Nhiều mô hình khởi nghiệp “xanh” thành công từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

(VOV5) - Nhiều nữ doanh nhân, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặt hái thành công với mô hình khởi nghiệp xanh.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy chiến lược phát triển nền kinh tế xanh với trọng tâm là phát thải ít carbon, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng hiệu quả năng lượng, tạo ra việc làm và bảo đảm công bằng xã hội. Trong đó, nhiều nữ doanh nhân, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặt hái thành công với mô hình khởi nghiệp xanh nhờ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Chính phủ (ban hành tháng 6/2017).

Nghe âm thanh tại đây:
 
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 là hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Trên cơ sở Đề án, các cấp hội Phụ nữ cả nước đã hỗ trợ hơn 14.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh. 
Nhiều mô hình khởi nghiệp “xanh” thành công  từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp  - ảnh 1Công đoạn may túi tái chế của Green Life Hạ Long. Ảnh:baoquangninh.com.vn

Trong đó, nhiều mô hình khởi nghiệp “xanh” thành công của chị em phụ nữ đã được biết đến rộng rãi như: Xưởng may tái chế Green Life (Hạ Long, Quảng Ninh) của chị Trần Thị Hương; mô hình “Chế phẩm sinh học đa dụng” được sản xuất từ rác thải hữu cơ thực vật thành nước rửa chén sinh học, nước lau nhà sinh học an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường của Hội phụ nữ tỉnh Phú Yên; dự án "Bún khô Linh Phú" của chị Hoàng Thị Lợi (Tuyên Quang) với sản phẩm bún khô không có chất tạo mầu, không chất bảo quản, thơm mùi hạt gạo…

Mẫu số chung của các mô hình khởi nghiệp xanh thành công do nữ giới làm chủ, là quyết tâm vượt khó, không ngừng học hỏi, mạnh dạn áp dụng thành tựu khoa học công nghệ… Chị Phạm Thị Hồng Nga, Chủ nhiệm Dự án trồng hoa và sản xuất nước hoa hồng theo hướng hữu cơ, một trong những mô hình khởi nghiệp xanh do phụ nữ làm chủ được vinh danh trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020, chia sẻ: “Chuẩn hữu cơ cần nhiều yếu tố như cây giống thời tiết. Với khí hậu khắc nghiệt như Thái Nguyên cần nhất là những thời điểm nắng nóng cần kỹ thuật chăm sóc cây tốt, mà vẫn đảm bảo cơ chế hữu cơ, thì mới tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm. Dự án được Trung ương Hội hỗ trợ và triển khai. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm các hạng mục như máy chưng cất nước hoa hồng, máy sấy cánh hoa hồng, hệ thống giám sát, để phát triển thương hiệu của mình tốt hơn, đưa sản phẩm ra ngoài thị trường nhiều hơn”.

Nhiều mô hình khởi nghiệp “xanh” thành công  từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp  - ảnh 2Cơ sở sản xuất bún khô của gia đình chị Hoàng Thị Lợi ở Tuyên Quang. Ảnh:hoilhpn.org.vn

Còn chị Lê Thị Kim Cương, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Mỹ Kim - đơn vị sáng tạo ra hệ thống trồng rau an toàn trong nhà – thì cho rằng, việc phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu của tương lai: “Tương lai, diện tích đất trồng sẽ bị thu hẹp do ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước, không khí. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ là xu thế. Vì vậy, giàn trồng rau thông minh trong nhà ra đời. Tất cả các sản phẩm khi đặt lên kệ của rau 3S đều có giấy chứng nhận, riêng mặt hàng củ quả thì có bảo hiểm cho người tiêu dùng để chứng minh sản phẩm hoàn toàn an toàn”.

Đáng chú ý, các sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ngày càng chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp và phụ nữ nông thôn. Theo đó, các cấp Hội phụ nữ đã đẩy mạnh việc tổ chức các khóa tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng sản xuất nông nghiệp; bảo lãnh hỗ trợ vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thành lập các nhóm sở thích, tổ hợp tác, các mô hình phát triển kinh tế, cửa hàng liên kết, giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn…Nhờ đó, ngày càng có nhiều điển hình nữ nông dân làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xanh và an toàn. Bà Võ Ái Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ hội viên phụ nữ, doanh nghiệp nữ đăng ký nhãn hiệu, tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Ngoài ra, đối với chương trình đồng khởi, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, Hội phụ nữ cũng tập trung nhiều hoạt động, trong đó chúng tôi phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho chị em các quy trình, để sản phẩm đạt quy trình, chất lượng, trong đó đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP”.

Khởi nghiệp vẫn được cho là bài toán khó, với phụ nữ càng thách thức hơn. Thế nhưng trên thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nổi bật là các mô hình kinh tế xanh, thân thiện với môi trường theo Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Các mô hình khởi nghiệp xanh thành công của chị em không chỉ lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, nhất là phái nữ, mà còn đóng góp thiết thực, hiệu quả vào chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác