Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Sóng và máy tính cho em” cũng là để xây dựng xã hội số

(VOV5) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng là để chuyển đổi số cho tất cả các hộ gia đình, xây dựng xã hội số.

ại lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” diễn ra tối 12/9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Đây là chương trình lớn, có thể nói là rất lớn, liên quan đến toàn quốc, liên quan đến hàng  chục triệu học sinh, cần đến sự hỗ trợ giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân, nhưng do chủ trương đúng, do tính nhân văn của nó, nên chỉ trong vòng chưa đến 5 ngày, bằng sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của rất nhiều bên mà hôm nay, chúng ta đã có mặt ở đây để chứng kiến sự ra mắt của chương trình, chứng kiến những đóng góp đầu tiên lên tới 1 triệu máy tính cho em”.

“Những gì đúng và động đến trái tim thì luôn đi xa và đi nhanh! Một lời hiệu triệu là cả triệu người theo!”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, “Sóng và máy tính cho em” cũng là để chuyển đổi số cho tất cả các hộ gia đình, xây dựng xã hội số. Ở vùng quê, vùng sâu vùng xa, chính các em sẽ giúp cha mẹ mình lên môi trường số, mua bán trên các sàn thương mại điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận tiền, chuyển tiền qua chiếc điện thoại.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Sóng và máy tính cho em” cũng là để xây dựng xã hội số - ảnh 1

Toàn cảnh lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Có sóng cho em, có internet cho em thì không chỉ là nỗ lực của nhà mạng, mà còn là sự chung tay của chính quyền các cấp, của người dân trong việc tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển hạ tầng, xây dựng các trạm phát sóng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết, đất nước chúng ta còn đến 2.000 điểm lõm sóng, đều là những chỗ khó khăn nhất, tồn tại nhiều năm nay. Bộ TT&TT đang chỉ đạo các nhà mạng chỉ trong tháng 9 này, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các em phải học trực tuyến thì sẽ không còn điểm lõm sóng Internet. Và đến hết năm 2021, trên toàn quốc sẽ không còn điểm lõm sóng.

“Với con cháu chúng ta, không chỉ là Internet mà là phải là Internet an toàn. Mỗi chiếc máy tính bảng cho các em sẽ được cài sẵn phần mềm kiểm soát truy nhập. Nhà trường và cha mẹ sẽ là người đảm bảo Internet an toàn cho các em với sự hỗ trợ của phần mềm” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động ngày 12/9, gồm 3 cấu phần chính: Có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; Có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; Có giá cước phù hợp cho các máy tính này.

Đây là một chương trình lớn của mọi ngành, mọi cấp và mọi người, mọi doanh nghiệp dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. Giá trị của nó lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và lại đúng trong lúc tất cả đang rất khó khăn vì đại dịch bùng phát.

“Chương trình Sóng và máy tính cho em là một chương trình lớn, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, vừa tham gia nguồn lực của mình vừa động viên các nguồn lực hỗ trợ khác. Một bài toán lớn mà chia nhỏ ra cho 63 tỉnh/thành, cho trên 700 quận/huyện/thị xã, cho hàng chục nghìn xã/phường/thị trấn thì sẽ khả thi hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Cách đây 8 năm, ngành TT&TT và ngành Giáo dục cũng đã thực hiện một chương trình cho các em, đó là chương trình internet trường học, tất cả trên 40.000 trường học đã được các nhà mạng kết nối và miễn phí Internet. Liên minh Viễn thông Thế giới của Liên Hiệp quốc đã đánh giá rất cao và phổ biến sáng kiến này ra toàn cầu.

Ngay tại Lễ phát động, các doanh nghiệp lớn thuộc ngành TT&TT, Giáo dục & Đào tạo, Ngân hàng, các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã công bố ủng hộ 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.

Các doanh nghiệp công nghệ sẽ công bố và miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam bao gồm: VNEdu; ViettelStudy; MobiEdu; Onluyen; Hocmai, Misa EMIS; Giá trị ủng hộ lên tới 200 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, Mobifone cam kết phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong tháng 9/2021 và trên toàn quốc trong năm 2021; tổng kinh phí triển khai lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

Miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Kinh phí dự kiến 450 tỷ đồng (trong 3 tháng).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác