Thúc đẩy hợp tác liên kết vùng thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long

 (VOV5) - Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng đẩy mạnh liên kết cùng phát triển, thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là MDEC) được tổ chức hàng năm. Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long năm nay được tổ chức tại  tỉnh Sóc Trăng từ ngày 5-7/11/2014 với chủ đề: “Tái cơ cấu nông nghiệp – Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long  gồm 12 tỉnh và một thành phố ở phía Nam và Tây nam Việt nam, có diện tích tự nhiên hơn 39.700 km2, là vùng đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu của Việt nam. Đây là vùng sản xuất lương thực trọng điểm, có tính quyết định đối với Việt nam, đồng thời có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, nhất là nuôi trồng thủy hải sản ven biển, trên sông, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao.

Trong những năm qua vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu nông thủy sản của Việt nam. Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt nam đã có Quyết định số 492/QĐ-TTg  thành lập Vùng Kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau. Các tỉnh này sẽ đóng vai trò là các trung tâm tạo mối liên kết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và góp phần đẩy mạnh giao thương với các tỉnh trong vùng với miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và  mở rộng thị trường đến các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Myanmar…

Với mục tiêu này, Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long  năm nay được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng MDEC- 2014 có chủ đề “Tái cơ cấu nền nông nghiệp – xây dựng nông thôn mới”, là dịp các Bộ ngành, địa phương cùng nhau đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan tới các chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn một cách bền vững. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát  nêu rõ: Vấn đề là cần tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp không chỉ khuyến khích đầu tư mới, mà trước hết giúp cho những doanh nghiệp  đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn, bền vững và ngày càng lớn mạnh. Tất cả cùng hướng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và của nền nông nghiệp

Thúc đẩy hợp tác liên kết vùng thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 1
Mô hình cánh đồng lớn tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Nội dung chính của Diễn đàn lần này là đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả đề án Tái cơ cấu nông nghiệp; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện những giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Diễn đàn cũng thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng; hợp tác và liên kết giữa vùng với các bộ, ngành, các địa phương trong nước; liên kết giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các tổ chức quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ…nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long cũng là dịp huy động các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng đồng bắng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nêu rõ: “ MDEC Sóc Trăng lần này  mang ý nghĩa thiết thực. Đến giờ này thì đang tập trung vận động về an sinh xã hội, huy động nguồn lực về xúc tiến đầu tư. Riêng Sóc Trăng được đầu tư một bệnh viện trị giá 120 tỷ đồng. Tinh thần tổ chức năm nay là hiệu quả, thiết thực.”

Mục tiêu phát triển vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ xác định đó là xây dựng vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long  trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp cận hướng hiện đại bằng việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.  Trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Diễn đàn Hợp tác kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long lần nay cũng là cơ hội để các Bộ, ngành địa phương rà soát lại các giải pháp, tăng cường hợp tác đầu tư, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội ở khu vực kinh tế còn nhiều tiềm năng này./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác