Hỗ trợ sinh kế, giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt khó

(VOV5) -  Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã luôn đồng hành, hỗ trợ, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân chất độc dam cam.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Để góp phần chia sẻ, xoa dịu nỗi đau ấy, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các địa phương trên cả nước luôn quan tâm hỗ trợ nạn nhân da cam thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa như: tặng nhà tình nghĩa, tặng bò sinh sản, hỗ trợ vốn, tạo công ăn, việc làm… qua đó, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hỗ trợ sinh kế, giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt khó - ảnh 1

Ngoài thời gian lao động, ông Nguyễn Văn Minh dành thời gian chăm sóc người con chịu di chứng của chất độc da cam. - Ảnh: Thanh Hiếu

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ông Nguyễn Văn Minh, ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, tham gia bộ đội tình nguyện tại Lào, bị nhiễm chất độc da cam. Người con trai đầu của ông chịu di chứng của chất độc da cam, hơn 20 tuổi nhưng chỉ như một đứa trẻ, nên vợ chồng ông phải thay nhau chăm sóc từ ăn đến ngủ. Công việc bấp bênh, nhà có người đau ốm liên miên nên cuộc sống gia đình ông Minh không ổn định, gặp nhiều khó khăn. Ông Minh mơ ước có tiền mở một cơ sở làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ để cải thiện cuộc sống gia đình. Nắm được nguyện vọng này, Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng để ông Minh phát triển sinh kế. Từ số tiền đó, ông mua nguyên vật liệu, máy móc, dụng cụ cần thiết làm nghề. Ông Minh chia sẻ: “Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngành cũng như Hội chất độc da cam, gia đình đã được hỗ trợ một số vốn làm ăn. Thời gian qua, gia đình có phát triển thêm được về vấn đề kinh tế, để con cái được học hành. Mong muốn xã hội cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân da cam phát triển về kinh tế, giúp thoát khỏi cảnh nghèo”.

Nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ thương tật trên 80%, không còn khả năng lao động, cuộc sống của bà Dương Thị Bình, ở xã Tân Lập, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, đều phải phụ thuộc vào sự đỡ đần của chị gái Dương Thị Lan. Không công ăn việc làm, thu nhập của 2 người phụ nữ chỉ trông cậy vào vườn rau nhỏ, khó khăn chồng chất khó khăn. Được sự hỗ trợ từ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Krông Búk và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, năm 2018, hai chị em bà Bình được tặng ngôi nhà tình nghĩa trị giá 40 triệu đồng. Tiếp đó, Hội tiếp tục vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ một con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng làm kế sinh nhai. Từ sự hỗ trợ ấy, cuộc sống của hai người đã dần ổn định: “Hồi xưa ngôi nhà lụp sụp. từ khi có nhà khang trang, hai chị em cũng có chỗ che mưa che nắng kiên cố, lại được huyện hỗ trợ cho 1 số tiết kiệm, rồi còn được con bò. Hiện tại, con bò cũng đang có bầu. Trông cho nó đẻ, con lớn để có thu nhập để vươn lên thoát khỏi khó khăn, để chăm em cho nó đỡ đau ốm”.

Hỗ trợ sinh kế, giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt khó - ảnh 2

Bà Dương Thị Lan chăm sóc con bò - nguồn sinh kế của gia đình do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk, trao tặng. - Ảnh: Nam Trang

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh hay chị em bà Dương Thị Bình là hai trong số hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên cả nước luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp nói riêng và toàn xã hội nói chung trong suốt nhiều năm qua. Với tinh thần “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã luôn đồng hành, hỗ trợ, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân thông qua các hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà nạn nhân chất độc da cam nhân dịp lễ, tết, khi bị ốm đau; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tặng sổ tiết kiệm, tặng xe lăn, tặng bò sinh sản để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân…

Ông Lê Văn Giăng, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị, cho biết bên cạnh hỗ trợ sinh kế, Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị còn đặc biệt quan tâm đào tạo nghề phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe của các nạn nhân nhân da cam: “Chọn cho họ sản xuất phù hợp với năng lực, sức khỏe và trình độ của họ. Từ Quỹ vận động được, hằng năm Hội tổ chức cùng với các địa phương tặng quà cho các nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ tiền để gia đình nạn nhân da cam phát triển sinh kế, góp phần cho nạn nhân da cam có thêm thu nhập hàng tháng, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng xã hội”.

Bằng những việc làm cụ thể, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã trở thành điểm tựa tin cậy của các nạn nhân da cam, giúp họ có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Ông Ngô Song Hào Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nắm bắt, điều tra những hoàn cảnh nạn nhân thực sự khó khăn để trợ cấp kịp thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nhân rộng điển hình làm sao tất cả các cấp các ngành, quần chúng nhân hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin để tạo nguồn lực, nhất là nguồn vốn để chung tay, chung sức, chung lòng giúp đỡ nạn nhân tháo gỡ những khó khăn trước mắt, làm sao nâng đời sống của nạn nhân chất độc da cam vươn lên hòa nhập với cộng đồng”.

Hỗ trợ gia đình nạn nhân chất độc da cam có công việc phù hợp với khả năng được xem là một trong những “chìa khóa” tạo nguồn sinh kế bền vững, lâu dài cho họ. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng được sự mong đợi của những người yếu thế. Thời gian tới, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cùng các cơ quan ban ngành liên quan có kế hoạch tiếp tục triển khai hướng đi này để gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin có điều kiện phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác