có cùng nguyện vọng nhằm xây dựng được một cộng đồng vững mạnh. Từ chi bộ, chúng tôi nhân rộng ra nhiều chi bộ ở các địa phương và lập đảng bộ. Từ đảng bộ, mới thành lập Hội người Việt, Hội đồng hương, bây giờ gọi là Hội người Việt Nam tại tỉnh Ô-đét-sa. Từ Hội người Việt, lập thêm Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội doanh nhân và bây giờ lại có rất nhiều các hội đồng hương của các tỉnh. Nhưng tất cả vẫn dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng tại cơ sở.

Đến bây giờ, hoạt động đảng của chúng tôi tương đối thuận lợi và có được sự ủng hộ cả của những quần chúng tiêu biểu, các tầng lớp thanh niên, thiếu niên.

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 7Lễ khai giảng năm học mới của lớp tiếng Việt khu đô thị Làng Sen, Ô-đét-sa.

Phóng viên: Thế hệ con cháu của các anh, các chị đảng viên ở bên đấy sinh ra ở nước ngoài, sống ở nước ngoài, học theo văn hóa của nước ngoài bằng tiếng nước ngoài. Làm thế nào để hoạt động của một tổ chức đảng như chi bộ rồi Đảng bộ thu hút được các cháu quan tâm đến hoạt động của mình?

Ông Nguyễn Hải Anh: Thực ra là chúng ta phải gắn kết tất cả các hoạt động với vài trò của tổ chức Đảng. Hay nói cách khác, Đảng chỉ đạo và gắn kết tất cả các hoạt động của cộng đồng và từ việc tổ chức những hoạt động đó thì chúng ta mới có những nhiệm vụ trao cho các cháu thanh thiếu niên tham gia vào hoạt động cộng đồng để các cháu thể hiện tài năng, đóng góp sức lực cho hoạt động chung. Cũng qua các hoạt động mà các cháu tham gia, các cháu lôi cuốn được cả những bạn thanh niên của nước sở tại cùng thực hiện. Tự thân hoạt động của các cháu như thế đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam giới thiệu với người nước ngoài để người ta thấy là người Việt Nam sống rất hòa bình, rất là đoàn kết và cũng rất là có văn hóa. Từ đó họ tôn trọng đối với người Việt Nam. Khi các cháu hiểu được ý nghĩa công việc mình làm, khi qua công việc thu hút và tạo được thiện cảm với người dân nước sở tại thì các cháu rất hăng hái nhiệt tình trong việc đi tuyên truyền với nền văn hóa cuộc sống của người Việt Nam.

"Đảng chỉ đạo và gắn kết tất cả các hoạt động của cộng đồng" - Ông NGuyễn Hải Anh

Đoàn thanh niên là cánh tay phải của Đảng. Cho nên, khi phát triển được tổ chức đảng thì chúng tôi cũng kết hợp phát triển được tổ chức đoàn thanh niên. Chúng tôi vận động các cháu và đưa các cháu vào sinh hoạt, có đại diện Đảng ủy sứ quán xuống làm lễ kết nạp đoàn cho các cháu lứa tuổi từ 18 trở lên và các cháu đều rất hăng hái hoạt động phong trào thanh thanh niên ở đó, vì thực ra, phong trào Đoàn thanh niên lại gắn kết với giới trẻ của cả U-crai-na. Hằng năm, các cháu có những buổi hội trại. Buổi thi cắm trại, rồi những buổi thi văn hóa, văn nghệ thể thao của toàn U-crai-na. Đưa các cháu vào những hoạt động phong trào như thế và gắn kết như thế thì các cháu đều thấy ham thích và đều có thấy là mình được giao lưu, được học hỏi và được biết thêm nhiều quan hệ, thêm nhiều anh em, bạn bè.

Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài hàng năm đều có tổ chức trại hè tại Việt Nam cho các cháu đoàn viên thanh niên hoạt động xuất sắc tại nước sở tại trở về tham gia đi những chuyến xuyên Việt, tham gia hoạt động ngoại khóa và các cháu đều thấy là những hoạt động đó rất bổ ích và các cháu đều cố gắng phấn đấu để mình có thể trở thành một trong những đại biểu tiêu biểu như thế.

Phóng viên: Như ông vừa nói, tổ chức Đảng ban đầu là tập hợp những người đã là đảng viên trong nước rồi. Nhưng nếu chỉ có thế hệ ấy không thì làm sao mà có thể phát triển được nguồn đảng viên mới, đặc biệt là đảng viên trẻ cho tổ chức đảng khi mà các đảng viên đấy đã lớn tuổi rồi? 

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 8 Đảng viên Lê Cao Cường đọc lời thề sau khi nhận quyết định kết nạp

Ông Nguyễn Hải Anh: Vất vả hơn cả là vận đồng quần chúng ưu tú nhằm kết nạp các đồng chí đảng viên mới. Điều này thực sự cũng đang là khó khăn đối với chúng tôi. Sau khi kêu gọi được những đồng chí đảng viên cũ mất liên lạc trở lại tiếp tục sinh hoạt, chúng tôi đã kết nạp thêm được rất nhiều các quần chúng tốt. Họ ban đầu là những người giữ những chức vụ trong cộng đồng. Có thể người ta chỉ là trưởng chi hội nào đó, trưởng một nhóm nào đó, người ta có uy tín. Chúng tôi đã kết hợp giáo dục tư tưởng và bồi dưỡng những người đó phấn đấu trở thành đảng viên. Cho đến nay, những người như thế cũng đã cạn rồi.

Bây giờ bắt buộc là phải tìm kiếm từ thế hệ thứ hai, làm sao giáo dục các cháu để các cháu có niềm tin yêu lý tưởng của Đảng, niềm tin yêu đất nước, yêu Tổ quốc và các cháu tự nguyện phấn đấu vào trở thành người đảng viên.

Bây giờ rất nhiều cháu coi việc rèn luyện, phấn đấu vào Đảng là vinh niềm vinh dự và tự hào. Các cháu luôn hăng hái thưa với các chú, các bác là có nhiệm vụ gì cứ giao cho chúng cháu và chúng cháu sẽ hứa hoàn thành tốt. Và rất nhiều việc các cháu là làm rất tốt. Cụ thể nhất về việc giao việc cho các cháu. Các cháu có ngoại ngữ, am hiểu cuộc sống của người địa phương. Các cháu có thể đứng ra làm phiên dịch cho những vụ việc trong cộng đồng. Các cháu học hành những ngành nghề mà các cháu có thể coi như đội ngũ phiên dịch, dẫn dắt bà con đi làm những công việc mà trong cộng đồng mọi người là chưa thạo, chưa giỏi. Từ những việc đó, thì các cháu thấy là lý tưởng của mình phấn đấu là vì cộng đồng và các cháu đều có ý thức rất tốt để phấn đấu trở thành người đảng viên.

"Nếu kết nạp đảng viên mà có quốc tịch nước ngoài thì đấy là điều mà điều lệ đảng chúng ta không khuyến cáo nhưng chưa có quy định, không có quy định nào cho những chuyện đó" - Ông Nguyễn Hải Anh

Đối với thế hệ trẻ, chúng tôi có hai khó khăn lớn. Bây giờ thứ nhất là các cháu mà đã được đi học được cho các tổ chức trong nước cử sang Ô-đét-sa học thì chúng tôi cũng rất tạo điều kiện để phát triển đảng cho các cháu. Các cháu học tốt nhưng lại không phục vụ được cho cộng đồng, cho cho tổ chức đảng tại cơ sở bởi vì hầu như các cháu tốt nghiệp xong, đều trở về nước.Chúng tôi đang vướng mắc một vấn đề mà chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị lên tổ chức Đảng trong nước và Đảng ủy ngoài nước. Hầu hết các cháu thế hệ thứ hai đều đã có quốc tịch U-crai-na. Nếu kết nạp đảng viên mà có quốc tịch nước ngoài thì đấy là điều mà điều lệ đảng chúng ta không khuyến cáo nhưng chưa có quy định, không có quy định nào cho những chuyện đó. Cho nên, chúng tôi tạm thời là vẫn đang dừng lại trong vấn đề đó. Các cháu thì lại rất là nhiệt tình hăng hái hoạt động cho phong trào nói chung và hoạt động công tác đảng nói riêng. Và hiện tại, chúng tôi cũng chưa biết cách xử lý vấn đề này như thế nào.

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 9Các cháu học sinh trong một lớp học tiếng Việt tại Làng Sen

Phóng viên: Nếu nhìn lại khi mà trước đây khi chưa có tổ chức đảng và chưa gầy dựng được tổ chức đảng như chi bộ rồi đảng bộ, so với thời điểm hiện nay, khi mà hoàn thiện rồi thì ông thấy tác động của các tổ chức ấy đối với đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt khác biệt nhau như thế nào?

Ông Nguyễn Hải Anh: So với trước đây khác biệt rất lớn. Bởi vì sau khi Liên-xô tan rã rất lâu, không có tổ chức hội đoàn nào hoạt động. Chưa kể, một số anh em đã có thâm niên, quen biết với chính quyền bạn, chỉ điểm để những người công an thoái hóa của chính quyền, cả những kẻ cướp đến cướp, trấn lột hàng, tiền của bà con mình. Rồi có những người lôi kéo những kẻ xấu từ các thành phố khác về Ô-đét-sa, thậm chí có cả tệ nạn từ nghiện hút cho đến cờ bạc. Thế nhưng, khi đã có tổ chức Đảng rồi, những vấn đề nổi cộm trong cộng đồng được giải quyết. Từ công tác Đảng chúng tôi thành lập được Hội người Việt Nam, các hội đồng hương. Hội người Việt Nam chúng ta có tiếng nói đối với chính quyền sở tại và chúng ta đề nghị được kết hợp với chính quyền bạn xử lý tệ nạn, dẹp những cái xấu trong xã hội thì đời sống bà con ổn định hơn. Việc làm ăn của bà con cũng yên tâm hơn.

Phóng viên: Trong sinh hoạt Đảng ở nước ngoài thì có gì vướng mắc không thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Anh: Thực ra chúng tôi sinh hoạt với lý tưởng của Đảng, vì niềm tin yêu Đảng. Thế nhưng mà trong những cơ chế và trong những cái hướng trong điều lệ và trong những hướng dẫn cho việc sinh hoạt đảng ngoài nước nhiều thứ vẫn chưa được rõ ràng, chưa cụ thể đối với từng nơi từng địa phương.

Hiện tại, nếu như mà chúng ta không kết nạp các cháu có cả hai quốc tịch, nghĩa là thế hệ thứ hai mà có cả quốc tịch Việt Nam có cả quốc tịch U-crai-na thì cũng chúng tôi cũng nói thực sự là hết nguồn phát triển Đảng.  

Thêm nữa là chúng tôi cũng rất nhiều lần kiến nghị, đối với một số đồng chí bây giờ sinh hoạt đảng tại chi bộ tại Đảng bộ chúng tôi, nhưng mà thời gian về thăm quê Việt Nam lại nhiều hơn ở bên kia thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào để cho chúng tôi thì có cách sinh hoạt đúng và không bị vi phạm Điều lệ Đảng.

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 10 Cộng đồng người Việt tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng

Phóng viên: Một vấn đề được rất nhiều người Việt mình ở nước ngoài quan tâm, đó là giữ gìn bản sắc văn hóa. Vấn đề này gắn với nội dung sinh hoạt Đảng của người Việt ở U-crai-na quan tâm như thế nào?

Ông Nguyễn Hải Anh: Chúng tôi ltổ chức rất nhiều những hoạt động kỷ niệm những ngày Việt Nam tại thành phố Ô-đét-sa cũng như trên toàn U-crai-na. Chúng ta mang được những cái bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi đơn vị cụ thể như Ô-đét-sa, Khắc-cốp, Ki-ép. Từ những hoạt động đó đã giúp  người dân địa phương hiểu hơn về văn hóa của chúng ta, hiểu hơn về con người Việt Nam và người ta có tình cảm hơn đối với cộng đồng người Việt Nam sinh sinh sống tại trên đất nước của họ.

Hiện tại, ở Ucrai-na, tại ba thành phố lớn ở Ô-đét-sa, Khắc-cốp, Ki-ép thì chúng tôi vẫn duy trì được những lớp học tiếng Việt. Chúng tôi bảo đảm được việc các cháu biết đọc, biết viết và nói sõi được tiếng Việt. Chúng tôi không thể dạy các cháu được lên các lớp cao. Tại các thành phố lớn, chúng tôi vẫn duy trì được những lớp học như thế đã từ nhiều năm nay rồi. Chúng tôi vẫn thường có những phong trào giao lưu về văn hóa văn nghệ giữa các thành phố với nhau, tạo ra những hoạt động thường xuyên trong năm. Thông thường thì một năm cũng có thể là có vài ba lần tổ chức, nay thành phố này, mai thành phố khác để các cháu cũng được cùng giao lưu và người lớn cũng được giao lưu với nhau, chan hòa với nhau. 

Phóng viên: Nếu có một mong muốn nào đấy về việc trì, phát triển và nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong cộng đồng người Việt tại Odessa, Ucrai-na thì ông mong muốn điều gì?

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 11 Các chị phụ nữ biểu diễn văn nghệ nhân ngày 8/3

Thực ra thì tất cả cộng đồng, tất cả các đồng chí đảng viên trong chi bộ, trong đảng bộ đều mong muốn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài nhiều hơn nữa và có những những hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời hơn nữa nhằm tạo sự kết nối giữa cộng đồng với đất nước. Tôi nói cụ thể là các hoạt động xã hội khác thì luôn luôn có những hoạt động gắn kết với đất nước, với tổ quốc. Riêng hoạt động đảng thì hầu như là chỉ có quỹ hoạt động ở bên đó thôi, tại nước sở tại thôi, chưa có những hoạt động nào đó có thể là tại Việt Nam, có thể là có những lớp bồi dưỡng cho cái các đồng chí trong Đảng ủy hay hoạt động nào đó để nâng cao tư tưởng nhận thức của người đảng viên. Bởi vì chúng tôi rất đói thông tin. Thông tin chúng tôi có được chủ yếu là đọc trên mạng, trên báo đài, chứ chúng tôi ít khi nhận được những thông tin cụ thể từ tổ chức đảng cấp trên gửi xuống, còn gọi là thông tin chính thống để chúng tôi có thể hiểu được, nắm được đường lối, tư tưởng của Đảng.

Hiện tại, chúng tôi vẫn đề nghị là Đảng ủy ngoài nước tại U-crai-na thường xuyên có những thông báo cho chúng tôi về những hoạt động của Đảng ta. Trung bình là khoảng một vài tháng thì các anh cũng gửi cho những thông tin ấy. Mặc dù là nó cũng không phải là mới, thế nhưng cũng là những thông tin chính thống, mà qua đó, chúng ta nắm bắt được, chúng ta hiểu được tình hình thực tế trong nước. Ngoài ra, Đảng ủy nước cũng thường xuyên có những cái cuộc triệu tập các đồng chí trong Đảng ủy của các vùng miền lên để có những cuộc thảo luận, trao đổi về những hoạt động của Đảng nói riêng và hoạt động của các tổ chức cộng đồng nói chung. Đó là những điều mà tôi nghĩ là tốt hơn cho hoạt động của đảng tại cơ sở. Lấy hoạt động của Đảng làm trung tâm trong mọi hoạt động của cộng đồng.

Xây dựng tổ chức Đảng từ chính cộng đồng người Việt xa quê - ảnh 12 Đại diện cộng đồng tổ chức kỷ niệm Quốc khánh 2/9

Phóng viên: Từ các hoạt động của tổ chức Đảng, ông mong muốn điều gì cho cộng đồng người Việt mình khi mà lấy hoạt động của Đảng là trung tâm để từ đó xây dựng cộng đồng người Việt mình trong thời gian tới? 

Ông Nguyễn Hải Anh: Thực ra thì mong ước đầu tiên của tôi cũng như từ tất cả bà con cộng đồng là mong có được sự quan tâm và chỉ đạo nhiều hơn của Đảng và Nhà nước thông qua đại sứ quán, thông qua Đảng ủy ngoài nước tại Ucrai-na. Cần phải quan tâm đến cộng đồng, đến bà con nhiều hơn, đến các đảng viên của mình nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa, đến trực tiếp đến các tỉnh, thành, nơi có tổ chức của mình. Để khi có sự kiện, có vụ việc gì đó không may xảy ra, thì đại sứ quán cũng như Đảng ủy ngoài nước kịp thời thăm hỏi, kịp thời động viên để bà con tin tưởng rằng, bà con cũng như những người đảng viên chúng ta luôn cảm thấy được quan tâm, được giúp đỡ trong những tình huống gặp khó khăn. Bởi vì bây giờ, hiện tại đất nước U-crai-na cũng đang trong thời kỳ vượt qua khủng hoảng cả về chính trị lẫn kinh tế, có rất nhiều những điều không được thuận như ngày xưa. Do đó, sự quan tâm của Đảng và tổ chức và chính quyền kịp thời và thường xuyên hơn thì sẽ động viên tinh thần bà con rất nhiều.

"Cần phải quan tâm đến cộng đồng, đến bà con nhiều hơn, đến các đảng viên của mình nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa, đến trực tiếp đến các tỉnh, thành, nơi có tổ chức của mình" - Ông Nguyễn Hải Anh
Còn việc phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đảng đối với việc xây dựng cộng đồng thì thực ra là chúng tôi vẫn cố gắng phấn đấu làm sao để tất cả những người đảng viên đều phải là những người đầu tàu gương mẫu. Khi phát hiện ra bất cứ một đồng chí nào trong tổ chức của chúng tôi có điều gì không đúng với tư cách của người đảng viên, chúng tôi đều họp, đều có kiểm điểm, đều có nhắc nhở với mong muốn là làm sao để cho cộng đồng được đoàn kết, cộng đồng ngày một tốt hơn chứ cũng không có mong muốn gì hơn.

Phóng viên: Vâng. Xin trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Hải Anh, một đảng viên đại diện cho chi bộ Đảng và Đảng ủy của cộng đồng người Việt tại thành phố Ô- đét-sa, U-crai-na đã chia sẻ với Đài Tiếng nói Việt Nam về quá trình phát triển, xây dựng tổ chức Đảng, vai trò của tổ chức Đảng trong việc phát động phong trào, xây dựng cộng đồng người Việt trong điều kiện khó khăn ngày một vững mạnh, đoàn kết. Không chỉ dừng lại ở đó, thông qua việc xây dựng phong trào và các hoạt động cộng đồng để đào tạo và rèn luyện thế hệ trẻ thứ hai, thứ ba của người Việt hướng theo cha ông mình, hướng theo niềm tin của tổ chức Đảng, tham gia phong trào đoàn và mong muốn trở thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam dù mang quốc tịch nước ngoài và sống ở nước ngoài. Đây là nền tảng vững chắc để tổ chức đảng, phong trào của Đảng và uy tín của Đảng bén rễ, xanh tươi. Cảm ơn ông rất nhiều và chúc cho tổ chức đảng của cộng đồng người Việt ở thành phố Ô-đét-sa luôn là trụ cột, luôn là nòng cốt, là điểm tựa để những phong trào, hoạt động của cộng đồng ngày một thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng cộng đồng người Việt tại đây ngày một phát triển, hướng về đất nước. 

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

(Ảnh:Báo nguoivietodessa.com)

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác