(VOV5) - Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phấn đấu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Sau 49 năm giải phóng (16/4/1975 - 16/4/2024) và 32 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2024), tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh từng bước khẳng định, nâng tầm giá trị con người và vùng đất Ninh Thuận với quyết tâm và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Ninh Thuận nhìn từ trên cao. Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng GRDP bình quân cảu tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2023 đạt 9,28%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 tăng 9,40%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước. Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Nhiệm kỳ Đại hội lần thứ 14 này, công tác lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, Tỉnh ủy đã có sự thay đổi, đổi mới phương thức lãnh đạo, ban hành nghị quyết để cụ thể hóa các cái mục tiêu phát triển của tỉnh, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng."
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Truyền hình Ninh Thuận |
Phát triển kinh tế biển được tỉnh tập trung với chủ trương cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Năng lượng, năng lượng tái tạo tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngành du lịch phát triển nhanh và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Các dự án trọng điểm, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư; chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng nhanh, năm 2023 tăng gấp 2,3 lần so với năm 2020; doanh thu gấp 2,6 lần so với năm 2020.
Bãi san hô cổ ở Vườn Quốc gia Núi Chúa. Ảnh: Đoàn Sĩ/VOV |
Đến nay, du lịch của tỉnh từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Vườn quốc gia Núi Chúa được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Ninh Chữ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia đến năm 2045. Đây sẽ là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Hòa, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, khẳng định: "Từ đầu năm đến nay, tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến du lịch ra nước ngoài, cụ thể là tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ , tại các nước châu Âu như là Hà Lan và Đức. Thông qua công tác xúc tiến quảng bá du lịch, đã góp phần giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh Ninh Thuận đến du khách ở trong nước cũng như là quốc tế, mang lại hiệu quả rất tích cực. Lượng khách đến tỉnh ngày càng tăng. 8 tháng đầu năm nay đạt trên 3 triệu lượt khách, tăng 20,6% so với cùng kỳ và đạt là 95,9% so với kế hoạch."
Cơ sở hạ tầng tỉnh Ninh Thuận ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển. Chính phủ vừa bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét, dần hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, khẳng định: "Sở thường xuyên tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chỉ thị, đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách thuận lợi nhất cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp. Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đứng thứ 11/63 tỉnh thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2022 và nằm trong top 30 tỉnh có chỉ số điều hành tốt nhất cả nước."
Cùng với thành tựu về kinh tế, chính sách chăm lo phát triển con người vẫn luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm với quan điểm “người dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển”. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm nguồn lực đầu tư; văn hóa các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Các chính sách cho người có công, chính sách an sinh ngày càng được hoàn thiện, được thực hiện tốt, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ , tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Thuận là trên 14% và sau 4 năm, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Thuận chỉ còn 4,24%. Toàn tỉnh đang quyết tâm cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Các huyện ven biển được đầu tư cơ sở trường, lớp, hệ thống y tế. Các xã vùng cao được đầu tư điện, đường, trường, trạm tới tận các ngõ hẻm ở thôn, bản. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên."
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được tỉnh Ninh Thuận quan tâm và đạt kết quả toàn diện. Công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động luôn được đổi mới mạnh mẽ, tạo nên sự thống nhất cao về ý chí và hành động. Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đẩy mạnh. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được nâng lên. Vai trò, trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt và đảng viên được đề cao, thể hiện rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phát huy những thành quả đạt được, nhìn lại chặng đường 49 năm giải phóng, 32 năm tái lập tỉnh, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phấn đấu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cùng cả nước đạt nhiều kết quả hơn nữa trong công cuộc phát triển đất nước trong tình hình mới.