Nghệ nhân Huỳnh Ri, người phục chế các ngôi đình, chùa cổ ở Quảng Nam

(VOV5) - Không chỉ say mê với việc chạm, khắc, trùng tu các di tích cổ, ông Huỳnh Ri còn trăn trở về sự phát triển của nghề mộc Kim Bồng. 

Làng mộc Kim Bồng ở xã Cẩm Kim, thành phố Hội An nằm nép bên bờ sông Thu Bồn có tuổi đời khoảng 500 năm. Người có công duy trì nghề mộc truyền thống của làng nghề xứ Quảng này phải kể đến nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri.

Nghệ nhân Huỳnh Ri, người phục chế các ngôi đình, chùa cổ ở Quảng Nam - ảnh 1Nghệ nhân Huỳnh Ri làm mô hình chùa Cầu Hội An. Ảnh: Lan Phương/VOV5 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghề mộc Kim Bồng hình thành từ cuối thế kỷ XV, đến thế kỷ XVIII thì phát triển cực thịnh. Nhiều nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng khi xưa đã góp công trong việc dựng lên quần thể kiến trúc cổ ở đô thị - thương cảng Hội An. Tinh hoa mộc Kim Bồng thể hiện rõ nét trên các ngôi nhà cổ, chùa, hội quán nhà thờ tộc ở Hội An với đường nét chạm khắc tinh xảo, tài hoa.

Ông Huỳnh Ri là truyền nhân đời thứ 12 họ Huỳnh của mộc Kim Bồng, là cháu ruột của cụ Huỳnh Kim Đài, từng được vua nhà Nguyễn phong là Cửu phẩm tùng đội trưởng, người chịu trách nhiệm trùng tu hầu hết nhà cổ ở khu phố cổ Hội An.

Nghệ nhân Huỳnh Ri, người phục chế các ngôi đình, chùa cổ ở Quảng Nam - ảnh 2Nghệ nhân Huỳnh Ri  say sưa với các sản phẩm của mình. Ảnh: Lan Phương/VOV5

Bắt đầu từ sự thích thú rồi chuyển thành niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu các hoa văn, kỹ thuật điêu khắc ở các chùa ở Hội An mỗi khi đi làm mộc cùng cha, ông Huỳnh Ri nhanh chóng nắm bắt được tính nghệ thuật trong điêu khắc gỗ và trở nên giỏi nghề. Ông Huỳnh Ri được tín nhiệm trùng tu các ngôi đình, chùa ở đô thị cổ có những chi tiết kiến trúc phức tạp. Vào năm 1992, ông phục chế nhiều chi tiết kiến trúc bị hư hỏng nặng của hội quán Ngũ Bang. Dùng hết tâm lực để phục dựng, hội quán Ngũ Bang đã được ông giữ nguyên gốc theo lối kiến trúc ban đầu. Một đoàn làm phim của Đài Truyền hình Nhật Bản đã quay phim về quá trình phục dựng này của ông và phát sóng ở Nhật. Ông Huỳnh Ri chia sẻ: “Để làm cho giống các nét tinh xảo như xưa là do mình để ý, quan sát rồi về làm. Khi làm còn cần phải có trí tưởng tượng nữa. Tôi đã khôi phục lại nhiều chùa, đình trong tỉnh Quảng Nam và ở một số địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Ngãi... Năm 1995, tôi cũng phục chế nhà vi hành vua Minh Mạng ở chùa Tam Thai”.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, nghệ nhân Huỳnh Ri đã tham gia trùng tu và phục dựng nhiều công trình kiến trúc - văn hóa có giá trị. Đó là tu bổ, phục chế các đình chùa nổi tiếng đòi hỏi kỹ thuật chạm trổ phức tạp, tốn nhiều công sức như Tịnh xá Ngọc Giáng, chùa Tam Thai tại thành phố Đà Nẵng; đình Thanh Quýt, tượng Bắc Đế ở chùa Cầu, Quảng Nam… Ông Huỳnh Ri cũng đã khôi phục gần như nguyên trạng các nhà cổ Hội An như Tấn Ký, Diệp Đồng Nguyên từ thần thái đến đường nét kiến trúc chạm trổ cổ điển bên trong của ngôi nhà cổ. 

Nghệ nhân Huỳnh Ri, người phục chế các ngôi đình, chùa cổ ở Quảng Nam - ảnh 3Mô hình mái chùa Cầu Hội An, cây cầu biểu tượng của phố Hội. Ảnh: Lan Phương/VOV5

Cùng với đó, nghệ nhân Huỳnh Ri còn thực hiện các mô hình như ghe bầu, thuyền rớ cho các nhà bảo tàng ở Hội An và thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, mô hình chùa Cầu, Hội An với kích thước thu nhỏ bằng 20/1000 chùa Cầu thật, do nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri thực hiện, được chọn là món quà tặng các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới đất nước mặt trời mọc hồi tháng 6 vừa qua.

Không chỉ say mê với việc chạm, khắc, trùng tu các di tích cổ, ông Huỳnh Ri còn trăn trở về sự phát triển của nghề mộc Kim Bồng. Ông đã trực tiếp đứng lớp truyền nghề mộc cho 30 thanh niên đầu tiên trong xã Cẩm Kim từ năm 1996. Đến năm 1997, có một đoàn UNESCO đến thăm cơ sở sản xuất và dạy nghề của ông đã quyết định hỗ trợ 4.000 USD để ông tiếp tục truyền nghề, phục dựng lại làng nghề mộc. Nghệ nhân Huỳnh Ri cho biết: “Tôi dạy trong thời gian ba năm, dạy từ A đến Z. Điểm khác biệt của làng nghề chúng tôi với các làng nghề khác ở ngoài Bắc là một thợ ra nghề có thể làm các công đoạn của một sản phẩm từ A đến Z, từ khi ra cây đến khi thành gỗ thô, chạm khắc cho đến lúc làm hoàn chỉnh một sản phẩm”.

Sau ba khóa học, ông Huỳnh Ri đã đào tạo được hơn 100 thợ lành nghề và nhiều người đã tự mở xưởng sản xuất kinh doanh tại làng mộc Kim Bồng và trở nên thành đạt. Làng nghề đã khởi sắc trở lại, là điểm đến của nhiều du khách trong nước và ngoài nước. Ở tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Huỳnh Ri đã phần nào yên tâm những tinh hoa của làng mộc Kim Bồng vẫn sẽ được lưu giữ, duy trì và tiếp nối. Nói về nghệ nhân Huỳnh Ri, chị Trương Thị Lệ, một người con của làng Cẩm Kim, cho biết: “Tôi phải tự hào là nếu như không có nghệ nhân Huỳnh Ri thì không có làng nghề này. Ông ham nghề lắm. Buổi sáng đến xưởng sớm hơn thợ, trưa về trễ hơn thợ. Một giờ chiều đã có mặt. Ông làm một ngày bằng thợ làm hai ngày”.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, năm 2016, ông Huỳnh Ri được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Đây là sự tôn vinh xứng đáng cho công lao đóng góp của ông trong việc khôi phục và phát triển làng nghề mộc truyền thống Kim Bồng đồng thời bảo tồn những nét đẹp trong các công trình kiến trúc cổ của người dân xứ Quảng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác