Nét văn hóa đặc sắc trong lễ cưới của đồng bào Pu Péo

(VOV5)- Đồng bào dân tộc Pu Péo vẫn giữ cho mình những phong tục, tập quán, những nét văn hoá truyền thống độc đáo.


Sinh sống cùng cộng đồng 22 dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nhưng đồng bào dân tộc Pu Péo vẫn giữ cho mình những phong tục, tập quán, những nét văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Trong đó, nổi bật là những phong tục tốt đẹp trong lễ ăn hỏi, lễ cưới.


Nghe nội dung bài viết tại đây:




Từ xa xưa, nam nữ dân tộc Pu Péo đã được tự do tìm hiểu, yêu nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Có lẽ vì vậy mà những thủ tục từ lúc hai gia đình đặt vấn đề cưới xin cho đến lúc cô dâu về nhà chồng luôn gọn nhẹ, đơn giản nhưng không kém phần trang trọng và mang bản sắc riêng của dân tộc mình.



Nét văn hóa đặc sắc trong lễ cưới của đồng bào Pu Péo - ảnh 1
Trang phục truyền thống của người Pu Péo. Ảnh: Văn Lan


Thủ tục cưới của Pu Péo có bốn bước. Đầu tiên, khi khi đôi trai gái để ý nhau, có tình cảm và muốn thành vợ chồng thì người con trai cùng bố mẹ, gia đình mình phải nhờ một người làm “ông mai, bà mối” đến đặt vấn đề. Khi đi đến nhà gái, người mai mối phải mang theo một gói xôi, một chai rượu và ít tiền. Tất cả phải được bọc giấy đỏ, thắt dây đẹp, gọn gàng. Ông Lưu Sần Vạn, Thành viên tổ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang, cho biết: Khi đến nhà gái, đặt lễ xong thì người mai mối sẽ trình bày con trai của nhà ông này, bà kia có nhã ý muốn thành hôn với con gái ông bà, nếu không chê thì cho các cháu tìm hiểu nhau. Nếu gia đình nhà gái nhất trí sẽ nhận gói xôi, gói tiền và uống chai rượu mà ông bà mai mối mang đến, nếu không đồng ý thì trả lại cho nhà trai. 


Khi nhà gái đã đồng ý, ông bà mai mối sẽ về thông báo với nhà trai. Từ lúc ấy, nhà trai bắt đầu chuẩn bị các lễ vật sang nhà gái để xin cưới. Lúc này, gia đình nhà trai cùng ông bà mai mối sẽ đem theo hai chai rượu, xôi nếp và con gà cùng hai mét vải đỏ đến nhà cô gái để nói chuyện. Ngoài ra, gia đình nhà trai có thể tặng cho cô gái một cái vòng tay, một chiếc nhẫn như vật làm tin cho tình yêu của đôi nam nữ. Bước thứ ba được coi là bước quan trọng nhất trong lễ cưới của đồng bào Pu Péo vì sau khi thực hiện tập tục này, đôi trai gái chính thức nên vợ nên chồng và được coi như thành viên trong gia đình. Ông Lưu Sần Vạn cho biết: Ngày hôm đó, ông bà mai mối của nhà trai sẽ mang qua nhà gái ba gói xôi được để trong sọt, đặt lên trên một dẻ xương sườn, hai chai rượu, hai con gà, hai cái bát, một chuỗi hạt cườm và vải đỏ. Trong đó bàn nhà cô dâu dài bao nhiêu thì hạt cườm phải dài như vậy và vải đỏ nhà trai mang đến cũng phải phủ kín cái bàn đó. Lúc đó mới được làm lễ. Nhà nào đã chọn ngày có thể định ngày cưới cho đôi nam nữ. Lúc đó ông mai bà mối sẽ mang lễ đến nhà cô gái nói chuyện ngày cưới.


Khi đã chọn ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ, nhà trai và nhà gái bắt đầu chuẩn bị cho đám cưới. Với đồng bào Pu Péo, trong đám cưới, từ cô dâu, chú rể, gia đình đều mặc những bộ quần áo truyền thống của dân tộc vì vậy với nhà gái, mẹ và các chị cùng cô dâu trước đó đã may và chuẩn bị trang phục cho cô dâu khi về nhà chồng. Bà Tráng Thị Mai, người dân tộc Pu Péo, cho biết: Khi con dâu về nhà chồng thì gia đình tôi tặng mỗi con gái một bộ trang phục đẹp nhất của dân tộc, để thế hệ trẻ lưu giữ màu sắc văn hóa của dân tộc mình. Nếu không có bộ váy áo đó thì mọi người không biết mình là dân tộc gì.


Ngày cưới, đoàn đón dâu của nhà trai đi theo số lẻ, để khi đón cô dâu về sẽ là số chẵn cho có đôi, có cặp. Lễ vật của nhà trai mang đến nhà gái gồm năm sọt xôi, bên trên đặt một dẻ xương sườn. Ngoài ra có 4 chai rượu, hai con gà để cúng ông bà tổ tiên của nhà gái. Tất cả những lễ vật phải được gói trong giấy đỏ. Khi đến đoàn nhà trai đến,  nhà gái kê một chiếc bàn con, trên bày rượu và nước chè, ngay cửa chính… Lúc này, hai gia đình cử đại diện hát đối đáp và mời rượu, mời nước. Sau đó nhà trai làm các thủ tục cúng tổ tiên họ nhà gái, trao lễ vật... Lễ cưới diễn ra ở nhà gái trong một ngày. Sáng hôm sau một người bạn của cô dâu cõng cô dâu ra khỏi cổng để về nhà chồng. Khi về đến nhà trai cô dâu chú rể khấn vái để tổ tiên chính thức nhận cô dâu là người nhà mình. Ông Lưu Sần Vạn cho biết: Kể từ khi cô dâu được nhà trai đón về, khi quay trở lại gia đình, cô dâu được đối xử như khách và không còn là con của bố mẹ đẻ mình nữa: Khi đám cưới kết thúc, nếu nhà cô dâu gần thì ba ngày sau nhà trai sẽ đưa cô dâu về ăn bữa cơm gọi là lại mặt. Nếu nhà xa thì bảy ngày sau quay lại và nghỉ một đêm ở nhà bố mẹ đẻ cô dâu. Người Pu Péo có quan niệm đặc biệt là khi cưới xong, người con gái trở về nhà mẹ đẻ thì không được quét nhà, rửa bát và lên trên gác. 


Trong việc cưới hỏi, đồng bào Pu Péo cũng luôn có tập tục riêng và các gia đình luôn phải tuân theo, ví dụ như nếu con trai họ này đã lấy con gái họ kia, thì mãi mãi con trai họ kia không được lấy vợ người họ này. Với đồng bào Pu Péo, khi người con gái về làm dâu, bất kể cô gái là người dân tộc nào, thì cô gái sẽ lấy họ của chồng mình thay cho họ của bố mẹ đẻ trước đây. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác