Cần có những chính sách cụ thể cho việc đóng góp của khối trí thức kiều bào

(VOV5)- Cũng như nhiều kiều bào đã có nhiều năm hoạt động kết nối tích cực giữa cộng đồng người Việt ở nước sở tại với các cơ quan hữu quan trong nước, chị Phan Bích Thiện, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho rằng việc đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng sẽ càng làm cho khối kiều bào cảm nhận mong muốn của Đảng hướng về tất cả các tầng lớp người Việt cho mục đích chung xây dựng và phát triển đất nước. Chị Phan Bích Thiện trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam những nội dung đóng góp cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Cần có những chính sách cụ thể cho việc đóng góp của khối trí thức kiều bào - ảnh 1
Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam

Pv. Thưa chị Phan Bích Thiện, theo chị dự thảo văn kiện hiện nay đã đề cập công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như thế nào?

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 vẫn tiếp tục nâng cao vấn đề, coi khối người VN ở nước ngoài là một khối ko thể tách rời của dân tộc VN. Đấy là điều rất khích lệ chúng tôi.

Và cũng có vấn đề được đưa ra là bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đấy là 1 mối tương tác đúng, vì bên cạnh việc kêu gọi kiều bào đóng góp hướng về quê hương đất nước, ngược lại Đảng và nhà nước cũng đặt ra sự hỗ trợ, bảo hộ kiều bào khi cần thiết. Đấy là một tư duy đúng, khi quan hệ giữa Đảng- Nhà nước – kiều bào được xây dựng trên tư duy này sẽ tạo được một cơ sở bền vững, càng kêu gọi được kiều bào gắn kết hơn với đất nước.

Từ góc độ và kinh nghiệm là người Việt sống và làm việc lâu năm ở nước ngoài, theo chị, Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII cần bổ sung những gì để hoàn thiện hơn công tác này?

Trong vấn đề kiều bào việc rất nên chú trọng là khối trí thức kiều bào. Lượng kiều hối gửi về cũng rất quan trọng nhưng theo tôi tiềm năng chất xám của giới trí thức chuyên gia kiều bào ở nước ngoài còn quan trọng hơn nhiều và có thể mang rất nhiều lợi ích cho đất nước. Tôi đề nghị làm sao có thể xây dựng cụ thể hơn về những chính sách hoặc những mô hình để trí thức kiều bào ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp cho đất nước mà không cần thiết phải chuyển về Việt Nam sinh sống. Hiện giờ trong công cuộc hội nhập, văn kiện Đại hội Đảng cũng đưa ra những hướng phát triển chính của đất nước như là phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển đô thị thông minh, đưa ra khoa học công nghệ vào việc phát triển đất nước...vv là những lĩnh vực giới chuyên gia trí thức kiều bào có thể đóng góp được rất nhiều. Lần đầu tiên vào năm trước đã có tổ chức Hội nghị trí thức chuyên gia kiều bào đóng góp cho định hướng phát triển kinh tế. Nhưng khối trí thức chuyên gia ở nước ngoài vẫn chưa có được một mối tương tác cụ thể đối với các cơ quan trong nước. Phối hợp với trong nước họ thường từ tâm của mình hoặc cá nhân, hoặc có điều kiện...nhưng chưa thấy thành một hệ thống.

Chị có đề nghị những chính sách rất cụ thể, chị có thể đưa ra ví dụ?

Ví dụ như việc bảo hộ kiều bào ở nước ngoài cần có vai trò của nhà nước. Như việc kết hợp giữa đại sứ quán và cộng đồng người ở nước ngoài trong rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn có thể một số nước khi đưa ra một số luật nào đó ảnh hưởng đến cộng đồng VN, thì có lẽ phải có những chỉ thị rất cụ thể cho những cơ quan đại diện VNONN, là trong những trường hợp nào thì cơ quan đó phải có kiến nghị với nước sở tại để bảo vệ cho quyền lợi của cộng đồng VN.

Bên cạnh đó cần có những chính sách cụ thể cho trí thức chuyên gia như họ sẽ có được quyền lợi như thế nào khi về nước làm việc, cần cụ thể, để tránh những bất cập về sau trong những cơ quan tiếp nhận họ. Kiều bào trước khi quyết định về nước để tham gia những hoạt động khoa học công nghệ, họ cũng sẽ biết được là những gì đang chờ họ ở nhà.

Còn về công tác đối ngoại nhân dân, là một vấn đề mà dự thảo văn kiện Đại hội Đảng cũng có nhắc tới?

Thực ra để quảng bá tuyên truyền hội nhập, thì chính kiều bào sẽ làm hiệu quả nhất cho việc tuyên truyền cho VN hội nhập với người dân nước sở tại. Vì thế cũng nên đưa ra các đường hướng cụ thể là các cơ quan đại diện ngoại giao phải tạo điều kiện cho các kiều bào (như về cung cấp như tư liệu,hình ảnh, hoặc phổ biến những tình hình trong nước kịp thời…, hoặc những việc đó cần hỗ trợ gì, như thế nào), kết hợp với khối kiều bào ở nước sở tại để làm sao khối kiều bào làm công tác đối ngoại nhân dân tốt nhất. Điều đó phải thành một trong những nhiệm vụ cụ thể của cơ quan đại diện của nhà nước.

Vâng xin cảm ơn chị.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác