Lưu học sinh Lào hùng biện tiếng Việt

(VOV5) - Đây là kỷ niệm đẹp với các sinh viên Lào về cuộc thi vừa nâng cao tiếng Việt vừa tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào.

Từ năm 1958, Việt Nam đã đón nhận hàng trăm con em của các bộ tộc Lào sang học tập, thu nhận kiến thức để trở về xây dựng đất nước Lào. Các trường học ở Việt Nam cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Lào với môi trường học tập tốt và nhiều hoạt động ý nghĩa. Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào năm 2019 là một ví dụ sinh động, đem lại nhiều điều bổ ích.

Lưu học sinh Lào hùng biện tiếng Việt - ảnh 1Phần thi của thí sinh trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên  

Nghe âm thanh tại đây:

Vòng sơ khảo khu vực phía bắc của Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt dành cho lưu học sinh Lào diễn ra cuối tuần qua trong không khí đầy hào hứng tại Đại học Thủy lợi, Hà Nội. 42 đội thi thuộc các cơ sở giáo dục có truyền thống đào tạo lưu học sinh Lào đã chuẩn bị bài thi công phu với nội dung tốt và phần minh họa sinh động, đầy màu sắc. Bằng khả năng nói tiếng Việt khá sõi, liền mạch, các sinh viên Lào đã truyền cảm hứng cho người xem bằng những bài hùng biện ca ngợi truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh Việt Nam.

Lưu học sinh Lào hùng biện tiếng Việt - ảnh 2Ban Giám khảo làm việc tích cực, nghiêm túc để chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất. 

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cuộc thi, cho biết, đây là lần đầu tiên Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào được tổ chức với quy mô toàn quốc, do Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tổ chức: “Với chủ đề “Việt Nam - Đất nước tôi yêu”, cuộc thi lần này có mục tiêu khuyến khích lưu học sinh Lào chia sẻ những hiểu biết của mình về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng thông qua cuộc thi này, lưu học sinh Lào không chỉ tăng thêm hứng thú học tiếng Việt mà còn là cơ hội để các bạn hiểu biết thêm về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam”.

Lưu học sinh Lào hùng biện tiếng Việt - ảnh 3Niphaphone Mixayphon (bìa trái) của Học viện ngân hàng hùng biện về đề tài: Áo dài Việt Nam.

Thướt tha trong tà áo dài trắng trên sân khấu, nhiều người cứ ngỡ Niphaphone Mixayphon, học viên cao học của Học viện ngân hàng, là người Việt. Nói tiếng Việt trôi chảy, Niphaphone đã giới thiệu sinh động về nguồn gốc và ý nghĩa của tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Cô xứng đáng được giải ba của vòng thi: “Em rất thích áo dài Việt Nam. Vì em thấy áo dài Việt Nam giản dị hơn các bộ trang phục truyền thống của nước khác nhưng rất đẹp và thanh lịch, kín đáo. Em muốn giới thiệu cho các bạn Lào đang học tập tại Việt Nam về trang phục này. Thông qua tà áo dài, em còn muốn quảng bá hình ảnh phụ nữ ở Việt Nam ra toàn thế giới”.

Lưu học sinh Lào hùng biện tiếng Việt - ảnh 4Các thí sinh thuyết trình với sự tự tin và say sưa về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. 

Trong bài hùng biện của mình, nhiều thí sinh Lào đặc biệt ca ngợi sự giúp đỡ chí tình, sự cởi mở, nồng hậu của các thầy cô giáo và bạn bè trong trường học đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn về nơi ăn, chốn ở và việc học hành. Từ buổi ban đầu bỡ ngỡ, sợ sệt như câu truyền miệng “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, các bạn đã nhanh chóng làm quen và rồi trở nên thích thú và cuốn hút vào sự kỳ diệu của tiếng Việt lúc nào không hay.

Lưu học sinh Lào hùng biện tiếng Việt - ảnh 5Các thầy cô và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chụp ảnh lưu niệm chúc mừng thí sinh Malaysone Vannalath (ôm hoa, đứng giữa) sau khi hoàn thành xong phần thi hùng biện tiếng Việt.

Bà Đặng Mỹ Hạnh, giảng viên Khoa xuất bản, Học viện Báo chí và tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm chuẩn bị luyện tập ngày đêm cho cuộc thi của học viên: “Malaysone Vannalath còn gọi là Nook Nick là một trong những sinh viên Lào xuất sắc của học viện. Tôi đánh giá tinh thần cố gắng của bạn tuyệt vời. Có thể nói, bạn đã tập đến 100 lần bài hùng biện này. Bởi ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Lào có nhiều sự khác nhau, đặc biệt về ngữ điệu. Bạn đã cố gắng nhiều nhất để thể hiện được ngữ điệu tiếng Việt. Đây không phải là một câu chuyện đơn giản”.

Chỉ có 7 ngày để luyện tập với chủ đề ca ngợi tình hữu nghị núi liền núi, sông liền sông của hai nước Việt - Lào, Malaysone Vannalath (Nook Nick) đã lao vào tập ngày tập đêm cùng với các bạn với mong muốn có bài thi hoàn hảo nhất, thay mặt cho trường dự thi: “Em muốn làm được điều gì đó để lại sự ấn tượng không chỉ cho bạn bè, thầy cô giáo mà cho cả trường mình và các thầy cô giáo ở trường khác. Và em cũng muốn cho người Việt Nam biết là chúng em yêu Việt Nam bao nhiêu, yêu con người Việt Nam biết bao nhiêu”.

Lưu học sinh Lào hùng biện tiếng Việt - ảnh 6 Thí sinh Boun Soukhaluck, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên (ngoài cùng bên trái) và thí sinh Kongmeng Xiong của Học viện Ngoại giao (ngoài cùng bên phải) được nhận giải nhất.

Thuyết phục ban giám khảo bằng chủ đề "Tình hữu nghị Việt - Lào", thí sinh Boun Soukhaluck, học viên cao học Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên đã giành giải nhất. Cùng đứng ở vị trí cao nhất của cuộc thi vòng sơ khảo miền Bắc là thí sinh Kongmeng Xiong của Học viện Ngoại giao. Sau khi kết thúc vòng sơ khảo tại miền Trung và miền Nam, 12 thí sinh xuất sắc sẽ có mặt tại Đại học Thái Nguyên để tranh tài tại vòng chung kết, dự kiến diễn ra ngày 08/11 tới.

Đây sẽ là những kỷ niệm đẹp với các sinh viên Lào đang theo học ở Việt Nam về một cuộc thi vừa nâng cao tiếng Việt đồng thời còn nhân lên tình yêu Việt Nam và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác