Dân tộc K’ho

(VOV5) -  K’ho là dân tộc thiểu số sống lâu đời ở khu vực phía Nam Tây Nguyên. Người K’ho trước đây cư trú chủ yếu trên các vùng núi cao, cuộc sống khá tách biệt, nên vẫn giữ được nhiều nét phong tục tập quán văn hoá truyền thống.Đến nay, nhiều lễ nghi phong tục cổ truyền của người K’ho vẫn được bảo tồn và phát huy. 


 Dân tộc K’ho   - ảnh 1
Bộ chiêng 6 của dân tộc K’Ho

Nghe nội dung bài viết tại đây:


Dân tộc K’ho còn có tên gọi khác là Cơ Ho, Cờ Ho, Kơ Ho. Là dân tộc có tập quán sống du canh dư cư, nên trong quá trình phát triển đã dần hình thành các nhánh K’ho địa phương như: K’ho Srê, K’ho Tơ Rinh (T’ring), K’ho Nộp (Tu nốp), K’ho Chil, K’ho Lách, K’ho Dòn...Tiếng nói của người K’ho thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm Môn-Khmer. Gần đây, người K’ho mới có chữ viết theo mẫu chữ Latinh. Người K’ho ở Việt Nam hiện có khoảng 170 nghìn người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. 

Người K’ho sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và có nhiều ngành nghề thủ công như: rèn, đan lát, dệt vải...Cũng như một số dân tộc anh em trên vùng đất Tây Nguyên, người K’ho vẫn giữ được nhiều phong tục cổ, trong đó phải kể đến các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Ông Nguyễn Văn Doanh, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, cho biết: "Từ xa xưa, người K’ho tin rằng mọi mặt của đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định. Thần  yang ( trời)  phù hộ cho con người, còn thế lực ma quỷ (chà) gây tai họa. Ngoài ra, người K’ho còn thờ thần Mặt Trời, Mặt Trăng, thần Núi, thần Sông, thần Đất, thần Lúa...Ngày nay, người K’ho vẫn thực hiện các nghi cúng các vị thần trong những dịp, sự kiện quan trọng như: hiếu hỷ, những giai đoạn trong sản xuất, ốm đau, bệnh tật...".


Là cư dân sống bằng nghề nông nghiệp và theo tín ngưỡng đa thần, nên mỗi khi tổ chức các lễ hội nông nghiệp, người K’ho thường dựng cây nêu để mời gọi Yàng về dự, chứng kiến và cùng chung vui với buôn làng. Người K’ho rất coi trọng nông nghiệp trồng lúa, nên có nhiều lễ hội tạ ơn thần lúa như: lễ gieo sạ lúa, lễ cúng dưỡng lúa, lễ mừng lúa mới... Người K’ho còn tổ chức các nghi lễ cầu mùa như: lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước. Trong đời sống văn hoá, người K’ho có nền văn học nghệ thuật dân gian khá phong phú. Thơ ca đậm chất trữ tình và giàu nhạc tính. Các nhạc cụ của người K’ho gồm: bộ cồng chiêng gồm 6 chiếc, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr)... những nhạc cụ này có khả năng hòa âm với lời ca hoặc độc tấu.  


Người K’ho sống trong các Bon(làng), đứng đầu bon là già làng (Kuang bon). Già làng là hiện thân của truyền thống và là yếu tố tinh thần tạo sự thống nhất trong cộng đồng. Bon (làng) của người K’ho là kiểu một công xã nông thôn mang đậm dấu ấn của thị tộc mẫu hệ. Các gia đình chung sống trong những căn nhà dài, kế cận nhau theo nhóm dòng họ. Nhà ở truyền thống của người K’ho là kiểu nhà sàn dài bằng gỗ, hai mái uốn cong, lợp cỏ tranh. Trước cửa ra vào là cầu thang lên xuống, vách đối diện với cửa để ché, giỏ đựng đồ đạc và bàn thờ. Mọi sinh hoạt chủ yếu ăn uống, nghỉ ngơi, tiếp khách đều diễn ra quanh bếp lửa trong nhà.


 Dân tộc K’ho   - ảnh 2
Lễ hội của người K'ho

Trong xã hội của người K’ho vẫn tồn tại hai hình thức gia đình theo chế độ mẫu hệ: gia đình lớn và gia đình nhỏ. Đặc biệt trong hôn nhân, người K’ho có tập tục “ bắt chồng”. Theo tập tục này, người phụ nữ chủ động trong hôn nhân. Con gái khi lấy chồng phải đáp ứng yêu cầu thách cưới của phía nhà trai. Chàng trai càng khoẻ mạnh thì lễ vật thách cưới càng lớn, bởi vậy đôi khi việc thách cưới trở thành gánh nặng đối với những gia đình có nhiều con gái. Sau hôn lễ, chàng rể về ở nhà vợ, con cái theo họ mẹ và con gái là người thừa kế. Tuy nhiên hiện nay, một số tập tục lạc hậu trước đây đã thay đổi. Ông K’ Brell, cán bộ văn hoá dân tộc K’ho, cho biết: "Bà con người K’ho hiện có điều kiện tiếp xúc giao lưu với bà con người Kinh và các dân tộc khác, nên nhiều tập tục đã tiến bộ hơn. Chẳng hạn như trong hôn nhân, nếu trai gái thương nhau, bà con người K’ho vẫn duy trì tập tục nhà gái phải mang lễ vật đi hỏi bên nhà trai, nhà trai vẫn đặt thách cưới, nhưng tuỳ theo điều kiện bên nhà gái. Nếu bên nhà gái gặp khó khăn thì bên nhà trai hỗ trợ".


Ngày nay bà con người K’ho đã có sự giao lưu, tiếp nhận cuộc sống hiện đại cùng các dân tộc khác, nhưng cộng đồng người K’ho vẫn trân trọng gìn giữ nền văn hoá truyền thống, bản sắc của dân tộc mình. Các  thành viên của buôn làng K’ho luôn có ý thức củng cố sự bền vững và đoàn kết của dòng họ, giữ gìn đất rừng, nguồn nước, những tài sản được coi là của chung, tuân thủ và thực hiện tự giác các luật tục truyền thống của dân tộc mình.

Phản hồi

Các tin/bài khác