Phát thanh đối ngoại: Vượt qua bom đạn, đưa tiếng nói chính nghĩa đến triệu triệu người

(VOV5)- Lính Mỹ ngày ấy cho rằng tin tức của buổi phát thanh tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam là khách quan và chính xác.

Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đài Tiếng nói Việt Nam có thời gian 10 năm từ 1955 đến 1964 để củng cố, phát triển và chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Thời gian đó, trong hoàn cảnh một nửa đất nước được giải phóng, các buổi phát thanh đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam được tăng cường về mọi mặt.

Phát thanh đối ngoại: Vượt qua bom đạn, đưa tiếng nói chính nghĩa đến triệu triệu người - ảnh 1
Các cán bộ kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam một thuở - Ảnh: tư liệu

Do các chương trình phát thanh đối ngoại tăng nhanh nên lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã thành lập Ban Biên tập tuyên truyền Đối ngoại, địa điểm làm việc lúc đầu ở căn nhà số 20 phố Tràng Tiền, sau chuyển về nhà Gami ở phía sau khu nhà chính của Đài Tiếng nói Việt Nam ở số 58 phố Quán Sứ và cuối cùng về số 45 Bà Triệu- Hà Nội để gần nhà bá âm ở số 39 phố Bà Triệu. Trong tình hình mới, nhiệm vụ của Ban tuyên truyền Đối ngoại cũng nặng nề hơn là phải góp phần giới thiệu ra với thế giới công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự chính nghĩa tất thắng của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam để tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế đối với cả hai nhiệm vụ đó.

Để làm tròn được ba nhiệm vụ to lớn đó, Ban tuyên truyền Đối ngoại trong thời kỳ cao điểm đã phát ra quốc tế bằng 12 thứ tiếng: Lào, Thái Lan, Campuchia, lndonesia, Nhật, Anh, Pháp, Bắc Kinh, Quảng Đông, Tây Ban Nha, Nga và Triều Tiên. Ban biên tập đã cố gắng nâng cao trình độ và chất lượng đọc, dịch các thứ tiếng nước ngoài để dần đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cán bộ phụ trách và các chương trình phát thanh ra nước ngoài đều được tăng cường mạnh mẽ. Trong những cán bộ phụ trách Ban, anh Lê Quý là Trưởng ban có thể tham gia trực tiếp vào buổi tiếng Anh và tiếng Pháp, anh Cao Xuân Tùng, Phó ban có thể tham gia trực tiếp vào buổi tiếng Lào, tiếng Thái và tiếng Nhật. Các chương trình phát thanh đều được tăng thêm phát thanh viên và biên dịch viên có trình độ như chị Trịnh Thị Ngọ, anh Hãng - tiếng Anh, anh Nguyễn Văn Thu ( Thu râu), chị Phạm Thị Thi, chị  Vân Chung-tiếng Pháp, chị Phấn, anh Bích-tiếng Bắc Kinh, chị Quyên, anh An-tiếng Quảng Đông, anh Nguyễn Sáu, anh Tâm, chị Ánh-tiếng Thái, anh Quế, anh Xuân, chị Thọ, chị Hảo-tiếng Lào, chị Bạch Vân, chị Tuyết tiếng Nhật, anh Ưu-tiếng Triều Tiên, anh Vương Thịnh, chị Quyết Tâm-tiếng Nga, chị Lệ Hằng-tiếng Tây Ban Nha. Đặc biệt, tiếng Lào và tiếng Campuchia thì được Đảng của hai nước gửi hẳn từng kíp cán bộ sang, vừa giúp ta dịch và đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa thực tập nghề phát thanh để sau này họ sẽ phụ trách các Đài phát thanh của nước họ. Có những người sau khi ở Việt Nam về đã làm bộ trưởng, thứ trưởng ở nước họ.

Phần lớn các buổi phát thanh đều có chuyên gia từ nhiều nguồn gốc giúp việc biên soạn, sửa chữa bài vở, đọc trực tiếp hoặc đào tạo cán bộ Việt Nam dịch và đọc.Tiếng Pháp thì có hai người Pháp từ quân đội Pháp chạy sang hàng ngũ của ta là anh Jean Tarago, đại uý quân đội viễn chinh Pháp, sau khi giúp Đài một thời gian đã cùng gia đình sang ở Beclin, sau đó trở về Pháp và đã mất. Ngoài ra còn có anh Georges Boudarel, trước là thầy giáo ở Sài Gòn, chạy sang hàng ngũ ta, giúp chương trình tiếng Pháp một thời gian rồi cũng trở về Pháp và có thời gian là giáo sư ở trường đại học Sorbonne, Paris. Tiếng Anh thì có nhiều loại chuyên gia, lúc là người Tân Tây Lan, lúc là người Australia. Họ chủ yếu giúp chữa bài vở chứ không đọc trực tiếp trên dài. Tiếng lndonesia thì có vài người lndonesia ở Việt Nam lâu dài giúp dịch và đọc. Tiếng Nhật thì có chuyên gia của Đảng Cộng sản Nhật hoặc của Denpa News giúp. Tiếng Thái thì có một chuyên gia đặc biệt là anh Nguyễn Sáu, một người Thái giúp chúng ta từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, Việt kiều ở Lào, Thái Lan, Trung Quốc cũng là nguồn bổ sung cán bộ tốt cho các buổi phát thanh đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam. Một số buổi phát thanh khác như tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha thì tranh thủ sự giúp đỡ của một số cán bộ các Đại sứ quán hoặc chuyên gia các ngành.

Về mặt cơ sở kỹ thuật, các đài bá âm, các đài phát sóng, các đài dự phòng của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát triển mạnh. Cuối năm 1954 khi Đài từ chiến khu Việt Bắc chuyển về Hà Nội, khu phát sóng cũ từ thời thuộc Pháp ở Cống Vọng (thường được gọi là điện đài Bạch Mai) được khôi phục và được lăng cường thêm các máy phát mang từ chiến khu về gồm 3 máy: 1 máy sóng ngắn 1kw và 2 máy sóng trung mỗi máy 1,8 kw. Sau đó, Trung Quốc viện trợ cho ta hai máy phát mỗi cái 7,5kw và đến cuối năm 1955 thì lắp đặt xong và Bạch Mai trở thành khu điện Đài máy phát sóng Bạch Mai. Trong những năm 1955-1956, Liên Xô cũng viện trợ cho ta hai máy phát. Một máy sóng trung 150kw dành cho các buổi phát thanh đối nội và một máy phát sóng ngắn 15kw chủ yếu là dành cho các buổi phát thanh vào miền Nam và các buổi phát thanh đối ngoại. Hai máy này được lắp đặt ở Mễ Trì, cách Hà Nội 8km về phía Đông. Hệ sóng trung được phát trên sóng 297m, ở tần số 1010 Khz, chủ yếu dùng để phủ sóng các nơi trong nước. Cục kỹ thuật phát thanh chọn tần số này có 2 ý nghĩa: năm 1010 là năm nhà vua Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long và ngày 10-10 là ngày giải phóng thủ đô Hà Nội năm 1954. Cùng với Đài Bạch Mai, Đài Mễ Trì trở thành khu phát sóng lớn của Việt Nam (được khánh thành đầu tháng 9-1958). Ba người có công lớn trong việc xây dựng Đài Mễ Trì là bác Nguyễn Cung, kỹ sư Hoàng Xước (ở Pháp về) và anh Lê Hồng Giang (vụ Kế hoạch Tài vụ Đài hồi đó).

Trong thời gian từ 1 964 –1972, kể cả các sóng lớn nhỏ của hai đài Bạch Mai, Mễ Trì và các đài dự phòng thì Đài Tiếng nói Việt Nam đã có 20 sóng phát thanh và mỗi ngày đã phát trên 30 giờ cho các chương trình đối nội, miền Nam và dối ngoại. Với hệ thống máy phát sóng đó, các buổi phát thanh đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vươn tới nhiều nước như Nhật Bản, một số nước Châu Âu và Châu Phi.

Sau gần 10 năm củng cố và phát triển công việc phát thanh như vậy (từ năm 1955 đến 1964), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phải cùng cả miền Bắc bắt tay vào chuẩn bị cuộc chiến đấu chống chiến tranh không quân của Mỹ. Do bị thua đau và liên tiếp ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang mở rộng cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Đầu năm 1964, chúng chưa dám đánh phá ngay thủ đô Hà Nội mà mới bắn phá những mục tiêu ở các tỉnh miền trung gần vĩ tuyến 17.

Nhưng đầu năm 1965, chúng leo thang dần và đánh phá rộng ra các mục tiêu ở các tỉnh gần Hà Nội như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh... Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chính Phủ nhận định chắc chắn Mỹ sẽ liều lĩnh mở rộng chiến tranh phá hoại, ném bom bắn phá cả Hải Phòng, Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam quyết tâm: trong bất kỳ tình huống nào vẫn phải giữ cho được làn sóng phát thanh liên tục. Nhờ quyết tâm này, và nhờ sự chuẩn bị kỹ càng với nhiều phương án mà trong suốt những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đặc biệt là trong thời kỳ Mỹ tiến hành phong toả các cảng và tập trung ném bom ác liệt vào thủ đô Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ bị mất một làn sóng trung 297m của Đài Mễ Trì trong gần 9 phút vào lúc 4 giờ 51 phút ngày 19-12-1972, khi Mỹ ném bom rải thảm hủy điện Đài Mễ Trì. Còn các sóng khác, kể cả các sóng ngắn phát cho đối ngoại thì vẫn đảm bảo được liên tục. Ngay làn sóng trung cũng chỉ mất gần 9 phút, sau đó, đài dự phòng ở 45 Bà Triệu, ở ngay trung tâm Thủ đô cùng các đài dự phòng khác xung quanh Hà Nội, với công suất nhỏ hơn đã kịp thời phát sóng thay thế. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của người nghe Đài Tiếng nói Việt Nam ở trong nước cũng như ở trên thế giới là muốn Đài Tiếng nói Việt Nam có những sóng mạnh hơn để nghe rõ hơn và để các đài khác không nhiễu được sóng của đài ta thì chúng ta phải có một đài mạnh hơn, công suất máy phát lớn hơn. Muốn thế, không thể để đài này ở trong thành phố đông dân cư được. Chính phủ ta đã nhờ Liên Xô xây dựng giúp ta một đài phát sóng lớn ở Sơn Tây, cách Hà Nội chừng 60km. Đài phát sóng mới này có công suất tổng cộng là 1 200 kw gồm 2 máy phát, mỗi cái 500 kw, khi cần có thể chập lại để có công suất 1000 kw và 2 máy phát sóng ngắn mỗi cái 100 kw. Giữa năm 1980 thì đài này được khánh thành mang tên VN1 với ý nghĩa đây là đài phát sóng phát thanh mạnh số 1 của Việt Nam.

Trong các buổi phát thanh tiếng Anh hồi đó có buổi nói rõ là dành riêng cho GI (tức lính Mỹ) đang tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Theo các nguồn tin từ quân đội Mỹ và báo chí Mỹ thì buổi này được đông đảo lính Mỹ thích nghe vì nội dung đánh vào tình cảm nhớ quê hương, gia đình của họ và thuyết phục họ thấy tính chất tàn bạo, phi lý của cuộc chiến tranh này. Lính Mỹ cho rằng tin tức của buổi phát thanh tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam là khách quan và chính xác.

Trên cơ sở những buổi phát thanh dành cho GI đó, để nhằm mục đích tác động trực tiếp ngay trên đất Mỹ, người dân Mỹ và nhất là gia  đình có chồng, con em đi lính ở Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có một sáng kiến độc đáo dựa trên sự ủng hộ hết sức nhiệt tình và khẳng khái của nhân dân Cuba đối với Việt Nam là phát sóng từ Cuba hướng vào Mỹ. Chính phủ Cuba và đích thân Chủ tịch Cuba Fidel Castro rất hoan nghênh việc này và đã ra lệnh ngay cho Đài La Habana tạo mọi điều kiện để dễ dàng thực hiện chủ trương này. Một tổ biên tập tiếng Anh và Tây Ban Nha sang ngay La Habana để phối hợp với anh chị em trong Đài La Habana làm buổi phát thanh hàng ngày chĩa sang đất Mỹ.

Lúc đầu, tổ này do anh Nguyễn Duy Phức phụ trách, sau đó là vợ chồng anh Lê Tiến, chị Vân Anh thay anh Phức. Để công khai hóa lập trường ủng hộ Việt Nam của Cuba, Đài La Habana đã giới thiệu rõ vào đầu buổi phát thanh này là: Đây là buổi phát thanh dành cho người Mỹ của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát trên làn sóng của Đài La Habana. Buổi phát thanh này đã nhanh chóng thu hút được nhiều người nghe ở Mỹ. Đây là buổi phát thanh nhận được nhiều thư thính giả nhất của Đài La Habana, vì vậy Đài đã được Chủ tịch Phidel Castro đến thăm và biểu dương. Nhiều thính giả ở Mỹ đã gửi tiền và một số máy móc ủng hộ buổi phát thanh này. Buổi phát thanh đặc biệt này được tiến hành từ năm 1967 cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng mới thôi.

Qua những sự việc kể trên, có thể nói rằng trong kháng chiến chống Mỹ, nếu trên chiến trường, tiếng hát át tiếng bom thì trên không trung, các buổi phát thanh đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để vượt lên tiếng bom đạn Mỹ đưa tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đến với hàng triệu người trên thế giới và ở ngay cả trong lòng nước Mỹ./.

Phản hồi

Các tin/bài khác