Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (08/05): “Lan tỏa hành động nhân ái”

(VOV5) - Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có những đóng góp tích cực đối với phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Ngày 08/05 hàng năm là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Thông qua đó, họ tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.

Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (08/05): “Lan tỏa hành động nhân ái” - ảnh 1Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4 với thông điệp “Hiến máu an toàn – Phòng, chống dịch COVID-19”. Ảnh tư liệu: Trần Lê Lâm/TTXVN

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23/11/1946 và Người là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Hội chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế vào ngày 4/11/1957.

Trong gần 76 năm hoạt động và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có những đóng góp tích cực đối với phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc nhiều lĩnh vực: Chăm sóc sức khỏe, cứu trợ xã hội, phòng ngừa và ứng phó thảm họa.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lựa chọn tháng 5 hàng năm là Tháng Nhân đạo, là tháng cao điểm vận động toàn dân làm nhân đạo. Năm 2022 là năm thứ năm triển khai Tháng Nhân đạo. Điểm đặc biệt cùa Tháng Nhân đạo năm nay khác các năm trước, đó là việc Hội Chữ Thập đỏ khởi động hai chương trình trọng điểm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ XI là “An toàn cho ngư dân” và “Dinh dưỡng cho em”.

Trong đó, Chương trình “An toàn cho ngư dân” hướng đến mục tiêu trang bị bộ áo phao cứu sinh đa năng cho 50.000 ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; trang bị túi sơ cấp cứu và cờ Tổ quốc cho hơn 90,6 nghìn tàu thuyền đánh cá; hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho ngư dân...

Chương trình “Dinh dưỡng cho em” hướng đến các mục tiêu: 1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu vực nông thôn, vùng bãi ngang, hải đảo... được khám dinh dưỡng và cải thiện khẩu phần ăn; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch – Cơm ngon” tại các điểm trường bán trú, nội trú tại 250 xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi, biên giới; xây dựng và vận hành 100 chuỗi ngân hàng thực phẩm an toàn cung cấp thực phẩm và thông tin dinh dưỡng cho trẻ tại các điểm trung tâm cụm xã, nơi có đông trẻ em là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sinh sống...

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết việc hỗ trợ cho hai đối tượng này có liên quan đến một mục tiêu hết sức lâu dài đó là thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP 26).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác