Hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em

(VOV5) - Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 (01 – 30/06) hướng tới nhiều thông điệp khác nhau.

Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đảm bảo mọi trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. Chủ đề của tháng hành động vì trẻ em năm nay là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” nhằm hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho tất cả trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 (01 – 30/06) hướng tới nhiều thông điệp khác nhau, như: Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em; Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em là đảm bảo quyền được sống của trẻ em; Gọi tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em: Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Roi vọt không làm trẻ nên người; Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực xâm hại trẻ em.

Hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Chia sẻ ý nghĩa của những thông điệp này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: "Tháng hành động vì trẻ em nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh, trong việc chăm lo, quan tâm, đầu tư các nguồn lực, bao gồm: ngân sách địa phương, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, bố trí cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cấp cộng đồng, thôn, bản, phum, sóc, cụm dân cư... làm sao để đẩy mạnh, nhấn mạnh vào việc phòng ngừa xâm hại trẻ em. Trong đó, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực trong gia đình hoặc lực học đường, cũng như phòng ngừa, tiến tới giảm mạnh tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ em do đuối nước".

Hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em - ảnh 2Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, sau đại dịch COVID-19, có nhiều vấn đề xã hội tác động đến trẻ em, cần tiếp tục sự chung tay của cả xã hội để đưa ra giải pháp tốt nhất, thực hiện tốt nhất các quy định của pháp luật liên quan đến trẻ em. Một nội dung quan trọng của Tháng hành động vì trẻ em năm nay là đẩy mạnh tuyên truyền về các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương: "Trong thời gian tới, đặc biệt là trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trung hạn và hằng năm, chúng ta cần tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ, hệ thống công tác xã hội, hệ thống tham vấn học đường cũng như tâm lý học đường. Từ đó, để chúng ta giải quyết được những vấn đề liên quan đến trẻ em. Về phía các cơ quan trung ương, trong đó có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an, các Bộ, ngành khác có liên quan đã triển khai rất nhiều mô hình, giải pháp hỗ trợ can thiệp để giảm thiểu tổn hại cho trẻ em cũng như xâm hại trẻ em, giảm thiểu các tai nạn thương tích trẻ em. Tuy nhiên, những mô hình, giải pháp này phải mang tính bền vững".

Trong tháng hành động vì trẻ em năm nay, các địa phương tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại bạo lực, thăm, tặng quà trao học bổng và hỗ trợ khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi, hỗ trợ cấp mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, xây dựng các công trình, trường lớp, nhà bán trú, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác