Xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam 2021-2030

(VOV5) - Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên....

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với đại diện các bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội về xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, ngành vật liệu xây dựng vẫn còn đứng trước khó khăn, thách thức.

 Xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam  2021-2030 - ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi làm việc về chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. - Nguồn: Bộ Xây dựng 

Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu hàng đầu trong thời gian tới là đảm bảo nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng trong nước; từ đó đóng góp cho sự phát triển của ngành xây dựng và tạo ra nhiều việc làm mới, công trình mới, làm thay đổi bộ mặt của đô thị cũng như nông thôn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu vật liệu xây dựng trên thế giới cũng sẽ ngày càng cao, vì vậy phát triển vật liệu xây dựng trong nước cũng là hướng tới xuất khẩu.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, trước hết phải xây dựng một chiến lược vật liệu xây dựng trong thời kỳ mới (thời kỳ đến 2030 tầm nhìn 2050). Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu trong chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải tái chế thành vật liệu xây dựng; phải giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác