Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ: Đoàn kết - hợp tác cùng phát triển

(VOV5) - Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam, ngày càng có nhiều hơn cơ hội để khẳng định vai trò và tiếng nói của mình trên các vấn đề quốc tế.

 Kể từ năm 1986, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trong khối Pháp ngữ ngày càng phát triển hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa, giáo dục và an ninh. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, Việt Nam càng coi việc thúc đẩy quan hệ với các nước thành viên Pháp ngữ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, đoàn kết hợp tác cùng phát triển.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ra đời và phát triển được 50 năm. Đây không chỉ là một tổ chức tập hợp những nước chia sẻ ngôn ngữ chung là tiếng Pháp, mà ngày càng trở thành một cộng đồng giàu các giải pháp, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Đến nay, cộng đồng Pháp ngữ đã có 88 quốc gia và chính phủ thành viên, chiếm hơn 1 tỷ dân số trên khắp các châu lục…
Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ:  Đoàn kết - hợp tác cùng phát triển - ảnh 1Hiện cộng đồng Pháp ngữ có 88 quốc gia và chính phủ thành viên

Nhiều năm trở lại đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp ngữ ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đại diện Việt Nam bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, ông Đinh Toàn Thắng cho biết hiện nhiều quốc gia Pháp ngữ ở châu Phi đang trở thành đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Việt Nam. Và thời gian tới, Việt Nam sẽ quan tâm thúc đẩy các dự án hợp tác ở châu lục này trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế, viễn thông và hạ tầng giao thông:

“Kim ngạch thương mại hiện nay giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ châu Phi khoảng 3 tỷ đôla. Nhiều đối tác có kim ngạch lớn với Việt Nam như Bờ Biển Ngà Guinee, Mali.Có nhiều công ty của Việt Nam đang hoạt động tại châu Phi ở những lĩnh vực khác nhau. Việt Nam cũng xuất khẩu ngày càng đa dạng hàng hóa sang châu Phi. Hiện, chúng tôi đang có những sáng kiến để sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Pháp ngữ cũng như đưa những hợp tác đó vào định hướng phát triển kinh tế của khối, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của các nước.’’ Đại sứ Đinh Toàn Thắng nói.

Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ:  Đoàn kết - hợp tác cùng phát triển - ảnh 2Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Chékou Oussouman ( thứ tư - từ phải)  làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Ảnh OIF

Bên cạnh hợp tác thương mại, Việt Nam còn tích cực tham gia vào nỗ lực chung của khối nhằm duy trì ổn định hòa bình, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Theo ông Chékou Oussouman, Đại diện Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, việc Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi đang ngày càng chứng tỏ được khả năng và vị thế chủ động của Việt Nam trong ứng phó với các vấn đề đặt ra của không gian Pháp ngữ nói riêng:  Ngoại giao của Việt Nam là bảo đảm an ninh, hòa bình cũng như phát triển bền vững. Trong ngoại giao của khối cũng đề cao giá trị này. Tham gia tích cực vào lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc ở châu Phi. Việt Nam thể hiện rất tốt dấu ấn của mình. Hiện, chúng tôi đang có mối quan hệ chặt chẽ với trung tâm gìn giữ hòa bình của Việt Nam.Bên cạnh lĩnh vực an ninh, mục tiêu Phát triển bền vững cũng là ưu tiên số 1 của chúng tôi trong hợp tác với Việt Nam. Mới đây, chúng tôi triển khai chiến lược kết nối hợp tác các nước thành viên khối Pháp ngữ với Liên minh châu Âu, các tổ chức quốc tế về kinh tế, thể thao, thanh niên… cũng như gắn kết các hoạt động đó với tiếng Pháp.”

Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ:  Đoàn kết - hợp tác cùng phát triển - ảnh 3Ông Jean-Marc Lavest vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của AUF. - Nguồn: A1plus

Để thuận lợi hơn trong hội nhập khối, Giáo sư Jean-Marc Lavest, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) cho rằng Việt Nam cần có một nền tảng tiếng Pháp vững chắc và chú ý hơn đến việc giảng dạy tiếng Pháp. Bởi Pháp ngữ có ưu thế đặc trưng rèn luyện cho người học khả năng tư duy, lập luận phân tích chặt chẽ và sắc bén. Vì thế, cần trân trọng Pháp ngữ như là cánh cửa mở ra nhiều nền văn hóa, cộng đồng của sự gắn kết và chia sẻ.

“Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế ngoạn mục đặc biệt những năm gần đây. Việt Nam còn là quốc gia có khả năng tạo việc làm cao nhất. Việt Nam, có những cách tạo việc làm không giống những quốc gia láng giềng khác. Vì thế, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Trung bình mỗi năm Việt Nam tạo được gần 2 triệu việc làm. Điều này là rất tốt. Chúng tôi hiện có mối quan hệ với hàng trăm trường ĐH trên thế giới và tại Việt Nam sinh viên chúng tôi đều theo học các trường ĐH công lập danh tiếng. Việt Nam cần chú trọng hơn trong xây dựng chương trình học sao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.”

Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ:  Đoàn kết - hợp tác cùng phát triển - ảnh 4Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/03/2021. Ảnh BNG.

Thế giới vừa phải trải qua một năm đầy biến động do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Pháp ngữ nói chung và các quốc gia thành viên nói riêng đều gặp phải nhiều khó khăn nhưng Tổ chức Pháp ngữ sẽ nỗ lực huy động các nguồn lực để tạo điều kiện, ưu tiên đặc biệt cho Thanh niên, Phụ nữ khởi nghiệp cũng như vận động, nâng cao năng lực thúc đẩy Bình đẳng giới. Mục tiêu là xây dựng không gian Pháp ngữ đoàn kết trên nguyên tắc dân chủ, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ. Và, Việt Nam, ngày càng có nhiều hơn cơ hội để khẳng định vai trò và tiếng nói của mình trên các vấn đề quốc tế, cũng như những giá trị mà các nước thành viên cùng chia sẻ là đoàn kết, hợp tác cùng phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác