Việt Nam hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục đa dạng, phát huy năng lực cá nhân

(VOV5) - Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà giáo dục trong nước và quốc tế, đại diện các cơ sở giáo dục – đào tạo. 

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về xây dựng và lập kế hoạch phát triển giáo dục. Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà giáo dục trong nước và quốc tế, đại diện các cơ sở giáo dục – đào tạo. 

Việt Nam hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục đa dạng, phát huy năng lực cá nhân - ảnh 1 Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Nhìn lại giai đoạn 2011- 2020, Việt Nam có thể tự hào về các thành tựu đã đạt được với ba cột mốc quan trọng. Thứ nhất, công tác kiểm tra, đánh giá trong giáo dục đã có nhiều đổi mới căn bản. Thứ hai, Việt Nam đã sửa đổi và hoàn thiện cấu trúc hệ thống giáo dục, thông qua việc ban hành Khung hệ thống Giáo dục quốc gia. Cấu trúc này được xây dựng dựa trên khung trình độ quốc gia cho phép chuyển đổi, đối chiếu giữa các chương trình giáo dục trong nước và quốc tế. Thứ ba,  Việt Nam đã thông qua chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực mới vào năm 2018, sẽ được triển khai chính thức từ năm 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định để có thể mang lại lợi ích thực sự, giúp học sinh sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức trong thế kỉ 21, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch hiệu quả cho việc triển khai các trọng tâm giáo dục của Chính phủ, giúp học sinh thành công và cải thiện năng lực cạnh tranh của đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, chiến lược phát triển giáo dục ở một số quốc gia; thảo luận về phương pháp tiếp cận, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và các bài học thực tiễn để xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục cho Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác