Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL'’

(VOV5) - Các diễn giả cho rằng, Chính phủ cũng cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng mà không tác động tới an ninh nguồn nước.

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tọa đàm “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL'’ - ảnh 1Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo  

Tại tọa đàm, chuyên gia về phát triển bền vững Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất về an ninh nước hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở chất lượng nước mặt:

“Khi nói về an ninh nước phải đảm bảo 3 yếu tố. Đó là­­­ số lượng, chất lượng và chu trình biến thiên theo thời gian.Hiện nay, vùng quê sông nước ở khu vực đồng bằng rộng lớn này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.Việc sử dụng lãng phí nước ngầm đang gây ra tình trạng mặt đất và đồng bằng bị sụt lún nhanh gấp 10 lần so với nước biển dâng. Ngoài ra, việc sản xuất liên tục ba vụ lúa một năm cũng là nguyên nhân gây cạn kiệt tài nguyên dinh dưỡng của đất”.

Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL'’ - ảnh 2PGS TS Lê Anh Tuấn trình bày tham luận 

Các diễn giả cho rằng, một thách thức mà nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đổi mặt là tình trạng biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số và di dân. Trước các thách thức đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đại học Cần Thơ kiến nghị, cần áp dụng tiếp cận tổng thể trong quy hoạch tích hợp nước - lương thực – năng lượng: “Chúng tôi kiến nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải cùng ngồi để bàn giải pháp khác thay vì tháo nước lũ mà phải xây dựng chiến lược cứu nguồn nước, chủ động hơn trong sản xuất canh tác nhằm bảo tồn văn minh sông nước ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cần phải tăng cường việc liên kết vùng, giảm vụ lúa 3 để tái tạo dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra cũng cần phải có sự quy hoạch lại sự chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro giữa các vùng. Đó là việc mà năm tới chúng ta phải làm”.

Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL'’ - ảnh 3Các diễn giả nghe phần tham luận của chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện 

Theo các diễn giả, chính phủ cũng cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng mà không tác động tới an ninh nguồn nước.

Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL'’ - ảnh 4Tọa đàm Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL 

Hội thảo nhất trí rằng những khuyến nghị chính sách đưa ra cần định hướng theo tinh thần nghị quyết 120 Chính phủ, trong đó tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, chuyển từ tư duy gia tăng sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, không xây thêm nhà máy nhiệt điện than.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác