Hà Nội xanh-những chiến binh làm sạch điểm đen môi trường Hà Nội

(VOV5) - Những dòng sông chính chảy giữa lòng thủ đô Hà Nội gồm sông Tô Lịch, sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ đang "bị ô nhiễm nặng nề. 

Để giải cứu các con sông… các cơ quan chức năng của Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm. Từ cuối năm 2022, một nhóm bạn trẻ của dự án Hà Nội xanh tình nguyện tham gia làm sạch môi trường với công việc chính là: làm sạch những dòng sông chết ở Hà Nội.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:   

Tiếng cười nói của các bạn trẻ vang lên từ một đoạn lòng sông Nhuệ, gần cầu Mậu Lương 1, phường Kiến Hưng, thành phố Hà Nội. Mùi hôi thối nồng nặc, đặc quánh nhưng những áo xanh tình nguyện vẫn nhanh tay cào, vớt rác thải vào con thuyền-dụng cụ để các bạn đưa rác vào bờ. 
Hà Nội xanh-những chiến binh làm sạch điểm đen môi trường Hà Nội - ảnh 1Dồn sức để đưa những rác thải rắn có trọng lượng lớn lên bờ.

Giấy chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin uốn ván, một khẩu trang mỏng, một đôi găng tay cao su, một quần bảo hộ và ủng...Đó là những gì các thành viên trong nhóm Hà Nội xanh trang bị cho mình để đảm bảo an toàn trong mỗi buổi đi thu gom rác. Một buổi thu dọn rác, mỗi tình nguyện viên có từ 2-3 giờ để đứng dưới lòng sông kéo rác và thu gom; Hoặc sẽ chuyển rác từ bờ lên điểm tập kết và sau đó phối hợp cùng công ty môi trường chuyển rác đến nơi tập trung của thành phố.

Tuy nhiên, cũng có những buổi, thời gian thu dọn kéo dài: Em là Lê Hoàng Thủy Nghi. em đang là sinh viên năm 2 của Trường ĐH văn hóa Hà Nội. Trang bị thì chỉ là để bảo vệ bản thân mình, nhưng tụi em cố gắng làm nhanh hơn mọi thứ, tốc độ hơn hoặc ai mệt có thể lên nghỉ để các bạn khác xuống thay, hỗ trợ nhau để làm. "Em vừa dọn rác ở dưới sông lên. Em là Lê Văn Thuận. Không phải 2 tiếng là lên đâu. Rác nhiều thì bọn em dọn từ 4-5 tiếng.
Hà Nội xanh-những chiến binh làm sạch điểm đen môi trường Hà Nội - ảnh 2Để hạn chế rủi ro khi làm việc, chỉ những người đã tiêm phòng uốn ván và mặc đồ bảo hộ chuyên dụng mới được xuống nước, lực lượng còn lại hỗ trợ trên bờ.

Sau giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi, các tình nguyện viên lại tiếp tục công việc bằng tinh thần như một câu nói được các bạn trong nhóm chia sẻ với nhau, đó là: "Chót rơi vào tình yêu với rác", dù đó là công việc vất vả, dù đó là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm chực chờ.

"Em là Hoàng Trần Dưỡng, em 17 tuổi, học trường dân lập Nguyễn Trực. Lần đầu xuống thì em ngại các vật sắc nhọn như mảnh sành, kim tiêm. Em thường xuyên nhặt được các loại kim tiêm từ nhỏ đến lớn, thủy tinh hay cây gai."

"Khi xuống nước rất khó thở, mùi rất hôi thối. Lúc đầu chưa làm quen được. Nhưng sau đó khi làm quen được rồi thì về nhà mình lại bị mẩn ngứa và nổi mủ, có khi còn bị sốt.

Hà Nội xanh-những chiến binh làm sạch điểm đen môi trường Hà Nội - ảnh 3Số lượng rác thu gom chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ.

Thành lập từ tháng 12 năm ngoái, anh Nguyễn Tiến Huy, người sáng lập nhóm Hà Nội xanh cho biết, đến nay nhóm thực được hơn 20 buổi làm sạch lòng sông của Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả những việc làm này của nhóm chỉ là phần rất nhỏ trong việc giữ và bảo vệ môi trường của Thủ đô hiện nay:

Trong quá trình làm việc, bọn mình không nghĩ là lôi ở dưới sông lên lại có một lượng rác khổng lồ như vậy, rất nhiều rác thải sinh hoạt, xác động vật, rất là ghê. Em mong muốn dự án này sẽ tác động đến tâm lý của mọi người qua hình ảnh chúng em ngâm mình 4-5 tiếng dưới lòng sông, lòng kênh như vậy để mọi người ý thức hơn.

Nhìn những thanh niên trẻ nhiều ngày qua lội bùn, ngâm mình dưới sông  vớt rác, người dân quanh khu vực này không tránh khỏi ái ngại, nhưng đó lại là những hình ảnh vô cùng ấn tượng và có tác động lớn đến ý thức bảo vệ môi trường đối với mỗi người.

Bà Trịnh Thị Hiền, người dân ở khu vực này nói: "Ở đây ô nhiễm môi trường lắm. Mùi rất hôi thối, có những lúc nó thổi vào nhà rất khó chịu. Tôi rất cảm phục các cháu, thấy nước bẩn đen như thế này mà các cháu lội xuống vớt lên những túi rác to mang đi như thế là các cháu là những thanh niên có ích cho Tổ quốc."

"Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", hình ảnh màu áo xanh tình nguyện nổi bật dưới lòng sông đen kịt xung quanh dầy đặc rác thải...chắc chắn sẽ có tác động rất lớn trong việc thay đổi ý thức của người dân, để việc làm không đơn giản này có tác động thực sự đến cộng đồng "Chung tay bảo vệ môi trường".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác