Tiết kiệm năng lượng: giải pháp đầu tư rẻ nhất để bảo đảm năng lượng

(VOV5) - Xem xét chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghệ cao và tiêu thụ hao ít năng lượng.

Tại hội thảo với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 tầm nhìn năm 2050” do Hiệp hội Năng lượng tổ chức sáng 20/11, các diễn giả đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia đều khẳng định, tiết kiệm năng lượng là  mục tiêu, chiến lược quốc gia trong qua trình phát triển đất nước. 

Tiết kiệm năng lượng: giải pháp đầu tư rẻ nhất để bảo đảm năng lượng - ảnh 1 Quang cảnh Hội thảo. - Ảnh:tuoitre.vn

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Phó Viện trưởng Viện năng lượng Việt Nam nhìn nhận: “Chúng tôi cho rằng tiết kiệm năng lượng trong mọi khâu khai thác, vận chuyển, chuyển hóa và tiêu dùng năng lượng luôn được coi như giải pháp đầu tư rẻ nhất. Và để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 3 thì chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và phát triển công nghệ. Quan trọng nhất là xem xét chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghệ cao và tiêu thụ hao ít năng lượng và giảm dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng; xem xét xây dựng Quỹ thúc đẩy sử dụng tiết kiệm năng lượng hay lồng ghép vào quỹ phát triển bền vững…”

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, tiết kiệm năng lượng còn phải tính đến tiết kiệm từ khâu đầu tư các dự án năng lượng như việc đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện, nhiệt điện dầu, xây dựng các hầm mỏ, xây dựng các mỏ dầu, các giàn khoan, xây dựng đường dây và trạm, truyền tải và phân phối; vốn đầu tư cho hệ thống năng lượng Việt Nam  hàng năm chiếm khoảng hàng trăm tỷ USD, nếu tiết kiệm 5 đến 7% mỗi năm thì làm lợi cho  Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng... bổ sung vào ngân sách cho Nhà nước hoặc tái đầu tư cho ngành có ý nghĩa to lớn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác