(VOV5) - Các thầy cô cũng mong xã đảo có điện 24/24 để phục vụ giảng dạy và người dân sinh hoạt thoải mái hơn.."
Cách đất liền gần 200 km, xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nằm ở vùng biển Tây nam của Tổ quốc, đây cũng có thể coi là xã đảo xa bờ nhất. Chính vì vậy, chuyện dạy và học của thầy và trò ở xã đảo Thổ Châu cũng chẳng hề đơn giản.
Nghe âm thanh tại đây:
Trong chuyến hải trình cuối năm cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển Tây nam của Tổ quốc, thật tình cờ chúng tôi gặp một nhóm các em học sinh đi cùng tàu từ Phú Quốc về nhà đón Tết ở đảo Thổ Châu. Học sinh nơi đất liền, vùng sâu, vùng xa, biên cương Tổ quốc đi nhờ xe ô tô các chú biên phòng về nhà là chuyện thường gặp, nhưng có lẽ học sinh “ quá giang” tàu chiến là câu chuyện “xưa nay hiếm”.
Trường học tại đảo Phú Quốc. |
Câu được, câu mất, xen với tiếng sóng, tiếng gió biển khơi, qua câu chuyện với các em nhỏ cũng giúp chúng tôi hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả của thầy và trò nơi đảo xa.
Em Vũ Hương Giang, Trần Tấn Tài là học sinh đang tại đảo Phú Quốc tâm sự:“ Ước mơ sau này con được làm cô giáo.. lần này Tết về nhà thấy vui, háo hức.. Sau 6 tháng mới gặp được bố mẹ thấy hạnh phúc.. “Tết về nhà một lần, hè về nhà một lần.. sau này lớn lên con muốn theo ngành công nghệ thông tin.. như vậy thì phỉ cố gắng học thật giỏi..
Bữa ăn cùng các em học sinh ở xã đảo Thổ Châu. |
Chị Nguyễn Thị Hài ở xã Thổ Châu là phụ huynh trong nhóm học sinh cho hay: Các em thường học hết cấp hai là chuyển ra đảo Phú Quốc hay về đất liền để học tiếp. Lần này chị thay mặt cho mấy gia đình ra Phú Quốc để đón các em nhỏ về quê ăn Tết, nhưng mấy ngày nay biển động quá không có tàu nào ra khơi, may mắn gặp được tàu của cảnh sát biển, thế là cả đoàn xin đi nhờ về đảo. "Càng lên lớn thì càng không có học sinh đi học. Cấp một theo học lên đến cấp 2 họ nghỉ theo ngư dân đi đánh bắt. Mong muốn đảo ngày càng phát triển con em ngư dân được đi học để giữa đảo và đất liền xích lại gần nhau hơn."
Tháng 4/1993, xã đảo Thổ Châu chính thức được thành lập, lúc đó cả đảo mới có hơn chục hộ dân cùng hơn 50 đứa trẻ. Năm 1994, những giáo viên tình nguyện đầu tiên bắt đầu ra đảo. Đến năm 1996, lần đầu tiên xã Thổ Châu có 2 em học sinh tốt nghiệp tiểu học. Hồi đó theo quy định, học sinh hết lớp 5 sẽ về Phú Quốc thi tốt nghiệp tại Trường An Thới 3. Sau này, khi số lượng học sinh nhiều hơn, các kỳ thi đã có thể tổ chức tại đảo.
Hiện nay, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu 100% giáo viên có trình độ đại học, trong đó hơn 30% có trình độ thạc sĩ, có một nhà giáo ưu tú. Mỗi thầy cô giáo ở nơi đảo tiền tiêu Thổ Châu xa xôi này đều mang một câu chuyện đời thú vị, ấm áp tình người. Như những con chim én mang đến mùa xuân, góp phần xây dựng một cuộc sống tươi đẹp, ấm no hạnh phúc ở nơi biển đảo Tây nam của Tổ quốc. Cô giáo Trần Ngọc Du, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu, mong muốn: "Xã đảo buổi chiều bị cúp điện nên các em đi học rất vất vả phải mang theo quạt tích điện, ánh sáng bị thiếu khi học tập. Các thầy cô cũng mong xã đảo có điện 24/24 để phục vụ giảng dạy và người dân sinh hoạt thoải mái hơn.."
Con ngư dân cũng đồng nghĩa với cuộc sống lênh đênh nay đây mai đó. Ở xã đảo xa xôi này để thuyết phục ngư dân cho con em đi học đầy đủ cũng không phải là chuyện đơn giản đối với các thầy cô. Chuyện học sinh theo ghe bố mẹ nghỉ cả tuần, vừa học vừa nghỉ, cũng là lẽ thường ở xã đảo Thổ Châu. Việc duy trì, hỗ trợ các em nhỏ đến trường luôn được các cấp chính quyền, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Trung tá Nguyễn Văn Niệm, Chính trị viên Hải đội 401, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, cho biết: "Hải đội 401 được giao kết nghĩa với xã đảo Thổ Châu và được giao đỡ đầu cho 3 cháu học sinh nghèo vượt khó. Nội dung này thì hải đội đã thực hiện từ năm 2017 đến nay. Hải đội đỡ đầu 3 cháu học sinh mỗi tháng 1 triệu cả năm 12 triệu."
Vượt qua khó khăn, việc dạy và học ở xã đảo Thổ Châu cho thấy ý chí kiên cường của quân và dân nơi vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc, quyết tâm vươn khơi bám biển, giữ gìn biển đảo quê hương.