Đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử: hướng đi tất yếu

(VOV5) - Việc này không chỉ mang lại doanh thu, lợi ích kinh tế to lớn cho người nông dân, mà còn chứng minh hướng đi đúng đắn, tất yếu của giao dịch nông sản trên sàn thương mại điện tử.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, thu hút đông đảo người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước.

Kết quả thực tế của việc đẩy mạnh đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử không chỉ mang lại doanh thu, lợi ích kinh tế to lớn cho người nông dân, mà còn chứng minh hướng đi đúng đắn, tất yếu của giao dịch nông sản trên sàn thương mại điện tử trong kỷ nguyên công nghệ số.

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử có nhiều lợi thế, không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn,

Một trong những ví dụ được biết đến rộng rãi về sự thành công của đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử thời gian qua là mặt hàng vải thiều, nhãn… ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… trong mùa vụ năm 2021, đúng giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, dù bị hạn chế đáng kể hoạt động giao thương do các biện pháp phòng chống dịch, hàng nghìn tấn vải, nhãn và nhiều nông sản khác như trứng gà, gà thịt… vẫn được tiêu thụ kịp thời nhờ được đưa lên sàn thương mại điện tử. Qua sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể kết nối mua trực tiếp nông sản mà không phải qua trung gian, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, còn người nông dân cũng có thêm thu nhập.

Đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử: hướng đi tất yếu - ảnh 1Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử - Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc HTX sản xuất nhãn lồng Lễ Châu (tỉnh Hưng Yên) và bà Lương Thị Kiểm, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, cho biết: “Với người nông dân chúng tôi khi làm ra sản phẩm mà được tiếp cận với sàn thương mại điện tử thì chúng tôi kỳ vọng rất lớn. Tức là thứ nhất bán hàng rất nhanh, gọn, đến người tiêu dùng rất tốt. Thứ nữa là rất là tiện lợi”. “Kênh thương mại trực tuyến giúp giải quyết nhiều vấn đề. Thứ nhất, người tiêu dùng ngay cả khi phải ở trong nhà vì dịch bệnh bùng phát thì vẫn có thể mua được hàng qua kênh thương mại trực tuyến, chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính thôi. Tương tự, với người nông dân, ngay cả khi dịch Covid-19 xảy ra thì họ cũng chỉ cần thu hoạch nông sản rồi sẽ có đơn vị đến thu mua tại nhà. Có thể nói rằng có rất nhiều lợi ích”.

Theo thống kê, đến nay đã có khoảng hơn 170.000 hộ sản xuất nông sản tham gia các sàn thương mại điện tử, tăng mạnh so với giai đoạn trước. Điều đáng nói là ngày càng nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nông sản nhận ra giá trị và lợi ích to lớn của thương mại điện tử, coi đó là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản để thích ứng với thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã nhãn Miền Thiết, Khoái Châu, Hưng Yên nhận định: “Tôi nghĩ cái này không khó với bà con nông dân. Bà con chỉ cần đầu tư tập huấn trong một thời gian ngắn là có thể làm được. Đây là một giải pháp rất cơ bản kể cả trong giai đoạn dịch bệnh cũng như trong tương lai khi không còn dịch bệnh. Thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hoạt động giao dịch nông sản trên sàn thương mại điện tử vì giờ đây chúng ta đã bước vào công nghệ 4.0 rồi”.    

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh việc đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử, bắt kịp xu thế chung của thương mại thời kỳ kỹ thuật số.
Đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử: hướng đi tất yếu - ảnh 2Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương - Ảnh: TTXVN

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết: “Trước đây, nông sản Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh truyền thống như là chợ, qua các nhà phân phối… Tuy nhiên, với việc thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, đặc biệt với việc lượng người tiêu dùng là thế hệ trẻ, thì nông sản Việt Nam đã, đang và sẽ lựa chọn thương mại điện tử như là một kênh chính thức, một kênh phôn phối đầu ra ổn định, bền vững cho tiêu thụ nông sản Việt. Chúng tôi, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan đang phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm của mình thông qua sàn thương mại điện tử, thông qua các nền tảng số một cách hiệu quả nhất”.     

Thực tế từ quả vải Việt Nam cho thấy, trong 2 năm qua, thu hoạch vải thiều Bắc Giang vừa được mùa, vừa được giá, với tổng sản lượng tiêu thụ tăng đều. Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, trong đó, xuất khẩu chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản lượng tiêu thụ. Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ bằng phương thức bán hàng qua thương mại điện tử.

Năm 2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với Viettel Post xuất khẩu hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang Đức trên nền tảng Voso Global. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được nông sản tươi sang châu Âu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới do người Việt Nam xây dựng và vận  hành.

Không chỉ vải thiều, mà các nông sản khác tại nhiều địa phương đã được đưa lên sàn thương mại điện tử và đem lại hiệu quả tích cực. Các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee và Lazada/Foodmap đã thực sự đồng hành cùng người nông dân Việt Nam, đem lại hiệu quả cao so với cách thức phân phối truyền thống như trước đây.

Hiện, Bộ Công Thương phối hợp bộ, ngành khác, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các chương trình hỗ trợ đào tạo thương mại điện tử cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tổ chức quảng bá sản phẩm ở cả trong và ngoài nước, kết nối với người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu...

Ngoài ra, Bộ Công Thương có thể kết nối doanh nghiệp phối hợp với Viettel Post để thúc đẩy việc tổ chức phân phối, thẩm định hàng hóa, thông quan hàng hóa, thanh toán đơn hàng cũng như vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở thị trường các quốc gia nhập khẩu.

Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện trong nước, đồng thời khẳng định vị thế của hàng Việt Nam không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

Với nhận thức đúng đắn của người nông dân về tầm quan trọng của việc đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử như một xu thế tất yếu, cùng sự hỗ trợ hiệu quả dưới nhiều cấp độ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, nông sản Việt ngày càng được nâng cao cả về giá trị và thương hiệu, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác