Lớp học không biên giới của cô giáo 9x người dân tộc Mường

(VOV5) - Trong tương lai, cô giáo trẻ Hà Ánh Phương mong muốn phát triển một kênh you tube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí,.

Ngày 17/3, Tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố danh sách 50 giáo viên ưu tú toàn cầu năm 2020. Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã vượt qua 12.000 ứng viên từ khắp mọi nơi trên thế giới, được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020, có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Vinh danh này là phần thưởng xứng đàng dành cho những đóng góp của cô khi cùng học trò đã góp phần truyền cảm hứng học tiếng Anh cho nhiều người trẻ trên hành trình khẳng định bản thân, cống hiến cho cộng đồng.Vinh dự nhận giải thưởng này, cô  Hà Anh Phượng chia sẻ:

"Khi mà nhận được tin này bản thân mình cảm thấy rất bất ngờ, hạnh phúc và xúc động bởi vì mình chưa dám nghĩ đến điều này. Khi mình nộp hồ sơ mình nhận được sự ủng hộ của nhiều người thân bạn bè, trong đó có cả bạn bè quốc tế, trong đó cả những người có vị trí quan trọng trong cộng đồng giáo dục":

Sinh ra ở huyện miền núi Yên Lập, cô Hà Ánh Phượng được tiếp cận tiếng Anh một cách bài bản chỉ khi bắt đầu học tại trường dân tộc nội trú huyện Yên Lập. Ngày ấy, không dễ tiếp cận Internet, mọi thứ phụ thuộc chủ yếu vào thầy cô và sách giáo khoa, nhưng Phượng luôn cố gắng tìm mọi cơ hội để tiếp cận với môi trường tiếng Anh: viết thư tay cho bạn nước ngoài, tập nói tiếng Anh hàng ngày với bạn cùng phòng, mua các tờ báo cũ về dịch, hay cuối tuần xem bản tin tiếng Anh trên Đài Truyền Hình Việt Nam… và dần dần đam mê.

Dấu ấn đầu tiên với Phượng là năm 2009 với giải thưởng Hoa Trạng Nguyên - giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp trường THPT do Bộ GD&ĐT và tập đoàn Tân Tạo trao tặng.

Lớp học không biên giới của cô giáo 9x người dân tộc Mường                                                               - ảnh 1 Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Hà Ánh Phượng. Ảnh Thanh Hòa

Với mong ước sau khi tốt nghiệp đại học sẽ trở về quê hương truyền dạy ngoại ngữ cho những đứa trẻ còn nhiều thiếu thốn tại quê nhà mở mang kiến thức, giúp chúng trở thành những công dân tốt và tự hào giới thiệu Việt Nam tới khắp nơi trên thế giới… Sau khi hoàn thành bằng Thạc sỹ Tiếng Anh, cô giáo trẻ đã từ chối nhiều cơ hội làm việc tại Hà Nội để trở về quê hương.

Về làm giáo viên tiếng Anh tại trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi có 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, cô Phượng không chỉ xây dựng và sử dụng lớp học không biên giới, kết nối học sinh với các trường học trên toàn thế giới thông qua skype, mà còn tham gia dạy học trực tuyến cho các học sinh ở châu lục khác như Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ.

Cô Phượng chia sẻ: "Bản thân mình cũng từng ngồi trên ghế nhà trường, là cô giáo dân tộc Mường mình thấu hiểu những khó khăn của học sinh dân tộc khi học môn tiếng Anh. Lần đầu tiên mình sử dụng lớp học xuyên biên giới, đó là khi mình là sinh viên mới ra trường. bên cạnh lớp học xuyên biên giới, mình có rất nhiều hoạt động. Chúng mình đã thực hiện 1 dự án đó là các em học sinh truyền tải những thông điệp là chống rác thải nhựa và việc sử dụng ống hút. Trong đó có hơn 20 nước tham gia dự án này. Cô và trò chúng tôi đã du lịch không visa trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.."

Một giờ học với chủ đề “Nói không với rác thải nhựa” của thầy và trò Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn bắt đầu bằng việc các em học sinh tự tin trình bày trực tuyến về dự án của mình bằng Tiếng Anh. Một tiết học như thế này chỉ cần một chiếc laptop, một tài khoản skype và một đường truyền internet ổn định là có thể tham gia diễn đàn giáo viên toàn cầu. Qua đó học sinh được kết nối với các lớp học của 6 quốc gia đến từ 4 châu lục.

Lớp học không biên giới của cô giáo 9x người dân tộc Mường                                                               - ảnh 2Cô giáo Hà Ánh Phượng và học trò. Ảnh Thanh Hòa 

Em Hà Mai Phương, học sinh trường THPT Hương Cần, chia sẻ: "Điều mà bọn em thích nhất khi học cô Phượng là bọn em được giao tiếp với những người nước ngoài. Cách học này hoàn toàn mới so với cách học trước đây bọn em chỉ được học trên sách vở. Nó cuốn hút bọn học hơn và bọn em được tìm hiểu về nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra thì bọn em có thể giới thiệu và quảng bá về văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới"

Không chỉ dạy học cho những học trò của mình, cô Hà Ánh Phượng còn dạy học miễn phí cho những trẻ em ở khu ổ chuột Ấn Độ Nam Phí, cho đến các lớp học trực tuyến ở California, Mỹ.

"Hiện tại mình được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsort khi mình có một nhóm là các thày cô tiếng Anh ở các quốc gia khác nhau. Chúng mình chia thành những buổi khác nhau để dạy các học sinh ở những vùng khó khăn."

Lớp học không biên giới của cô giáo 9x người dân tộc Mường                                                               - ảnh 3Một buổi dạy online của cô giáo Hà Ánh Phượng. Ảnh Thanh Hòa 

Thầy giáo Nguyễn Đức Phong, Phó hiệu trưởng trường THPT Hương Cần, chia sẻ: Cô Phượng là một trong những giáo viên đi đầu trong công tác dạy học đổi mới sáng tạo với nhiều dự án dạy học không chỉ trong phạm vi cả nước quốc tế, như: dự án chống rác thải nhựa, dự án về đa văn hóa và có những sáng kiến rất thiết thực được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận. "Phương pháp dạy trực tuyến trên skype của cô Phượng đã có sức lan tỏa trong toàn trường. Nhất là  trong đợt học sinh phải nghỉ học vì dịch covid vừa qua, chúng tôi đã áp dụng hình thức dạy này và đã đem lại hiệu quả cao."

Hành trình trở thành một giáo viên toàn cầu giúp cho học sinh ở các miền quê Việt Nam kết nối với thế giới của của cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng. Trong tương lai, cô giáo trẻ Hà Ánh Phương mong muốn phát triển một kênh you tube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí, đồng thời tích cực cho ra đời nhiều dự án liên quan đến dạy học với mục tiêu phát triển bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác