Bảo vệ biển là bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước

(VOV5) - Mỗi một hành động nhỏ của người dân sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường biển.

Việt Nam đã ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó hướng tới các chính sách và hành động nhằm hiểu hơn về biển, đảo, gìn giữ nguồn vốn tự nhiên, chất lượng môi trường, đặc biệt là kinh tế biển đang giữ vai trò mũi nhọn trong Chiến lược Biển. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả khi mỗi người dân cùng chung tay bảo vệ tốt môi trường biển. 

Thời gian qua, cụm từ “chống rác thải nhựa” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc mà hầu hết người dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, được nghe, được biết để cùng hành động. Công tác tuyên truyền, vận động, cụ thể hóa bằng việc làm, hành động của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã từng bước tạo chuyển biến, làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện phong trào chống rác thải nhựa. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa trong đời sống, trở thành thói quen, sự tự nguyện thực hiện của mỗi cá nhân, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sống bền vững.

Bảo vệ biển là bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước - ảnh 1Hộp xốp đựng thức ăn đã rách nát, cốc nhựa méo mó, chiếc găng tay cao su cáu bẩn dập dềnh, trôi nổi trên mặt nước. Ảnh VOV  

Ông Trần Thanh Chương, người dân phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, chia sẻ: "Chúng tôi thấy rằng, bảo vệ môi trường cần rất nhiều người dân cùng làm. Mỗi chúng ta phải làm thường xuyên, liên tục có hành động hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường biển. Tất cả cùng tham gia, góp phần cho biển Hạ Long xanh, sạch, đẹp."

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia vì môi trường, tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Ngày hội tái chế rác thải” chuyển đến cộng đồng thông điệp “Tái chế - Tái sử dụng - Tiết kiệm rác thải nhựa”, nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Quảng Ninh đang thí điểm phân loại rác tại nguồn. Tất cả rác phát thải xung quanh thành phố Hạ Long sẽ được thu gom vận chuyển và xử lí một cách triệt để. Cùng với đó là thu gom rác thải trôi nổi trên vịnh Hạ Long, trên các tàu thuyền du lịch trong vịnh. Với tất cả giải pháp đồng bộ như thế, nhất định là môi trường của Hạ Long nói riêng cũng môi trường tỉnh Quảng Ninh sẽ được gìn giữ bảo vệ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh”

Tại khu vực sông Thị Vải, đoạn giáp với huyện Long Thành (Đồng Nai), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các cơ quan chức năng đang vận động người dân di dời bè cá ra khỏi khu vực trên để đảm bảo môi trường nuôi và ổn định hệ sinh thái. Đây là đoạn sông có nhiều các hộ dân nuôi trồng thủy sản, cũng là khu vực công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn trước khi đổ ra Biển Đông.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Vì không đáp ứng được yêu cầu đặt ra, mỗi người dân phải sắp xếp lại việc nuôi trồng cá bè của mình. Việc này đã được khẩn trương sắp xếp lai khu vực nuôi trồng, đồng thời mỗi hộ dân đều kiểm soát sắp xếp lồng, bè của mình."

Có thể thấy, việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường biển là bảo vệ môi trường sống cho con người. Các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, đoàn thể các địa phương trên cả nước tiếp tục đẩy mạnh ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác, nước thải chưa qua xử lý, những chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển. Mỗi một hành động nhỏ của người dân sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường biển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác