Thúc đẩy đối thoại xã hội trong ngành dệt may Việt Nam

(VOV5) - Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may triển khai trong giai đoạn 2018-2020.

Thúc đẩy đối thoại xã hội trong ngành dệt may Việt Nam - ảnh 1

Các ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN và Willem Jelle Berg - Thành viên Hội đồng Quản trị CNV Internationaal ký kết biên bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của các đại biểu - Ảnh: Xuân Trường

Sáng 10/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Công đoàn Hà Lan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may.

Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may triển khai trong giai đoạn 2018-2020. Dự án nhằm cải thiện điều kiện lao động, với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại Giao Hà Lan, triển khai thí điểm tại 3 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội hỗ trợ các địa phương có kinh nghiệm thực hiện đối thoại xã hội và thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp thực chất hơn, từ đó tạo ra một số thay đổi cho cả hệ thống pháp luật, chính sách thực hiện và thực tiễn.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng: "Chúng tôi hy vọng trong chương trình hợp tác này, chúng ta tiếp tục đầu tư để có thí điểm để ký kết thỏa ước nhóm trong các doanh nghiệp dệt may. Từ các thí điểm này nâng lên để hình thành khung thỏa ước ở cấp cao hơn, từ cơ sở, thực tế thí điểm này chúng ta sẽ rút ra  đóng góp vào sửa đổi Bộ luật lao động, đặc biệt trong chương thỏa ước lao động tập thể".

Ngành dệt may là ngành đầu tiên có thỏa ước thương lượng tập thể ở cấp ngành vào năm 2010. Bình Dương là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam có thỏa ước thương lượng tập thể ngành dệt may năm 2011.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác