Việt Nam xây dựng mô hình giáo dục mở

(VOV5) - Giáo dục mở là mô hình/hệ thống giáo dục được thiết kế để mở rộng sự tiếp cận việc học tập so với giáo dục chính quy (truyền thống, thông thường).

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, giáo dục Việt Nam xác định phát triển theo mô hình giáo dục mở nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức.

Giáo dục mở là mô hình/hệ thống giáo dục được thiết kế để mở rộng sự tiếp cận việc học tập so với giáo dục chính quy (truyền thống, thông thường) bằng nhiều biện pháp, trong đó nhấn mạnh sự phát triển nguồn học liệu giáo dục mở (trên nền tảng công nghệ hiện đại) trong mọi môi trường học tập với nhiều hình thức khác nhau.

Việt Nam xây dựng mô hình giáo dục mở - ảnh 1Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ GDTX trao đổi tại Hội thảo

Đến nay, hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam có nhiều loại hình đào tạo, từ chính quy cho đến vừa học vừa làm, liên thông đến các trung tâm học tập cộng đồng. Các hình thức đào tạo phong phú hơn gồm đào tạo tập trung, đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, đào tạo ngắn hạn... Các trung tâm tài nguyên học liệu mở cũng đã được xây dựng. Một số tổ chức tư nhân tại Việt Nam cũng sớm xây dựng mô hình giáo dục mở, mở đầu cho trào lưu đào tạo từ xa tại Việt Nam, trong đó tiên phong là Tổ hợp giáo dụcTOPICA (Đem công nghệ giáo dục mở - từ xa của Việt Nam ra thế giới), là GIAPSCHOOL hay FUNIX, là các websites, công nghệ giáo dục E-learning, I-learning, Mobi-learning, là sự thử nghiệp mới U-learning… Ngoài ra, nhiều trường học trên toàn quốc còn tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế đa dạng, linh hoạt sau giờ học chính thức.

Thành phố Cần Thơ là địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới” làm điểm chỉ đạo toàn quốc để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới. Bà Lam Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở An Thới, quận Bình Thủy, cho biết: "Nhờ thực hiện nhờ mô hình này, trường có nhiều việc để làm thiết thực, học sinh mỗi ngày đến trường có thêm niềm vui, các con thích ở trường hơn ở nhà. Khi trống tiết học thì được ra khu vườn trải nghiệm, tới góc đọc sách em yêu thích… tất cả vì sự nghiệp giáo dục các em học sinh".

Với những cách làm linh hoạt, chủ động của các trường, ngành giáo dục từng bước nâng cao chất lượng học tập, giảng dậy. Ông Lê Thành Thái, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, chia sẻ: "Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ cũng như là chất lượng của học sinh phổ thông ở hai mặt học lực và hạnh kiểm đều được nâng lên. Đặc biệt là đối với các trường được triển khai kế hoạch này thì đều đạt tiêu chí Trường điển hình đổi mới. Đối với đội ngũ giáo viên thì cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, về trách nhiệm cũng như tổ chức các hoạt động."

Việc xây dựng hệ thống giáo dục mở đảm bảo cho mọi công dân được thụ hưởng giáo dục, có được những cơ hội và điều kiện học tập suốt đời. Đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác