Nghề thuần dưỡng voi của người M’Nông

(VOV5) - Trong các dân tộc ở Tây Nguyên, người M’Nông nổi tiếng có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đối với họ, voi không chỉ là một tài sản lớn của gia đình, mà có vị trí quan trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần, voi được coi như một thành viên trong cộng đồng, bởi vậy mọi việc diễn ra xung quanh đời sống của voi đều tuân theo tục lệ truyền thống của người M’Nông.

Nghề thuần dưỡng voi của người M’Nông - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 


Những tư liệu lịch sử ở bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc cho thấy, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người M’Nông do ông Y Thu K’Nul (còn gọi là Khusanup) ở Buôn Đôn gây dựng nên. Sinh thời ông Y Thu K’Nul ( 1827-1937) đã bắt được gần 500 con voi rừng và được goi là vua săn voi. Hiện nay, tại Bản Đôn và Bảo tàng dân tộc tại thành phố Buôn Ma Thuật tỉnh Đắc Lắc hiện vẫn còn lưu giữ lại một số mẩu chuyện, những hình ảnh, vật dụng hiếm hoi trong các cuộc vào rừng săn voi khi xưa. Anh Đào Minh Ngọc, nhân viên Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc cho biết: Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng gắn bó với người dân tộc bản địa M’Nông. Người M’Nông có kinh nghiệm lâu đời về săn bắt voi, từ việc đào hố hay vây bắt trực tiếp. Trước đây, để săn bắt voi rừng, người M’Nông sử dụng 5-6 con voi nhà và khoảng gần 10 người có kinh nghiệm do một thủ lĩnh có bản lĩnh đứng đầu. Người săn voi sử dụng những con voi nhà dũng mãnh vây ép đàn voi, quăng dây thòng lọng và chỉ bắt  voi con từ 2-4 năm tuổi. Theo kinh nghiệm của đồng bào, những chú voi con ở độ tuổi này mới dễ thuần dưỡng.

     

Khi đã săn bắt được voi rừng con, người ta đem về cho các thợ thuần dưỡng  có nhiều kinh nghiệm thu phục chúng. Thời gian thuần dưỡng voi có thể kéo dài 5 – 7 tháng, con nào khó tính có khi kéo dài vài năm. Khi voi con đã thuần phục biết nghe mệnh lệnh thì voi mới được đưa về Buôn. Cả Buôn làng làm lễ nhập Buôn cho voi. Trong buổi lễ, Già làng răn con cháu:  “Đời voi như đời người”, điều này có nghĩa là từ khi voi được  làm lễ nhập buôn… cho đến khi nằm xuống đều được mọi người chia sẻ tình cảm như thành viên trong cộng đồng. Trong Lễ nhập buôn, người ta khấn cho voi: Biết nghe lời, biết đi con đường thẳng trong Buôn khi ông mặt trời thức dậy ở đằng Đông và đến khi đi ngủ ở đằng Tây. Siêng năng như con suối chảy hoài không mệt, giúp dân làng gieo hạt lúa, hạt ngô trên rẫy”.

    

Việc săn bắt voi rừng hiện nay đã bị cấm theo Luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã, nhưng nghề thuần dưỡng voi của người M’ Nông vẫn còn. Đến nay tại Bản Đông và xã Liên Sơn huyện Lak còn nuôi dưỡng hơn 50 con voi. Đến nay, đồng bào M’Nông ở Buôn Đôn và tỉnh Đắc Lắc vẫn duy trì nhiều tập tục, nghi lễ truyền thống dành cho voi. Ông Đàm Năng Long, sinh trưởng trong một gia đình có 4 đời làm nghề thuần  dưỡng voi ở Buôn Đôn, Đắc Lắc, cho biết: Đối với người M’Nông chúng tôi, con voi ngoài giá trị vật chất, còn có giá trị tinh thần, văn hoá mang tính tâm linh. Đến Tây Nguyên hàng năm vào mùa mưa, người ta cúng cho voi, báo cho voi biết rằng trời đất bắt đầu cho thức ăn cho voi . Còn vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô, thì những tộc người M’Nông cũng làm lễ cúng báo cho voi biết rằng vào mùa khô  thức ăn trong tự nhiên cạn rồi, làm  lễ như thế như động viên cho voi cố găng vượt khó khăn để tồn tại chờ mùa  mưa đến. Người M’Nông chúng tôi giao lưu tình cảm đồng hành với voi cả trong công việc, thậm chí chia sẻ cả vật chất  mà gia đình có được.

 

Đàn voi được thuần dưỡng ở tỉnh Đắc Lắc đã trở thành biểu tượng độc đáo của người dân bản địa. Voi được thuẫn dưỡng hiện diện trong mọi sinh hoạt đời sống của con người ở đây. Voi cùng bà con đi nương rẫy, voi chở lúa gạo, kéo  gỗ, giúp dân làm nhà…Đặc biệt đối với khách du lịch đến với Buôn Đôn hay thị trấn Liên Sơn huyện Lak, thì không gì thú vị hơn là được cưõi voi đi thăm Buôn làng, ngắm cảnh núi non hùng vĩ nơi đại ngàn Tây Nguyên. Trong chuyến hành trình trên lưng voi, qua lời kể của những Gru (người Quản tượng), du khách có dịp hiểu thêm những điều thú vị về voi Tây Nguyên. Ông Y Tinh, người dân tộc M’Nông ở Buôn Jun, xã Liên Sơn, kể:Mình biết nuôi con này, nên chủ voi cho mình đi với con này luôn. Con voi này được đặt tên là Y Măm ( nghĩa là vui mừng).  Phải biết tính nết của nó mới lái (điều khiển) được nó. Con này ăn uống sức khoẻ tốt, trong rừng thì cho nó ăn lá cây, nhưng về nhà thì ăn khác, ở nhà nó thích ăn chuối, mía, cho nó uống nước pha muối thì nó luôn nhớ nhà mà không bỏ đi. Sáng mình thức dậy thấy nó thì phải nhin vào mắt mũi nó. Mình với nó yêu thương nhau, khi nào nó ốm mình cho nó nghỉ ngơi rồi chích thuốc cho nó. 

 

Những năm gần đây trong xu thế phát triển, đất rừng ngày càng bị thu hẹp, số voi ngày càng ít đi, người dân và chính quyền tỉnh Đắc Lắc đang thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn, phát triển đàn voi. Năm 2009, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc cũng đã xây dựng dự án thành lập Trung tâm bảo tồn voi ở vườn quốc gia Yorkdon với kinh phí 60 tỷ đồng. Việc thành lập Trung tâm bảo tồn voi không chỉ là địa chỉ huy động sự đóng góp của Nhà nước và cộng đồng địa phương trong phát triển đàn voi, mà còn góp phần định hướng ý thức, trách nhiệm cho mỗi thành viên trong cộng đồng xã hôi gìn giữ, bảo tồn đàn voi như một di sản văn hóa ở Tây Nguyên./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác