Các dự án khởi nghiệp dựa trên nền tảng số

(VOV5) - Sức sáng tạo của họ không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế mà còn sớm giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với công cuộc số hóa. 
Trong thời gian qua, trên thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp tiềm năng, sớm vận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Sức sáng tạo của họ không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế mà còn sớm giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với công cuộc số hóa. Đó là các cá nhân, doanh nhân trẻ với các dự án khởi nghiệp dựa trên nền tảng số.
Các dự án khởi nghiệp dựa trên nền tảng số - ảnh 1Giao diện của ứng dụng eDoctor - Ảnh: vnexpress.net
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Edoctor là công ty công nghệ y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyên cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe thông qua các thiết bị thông minh. Được thành lập năm 2014 với nhiều ý tưởng sáng tạo, dần phát huy trong thực tiễn như khám chữa bệnh từ xa, phối hợp chăm sóc sức khỏe tại nhà và hỗ trợ khách hàng chăm sóc sức khỏe chủ động. Công ty được các chuyên gia nhận định là có tiềm năng. Giai đoạn đại dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, mô hình y tế số này được nhiều người biết đến. Tính đến thời điểm hiện tại, Edoctor đã hợp tác với hơn 500 điều dưỡng, hơn 400 bác sỹ, 80 phòng khám và bệnh viên trên cả nước.

Các dự án khởi nghiệp dựa trên nền tảng số - ảnh 2Anh Huỳnh Phước Thọ, thành viên sáng lập Edoctor. Ảnh: diendandoanhnghiep.vn

Anh Huỳnh Phước Thọ, thành viên sáng lập Edoctor, khẳng định: "Những dự án chăm sóc khám chữa bệnh từ xa mà các tập đoàn khác đã làm trong thời gian qua chia làm 2 mảng: cung cấp cơ sở hạ tầng cũng như các ứng dụng để các bệnh viện, các cơ sở y tế cùng tuyến hoặc khác tuyến cùng hỗ trợ lẫn nhau thì cái này chúng ta đã làm rất thành công. Nhưng kết nối giữa người bệnh và bác sỹ điều trị còn thiếu và chưa có một đơn vị nào triển khai mà thành công trong lĩnh vực này. Chúng tôi có chiến lược riêng, không chỉ là  ứng dụng để kết nối bác sỹ với người dùng để tư vấn từ xa, chúng tôi còn xây dựng thêm hệ thống dịch vụ đi kèm đó là phòng khám bệnh viện, xét nghiệm".

Không chỉ có y tế, giáo dục cũng đang khẳng định là thị trường tiềm năng, khẳng định sức sáng tạo của các doanh nhân. Nền tảng dạy học trực tuyến là điển hình và câu chuyện của Công ty công nghệ và giải pháp Etech là ví dụ. Thành lập gần 10 năm, với quy mô nhỏ và chủ yếu sáng tạo các phần mềm hỗ trợ cho ngành giáo dục nhưng nhiều năm liền công ty này chỉ hoạt động với vai trò là đơn vị thứ 3, được chia % lợi nhuận với đối tác chính thức của khách hàng. Khi dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học, nhu cầu dạy và học trực tuyến trở nên bức thiết. đơn hàng đến với Etech nhiều hơn. Anh Hà Văn Đạt, Giám đốc điều hành công ty công nghệ và giải pháp Etech, cho biết: "Doanh thu tăng hơn trước mùa dịch. Có nhiều đơn vị trước đó chúng tôi chủ động nhưng về sau, họ lại chủ động tìm đến chúng tôi".

Anh Hà Văn Đạt cũng khẳng định công ty Etech vẫn đang tập trung nguồn lực để số hóa hiệu quả hơn nữa và hướng tới chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam.

Những tín hiệu tích cực từ cộng đồng Startup Việt, đặc biệt là cộng đồng startup lĩnh vực khoa học công nghệ, đến từ nỗ lực sáng tạo của các cá nhân, các nhóm khởi nghiệp và hoạt động hỗ trợ-thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của nhiều tổ chức, địa phương cũng như của nhà nước. Một trong số đó phải kể đến các chương trình, hoạt động từ Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019-2025”.

Ông Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), đại diện đơn vị triển khai Đề án, cho biết: "Hà Nội đã ban hành các chính sách rất cụ thể, điển hình là đề án  Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025 liên quan đến hỗ trợ cơ sở vật chất,  hỗ trợ chi phí mặt bằng, chi phí chuyển giao công nghệ. Trong năm 2020, các Sở đã triển khai hỗ trợ công tác thông tin tuyên truyền với cộng đồng đổi mới sáng tạo, ngoài ra là đào tạo 100 nhóm, cá nhân của dự án đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tham gia các giải thưởng…".

Công cuộc số hóa đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với việc tạo môi trường thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp phát triển, sức sáng tạo của các doanh nhân, doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện mạnh mẽ và phát huy tác dụng trong thực tiễn. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế, dần số hóa nền kinh tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác