Đồng bào công giáo tỉnh Nam Định đóng góp vào kinh tế-xã hội địa phương

(VOV5) - Các huyện có đông giáo dân vẫn phát huy được truyền thống thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Tỉnh Nam Định là địa phương đa tôn giáo với 3 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Đồng bào theo đạo Công giáo sinh sống tập trung ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường. Với phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, đồng bào Công giáo Nam Định luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đóng góp tích cực vào kinh tế-xã hội ở địa phương.

Đồng bào công giáo tỉnh Nam Định đóng góp vào kinh tế-xã hội địa phương - ảnh 1

Nhà Thờ Giáo phận Bùi Chu - Ảnh: vov.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thời gian qua, đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động do chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội phát động như: “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Người Công giáo chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”... Trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,huyện Hải Hậu được chọn là một trong những đơn vị làm điểm đầu tiên trên toàn quốc xây dựng nông thôn mới. 

Ông Vũ Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu, cho biết: “Hải Hậu có 2 tôn giáo lớn công giáo và Phật giáo. Bà con công giáo chiếm gần 50 %, bà con rất năng động. Thủ tướng Chính phủ đã giao huyện Hải Hậu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo mô hình sáng, xanh, sạch, đẹp. Đến nay, đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân được nâng cao, đời sống tín ngưỡng của nhân dân được đảm bảo cho nên nhân dân cộng công giáo đều rất hoan hỉ, lương giáo rất đoàn kết. Mức sống của người Hải Hậu tăng lên khoảng độ 1,5 lần so với cách đây 5 năm. Nhân dân và giới truyền thông nhận định Hải Hậu là một vùng quê đáng sống”.

Đồng bào công giáo tỉnh Nam Định đóng góp vào kinh tế-xã hội địa phương - ảnh 2

Nấm trồng trong vườn của Hợp tác xã Linh Phát - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5

Tỉnh Nam Định hiện có hơn 200 chức sắc, chức việc của các tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các hội, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, khoảng 500.000 người theo đạo Công giáo, chiếm hơn 20% dân số toàn tỉnh.

Các huyện có đông giáo dân vẫn phát huy được truyền thống thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại; mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa có năng suất thấp sang nuôi trồng thủy hải sản, trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.Toàn tỉnh hiện có gần 400 người Công giáo làm giám đốc doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình kinh doanh. Đãxuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc hợp tác xã Linh Phát, huyện Hải Hậu, kể: “Hợp tác xã Linh Phát được thành lập năm 2014, sản xuất nấm linh chi và các loại nấm ăn, nấm bào ngư. Sản xuất theo đúng quy trình của Vietgap, các sản phẩm của hợp tác xã đã được cấp bằng khen của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, hợp tác xã Linh Phát đang liên kết nhiều các đơn vị các tỉnh khác để sản xuất ra phôi giống nấm, chuyển giao giống nấm cho các bà con. Sản phẩm nấm Linh Phát đã có mặt ở khắp thị trường trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Điện Biên,  Nghệ An và một số các tỉnh khác”.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước như: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”… đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống của đại bộ phận đồng bào Công giáo. Đặc biệt, phong trào khuyến học, khuyến tài của đồng bào có đạo ở Nam Định phát triển khá mạnh. Hầu hết các chùa, xứ họ đạo trong tỉnh đều xây dựng được Quỹ khuyến học, khuyến tài. Các chức sắc Công giáo đều có những hoạt động thiết thực quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho bà con giáo dân. 

Linh mục Gioankim Nguyễn Hữu Văn, Tòa giám mục Bùi Chu, huyện Xuân Trường, cho biết: “Các cha xứ thường đến giảng cho bà con giáo dân biết về ý nghĩa ngày Giáng sinh, rồi giải tội cho họ, hướng tới tương lai tốt đẹp. Vào cái ngày lễ lớn, lễ phục sinh, lễ giáng sinh… chính quyền, tòa giám mục tổ chức thăm hỏi, tặng quà  cho giáo dân, chung chia niềm vui. Sự quan tâm, hòa đồng củng cố thêm sự hiểu biết lẫn nhau, nói lên sự chung lo đến đời sống tâm linh, văn hóa của bà con”.

Năm 2019, kinh tế Nam Định tăng trưởng hơn 8%, là mức cao so với nhiều địa phương trong cả nước. Thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào công giáo. Đồng bào công giáo Nam Định luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, “Kính Chúa yêu nước”, sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác