Trần Thiên Nhiên- nhà báo nhiệt huyết với nhiều tác phẩm in đậm trong lòng thính giả

(VOV5) -  Sự nghiệp làm báo, nhiều tác phẩm báo chí của ông đã trở thành đề tài nghiên cứu của sinh viên khoa báo chí tại các trường Đại học.

24 năm gắn bó với làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Trần Thiên Nhiên (bút danh Quang Tuấn) được nhắc đến là một nhà báo “say” nghề. Các tác phẩm của ông luôn là những đề tài mới mẻ, giàu tính phát hiện và im đậm trong lòng thính giả nghe Đài.

Trần Thiên Nhiên- nhà báo nhiệt huyết với nhiều tác phẩm in đậm trong lòng thính giả - ảnh 1Nhà báo Trần Thiên Nhiên (bìa trái) cùng các đồng nghiệp trong toà soạn báo Tiếng nói Việt Nam.- Ảnh tư liệu/ VOV.VN 

Sắc sảo, bản lĩnh là cảm nhận chung của nhiều đồng nghiệp khi nói về nhà báo Trần Thiên Nhiên. Nhà báo Trương Cộng Hòa, nguyên Phó Trưởng ban Thời sự, Đài TNVN cho biết, tài năng của nhà báo Trần Thiên Nhiên “đạt đến độ chín” khi ông trở thành cây bút chủ lực trên chương trình Thời sự của Đài. Trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cùng với các đồng nghiệp, nhà báo Trần Thiên Nhiên đã có mặt tại những trận địa pháo, tên lửa, những trọng điểm giao thông. Những phóng sự thu thanh, tin tức kịp thời đưa về toà soạn, phát trên sóng phát thanh đã góp phần cổ vũ cuộc chiến đấu của quân và dân hai miền Nam Bắc. Đặc biệt, khi Đảng ta thực hiện công cuộc “đổi mới”, nhà báo Trần Thiên Nhiên là một trong những cây bút đi đầu của làng báo Việt Nam xông xáo, tìm tòi phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới. Các tác phẩm báo chí của ông luôn thể hiện rõ một lối viết “trong báo có văn-trong văn có báo”. Những tác phẩm tiêu biểu, được đông đảo thính giả Đài TNVN đón nhận là bút ký “Cho Đảng cái Huân chương”, “Sự kiện Hàng Đào”, “Con kiến mà kiện củ khoai”, “Bom nguyên tử và quyền con người”…

Nhà báo Trương Công Hòa nhớ lại: "Nhà báo Trần Thiên Nhiên là người anh đáng mến, độ lượng với bạn bè, đồng nghiệp. Ông là người rất thẳng thắn. Trong nghề nghiệp là người nghiêm túc, nhiệt huyết, sắc sảo, quyết liệt bảo vệ những nhân tố mới."

Nhà báo Trần Thiên Nhiên đã tập hợp các bài báo mà ông dày công tìm tòi, thực hiện, được công chúng nhiệt tình đón nhận thành tuyển tập “Trần Thiên Nhiên - 50 bài báo chọn lọc”. Sự nghiệp làm báo, nhiều tác phẩm báo chí của ông đã trở thành đề tài nghiên cứu của sinh viên khoa báo chí tại các trường Đại học. Trong các tác phẩm của ông, người đọc sẽ nhận ra sự tậm tâm với nghề của một nhà báo nhiệt thành với nghiệp cầm bút; một nhà báo thực hiện được rất nhiều thể loại khác nhau, từ phóng sự, ký báo chí, phỏng vấn… Niềm đam mê đó theo ông đến những năm tháng cuối cùng. Bởi sau khi nghỉ hưu, nhà báo Trần Thiên Nhiên vẫn trăn trở với từng con chữ, đăng tải nhiều bài báo có giá trị nhân văn cao ở các tờ báo khác nhau như báo Nhân Dân, báo Văn Nghệ, báo Kinh tế và đô thị…

Thạc sỹ Vũ Thúy Bình, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết:"Tôi rất ngưỡng mộ và rất yêu thích phong cách thể hiện tác phẩm cũng như thái độ làm việc của nhà báo Trần Thiên Nhiên. Trong đó tôi rất thích các bài báo của nhà báo Trần Thiên Nhiên ở lĩnh vực xã hội hoặc nông nghiệp…"

Tên tuổi của nhà báo Trần Thiên Nhiên còn gắn với nhiều sự kiện chính trị trọng đại của Việt Nam và thế giới. Ông là phóng viên Đài TNVN có mặt tại Liên Xô để phản ánh chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng các lực lượng vũ trang Việt Nam Phạm Tuân. Ông có mặt tại thủ đô Ha-va-na của Cu Ba để phản ánh về Liên hoan thanh niên thế giới.

Ông là một trong những phóng viên của Đài TNVN theo sát bước chân thần tốc của bộ đội ta trong cuộc Tổng tiến công vào mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng là một trong những phóng viên chiến trường chứng kiến và đưa tin về việc thành lập Mặt trận dân tộc cứu nước Căm-pu-chia tại một cánh rừng ở miền Đông Nam Bộ, một sự kiện lịch sử dẫn tới việc lật đổ bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary, cứu nhân dân Căm-pu-chia khỏi hoạ diệt chủng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác