Khởi nghiệp từ mô hình giáo dục đào tạo nghề ở tình Quảng Bình

(VOV5) - Bên cạnh việc đầu tư đẩy mạnh hoạt động, Trường Trung cấp nghề Bình Minh còn tham gia các hoạt động xã hội, các phòng trào ủng hộ an sinh xã hội của tỉnh…

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phụ nữ Quảng Bình đang từng ngày nỗ lực lao động sản xuất, khởi nghiệp kinh doanh, khẳng định vai trò năng lực của bản thân, đồng thời góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển của quê hương, đất nước.

Khởi nghiệp từ mô hình giáo dục đào tạo nghề ở tình Quảng Bình - ảnh 1Trường Trung cấp nghề Bình Minh là 1 trong 11 đơn vị được cấp giấy phép đào tạo lái xe, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh Quảng Bình - Ảnh: mt.gov.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Tại xã Vĩnh Linh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có 1 dự án khang trang và được đầu tư bài bản, đó là trường Trung cấp nghề mang tên Bình Minh.

Dự án Trường Trung cấp nghề Bình Minh gồm Trung tâm đăng kiểm cơ giới mang số hiệu 73-03D trạm dừng nghỉ, trạm cấp xăng dầu nội bộ, sửa chữa xe cơ giới, đào tạo các nghề dịch vụ, đào tạo sát hạch lái xe mô tô, ô tô, cấp hạng từ B đến FC. Quy mô dự án lên đến hàng trăm tỷ đồng đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 200 lao động tại địa phương.

Với dự án Trường Trung cấp nghề Bình Minh, vùng đất Vĩnh Linh trở nên sôi động hơn và tuyến đường Hồ Chí Minh thêm nhiều khởi sắc, người dân địa phương lại có thêm những cơ hội trong cuộc sống của mình. Chị Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường, chia sẻ: "Trước đây tôi đã từng học và lao động tại Đức, khi tôi về nước thì tôi thấy đất nước của bạn phát triển, họ không chú trọng việc phải đưa con em vào Đại học, từ khi còn ở các trường phổ thông, Chính phủ đã định hướng cho học sinh ngoài đại học ra còn có xu thế đi học nghề và ở đất nước họ, ai cũng có công ăn việc làm và rất ít thất nghiệp. Sau khi về Việt Nam tôi thấy, cả Việt Nam nói chung, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình nói riêng, thấy cảnh thừa thầy thiếu thợ. Người lao động trực tiếp thì rất hiếm nhưng người học ra để làm văn phòng, học Đại học ra trường thì rất nhiều… Trước thực trạng đó, tôi quyết tâm mở trường Trung cấp nghề Bình Minh để tạo công ăn việc làm cho con em tại địa phương".

Bình Minh là khởi đầu, đó cũng là kỳ vọng của người sáng lập mong muốn tạo nên làn gió mới trong lĩnh vực dạy nghề và đăng kiểm xa cơ giới trên đất Quảng Bình. Và thực tế Trường Trung cấp nghề Bình Minh là 1 trong 11 đơn vị được cấp giấy phép đào tạo lái xe, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh và là đơn vị tư nhân đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động trên lĩnh vực này.

Nói cách khác Trường cũng là cơ sở đào tạo nghề theo hình thức xã hội hóa đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình, tuy nhiên để thực hiện dự án lớn này không phải là điều dễ dàng. Theo chị Lê Thị Hương, trong những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực này, chị cũng gặp vô vàn những khó khăn. Việc bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trường dạy nghề được xem là bước đi liều lĩnh. Thời điểm ấy, ít người tin tưởng vào thành công của dự án. Tuy nhiên với tầm nhìn của mình, doanh nhân Lê Thị Hương quyết tâm chinh phục khó khăn, thực hiện dự án đã ấp ủ bấy lâu.

Khởi nghiệp từ mô hình giáo dục đào tạo nghề ở tình Quảng Bình - ảnh 2Chị Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Trung cấp nghề Bình Minh - Ảnh: trungcapnghebinhminh.com.vn

Chị Hương tâm sự: "Khó khăn nhất với tôi là việc tôi là con người hoạt động ngoài các doanh nghiệp thông qua lĩnh vực sư phạm. Tôi thành lập Trường Trung cấp này có 1 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và tôi cũng chưa từng am hiểu qua. Nhưng tôi quyết tâm vừa đi làm dự án vừa tìm hiểu, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệp và cuối cùng thì tôi cũng đã có bước đầu thành công. Khó khăn thứ 2 nữa là nguồn vốn, các ngân hàng  trong tỉnh họ không hỗ trợ bởi họ sợ là phụ nữ trên 50 tuổi mới khởi nghiệp họ không thấy khả thi. Bên cạnh đó có nhiều trường Trung cấp nghề ở Quảng Bình còn đang khó khăn… nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng mô hình trường Trung cấp Bình Minh này".

Từ niềm tin và khát khao được thử sức trong môi trường mới, chị Lê Thị Hương đã mạnh dạn thực hiện những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tạo dựng uy tín, tạo dựng tính khả thi của dự án này.

Là cơ sở mới, sinh sau đẻ muộn, Trường Trung cấp nghề Bình Minh đã đầu tư hệ thống, cơ sở vật chất tốt nhất hiện nay, các lớp học Luật trực tiếp trên máy tính theo phương pháp trả lời trắc nghiệm, phòng học Luật có đầy đủ hệ thống, biển báo, phòng học cấu tạo, sửa chữa ô tô có mô hình cụ thể, chi tiết, sân sát hạch lái xe được trang bị công nghệ hiện đại, chấm điểm hoàn toàn tự động, đảm bảo chính xác, khách quan theo luật định và được công nhận là sân sát hạch loại I theo chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải.

Bên cạnh việc đầu tư đẩy mạnh hoạt động, Trường Trung cấp nghề Bình Minh còn tham gia các hoạt động xã hội, các phòng trào ủng hộ an sinh xã hội của tỉnh… Trong những năm qua, trường trích hàng trăm triệu đồng ủng hộ các quỹ Vì người nghèo của tỉnh, quỹ Vì tuổi thơ, Những trái tim đồng cảm, Vòng tay nhân ái… Ông Trần Hoàng Giang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Phong trào khởi nghiệp mấy năm trở lại đây phát triển mạnh. Khởi nghiệp này không đơn giản, nó rất khó và dành cho những người dũng cảm, phải bản lĩnh. Với  dự án khởi nghiệp của chị Lê Thị Hương thì tôi thấy chị có nhiều dự án thiết thực cùng với sự bản lĩnh của người phụ nữ. Chị dám đánh đổi cả của cải, mạnh dạn đi vào công việc khó để khởi nghiệp, nhất là ở độ tuổi hơn 50. Tôi tin chắc với quyết tâm của chị Hương với bản lĩnh của chị cùng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi tin rằng những dự án khởi nghiệp của chị Hương sẽ thành công tốt đẹp".

Hoạt động của trường Trung cấp nghề Bình Minh đã góp phần thức đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Điều có ý nghĩa hơn là đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề. Cách nhìn mới, sự đầu tư mới và sự mạnh dạn bản lĩnh, đó là điều để khẳng định ở nữ doanh nhân Lê Thị Hương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác