Bỏ hay giữ Tết Việt: Đặc phái viên Thủ tướng lên tiếng

(VOV5) - Đề xuất bỏ Tết truyền thống của người Việt là điều không tưởng – Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO khẳng định.

Nghe phỏng vấn tại đây:



Không những không bỏ Tết truyền thống, ông Phạm Sanh Châu - ứng cử viên vị trí Tổng giám đốc UNESCO Thế giới còn chia sẻ với VOV5 mong mỏi của ông trong việc sẽ sớm xếp hạng được Tết Việt trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bỏ hay giữ Tết Việt: Đặc phái viên Thủ tướng lên tiếng - ảnh 1
Bên sân đình ngày Tết. Ảnh: Mỹ Trà

“Đối với tất cả người VN, cho dù họ sinh sống ở đâu, và họ nhập quốc tịch nước nào, thì thời điểm Tết là thời khắc thiêng liêng, với cá nhân tôi cũng vậy. Mỗi lần tôi sống ở nước ngoài và đón tết ở nước đó, phải nói là rất buồn và nhớ nhà. Tôi nghĩ rằng bây giờ may mắn hơn. Tôi luôn đón Tết cùng cộng đồng và bạn bè. Tôi đã trải qua cảm giác thời sinh viên. Mặc dù cách đây đã rất lâu rồi. Đó là khi tôi là sinh viên ở Bỉ và ở Hà Lan. Giờ phút đón Tết là đúng 4 giờ chiều. Tôi bắt tàu đi chợ, mua đồ ăn. Lúc đó cảm thấy rất xúc động. Tôi nghĩ Tết đối với tất cả người VN đều thiêng liêng và muốn quây quần bên nhau chia sẻ nhiều điều”, Đại sứ chia sẻ. 


Bỏ hay giữ Tết Việt: Đặc phái viên Thủ tướng lên tiếng - ảnh 2
Đại sứ Phạm Sanh Châu mong Tết Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Mỹ Trà

Phóng viên: Ông đã có cảm giác nhớ nhà và thấu hiểu tình cảm của những người con Việt đón Tết ở nước ngoài. Khi ông là đại sứ, ông đã tổ chức cho những người Việt đón Tết ở Bỉ như thế nào để khỏa lấp được nỗi mong nhớ quê hương ? 

Đại sứ Phạm Sanh Châu
: Đã trải qua nỗi buồn và nỗi khao khát nhớ nhà vào dịp Tết, cho nên khi có điều kiện, tôi luôn tổ chức Tết cho anh em trong sứ quán và cộng đồng người VN ở nước ngoài. Tôi nghĩ không riêng gì cá nhân tôi mà bất kỳ trưởng cơ quan đại diện nào của VN ở nước ngoài đều làm như vậy.

Bởi vì đó là nằm trong chính sách của VN, chăm lo đến đời sống, tinh thần và văn hóa của người VN ở nước ngoài. Và quan trọng hơn đó là sự quảng bá văn hóa Việt Nam, về một hoạt động, và vào một giờ khắc rất thiêng liêng, đó là sinh hoạt cộng đồng vào dịp Tết.
 
Chúng tôi thường tổ chức vào dịp ông Công, ông Táo hoặc là vào dịp trước giao thừa. Vào giờ phút giao thừa, chúng tôi thường tập trung lại với nhau. Chúng tôi chọn đúng giờ của VN, thắp hương, mở bánh chưng, bật champagne, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Cho dù thời khắc đó ko phải là nửa đêm.

Bỏ hay giữ Tết Việt: Đặc phái viên Thủ tướng lên tiếng - ảnh 3
Lên đình. Ảnh: Mỹ Trà

Phóng viên:
Thưa ông, Tết và các lễ hội cũng là lúc mà các giá trị di sản văn hóa của VN được phát huy nhiều nhất, được quảng bá nhiều nhất. Là một nhà ngoại giao văn hóa, theo ông, chúng ta nên làm gì để có thể quảng bá di sản của VN một cách tốt nhất? 


Đại sứ Phạm Sanh Châu
: Khi chúng ta nhìn ra các nước khác và làm một phép so sánh, thì chúng ta có thể thấy rằng, vào dịp Tết, cũng như vào mùa lễ hội, ngay sau dịp Tết là lúc hội tụ nhiều nhất các giá trị vật thể và phi vật thể.

Bởi vì, đó không chỉ là thời khắc thiêng liêng của sự hoài tưởng, nhớ đến những người xưa, của sự tri ân đối với những người đã giúp mình, của khát vọng cho tương lai tốt đẹp hơn, và đó là giây phút của sự gắn bó với nhau, của sự dung tha và lượng thứ cho nhau.

Đó là giây phút để gắn bó những người trong gia đình, trong dòng tộc, trong làng, xã, tỉnh. Vào giờ phút đó, tôi nghĩ rằng, chúng ta có rất nhiều điều cần chia sẻ, và tôi có khát vọng rất lớn, mong muốn một ngày nào đó, sẽ xếp hạng được Tết của Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tôi vừa được chứng kiến khoảng 9 quốc gia, đã cùng chung nhau làm hồ sơ để công nhận Tết của họ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tết của những nước này chủ yếu là ở vùng Trung Á, họ chọn vào ngày 21/3, là ngày năm mới của họ. Họ có nhiều nghi lễ tiến hành cho Tết, cũng giống như Tết âm lịch của mình. Đó là dịp chúng ta có thể giới thiệu các sản phẩm vật thể phi vật thể từ trang phục, ăn uống, đến cách sinh hoạt, cách đối nhân xử thế, cách thực hiện nghi lễ đối với tổ tiên, ông bà chúng ta. Mùa xuân là mùa của nghi lễ, mùa của lễ hội là như vậy.

Bỏ hay giữ Tết Việt: Đặc phái viên Thủ tướng lên tiếng - ảnh 4
Mùa xuân bên tranh Kim Hoàng. Ảnh: Mỹ Trà


Phóng viên:
Đại sứ có thể gửi một lời chúc đến thính giả của VOV5 trong dịp xuân mới này? 


Đại sứ Phạm Sanh Châu:
Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc cho những người VN đang sinh sống xa Tổ quốc một năm mới an khang, hạnh phúc và thịnh vượng. Chúc cho khát vọng phấn đấu để làm cho VN hùng mạnh hơn, có tên tuổi hơn trên thế giới. Tôi cũng xin chúc cho những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN hiểu rõ, hiểu đầy đủ hơn về đất nước VN con người VN, về bản sắc văn hóa VN và qua đó sẽ đóng góp một cách hiệu quả và thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội để VN trở thành một nước văn minh, giàu mạnh trong tương lai.


Phóng viên:
Xin cám ơn đại sứ đã dành thời gian trò chuyện trong dịp đầu xuân này. Và xin chúc cho mong ước của đại sứ để Tết Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trở thành hiện thực.

Bỏ hay giữ Tết Việt: Đặc phái viên Thủ tướng lên tiếng - ảnh 5
Tết năm nay các em nhỏ rất háo hức được xem in tranh Kim Hoàng mới phục dựng sau nhiều năm thất truyền. Ảnh: Mỹ Trà


Xem full clip phỏng vấn tại đây:


Phản hồi

Hà Đình Đức

Bài viết rất hay. Năm 1984 đoàn chuyên gia Giáo dục Việt Nam ở TP. Lubango, Angola chúng tôi đã... Xem thêm

Các tin/bài khác