Người Giẻ Triêng trên biên giới Việt- Lào

(VOV5) - Là một trong 6 dân tộc bản địa ở tỉnh Kon Tum, người Giẻ- Triêng có tổng dân số trên 33.000 người, cư trú tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Đăk Glei và huyện Ngọc Hồi, dọc theo đường Hồ Chí Minh gần biên giới với nước bạn Lào. Là cư dân có mặt lâu đời ở vùng quanh vùng núi Ngọc Linh (Việt Nam) và vùng Đông Nam của nước bạn Lào, người Giẻ- Triêng có đời sống tinh thần phong phú và đến nay còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Cũng giống như các dân tộc anh em khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Giẻ- Triêng có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Người Giẻ Triêng trên biên giới Việt- Lào - ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Từ miền Bắc theo đường bộ Hồ Chí Minh đến địa phận huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, là đến địa bàn cư trú của người Giẻ- Triêng. Cứ thế xuôi về hướng Nam trải dài theo biên giới Việt- Lào đến địa phận huyện Ngọc Hồi là các làng của người Giẻ- Triêng.

Trở về thời xa xưa, đơn vị xã hội duy nhất của người Giẻ- Triêng là làng. Già làng là người đứng đầu và chỉ đạo các công việc chung của làng. Đó là người có uy tín, hiểu biết phong tục tập quán, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và cũng thường là người có công lập làng. Quan hệ cộng đồng trong làng khá chặt chẽ. Giống như phần lớn các dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên, người Giẻ- Triêng có tín ngưỡng đa thần và vạn vật hữu linh. Thần tối cao chi phối tất cả là Giàng (Trời). Do vậy Giàng được kính trọng và tôn sùng nhất. Từ quan niệm tín ngưỡng đa thần vạn vật hữu linh mà người Giẻ Triêng có nhiều lễ thức trong sinh hoạt cộng đồng cũng như trong mỗi gia đình, như: lễ cúng Giàng, lễ cúng Nhà rông, tục ăn cơm mới…Cũng có cả những hủ tục cản trở sự vươn lên của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Theo thời gian, dưới ánh sáng văn minh, người Giẻ- Triêng đã xóa bỏ được nhiều hủ tục mà điển hình là tục táng treo hay làng có người qua đời kiêng 10 ngày không vào rừng, không đi làm ăn xa... Ông A Bê, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, cho biết: "Trước kia dân tộc Giẻ Triêng kiêng cữ nhiều, chó đẻ cũng kiêng cữ, người chết cũng kiêng cữ, gia đình nào rủi ro này kia cũng kiêng cữ nhiều lắm, đến trâu bò chết, người chết đuối gì đó thì trong gia đình đó đi chôn, bây giờ thì xóa bỏ rồi, bộ đội vào dân vận động người dân thấy giờ xóa bỏ rồi".

Người Giẻ Triêng trên biên giới Việt- Lào - ảnh 2
Các thiếu nữ Giẻ - Triêng trong trang phục truyền thống biểu viễn điệu Xoang truyền thống trước cửa nhà Rông (Ảnh Viết Tôn)

Cùng với phát triển kinh tế nâng cao đời sống, người Giẻ- Triêng cũng rất có ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể địa phương, làng Giẻ- Triêng nào cũng có Nhà rông truyền thống làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhiều phong tục, tập quán và lễ hội tốt đẹp được bảo tồn ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Ông Dương Tôn Bảo, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, cho biết: "
Trong nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Giẻ- Triêng vẫn còn giữ được rất nhiều phong tục tập quán tốt đẹp. Tiêu biểu về nhạc cụ truyền thống thì Đinh Tút là một dàn nhạc cụ gồm 6 người nam nhưng lại mặc trang phục giả nữ để trình diễn Đinh Tút hết sức độc đáo. Về lễ hội cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên người Giẻ- Triêng có lễ mừng lúa mới rồi lễ mừng Nhà rông mới, lễ thổi tai trong vòng đời của em bé sơ sinh khi trưởng thành. Đó là những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào Giẻ- Triêng mà hiện nay đồng bào vẫn duy trì và phát huy rất tốt trong cuộc sống hiện tại".

Những năm vừa qua nhất là từ thời điểm năm 1991, khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại trên cơ sở chia tách từ tỉnh Gia Lai- Kon Tum, cuộc sống của người Giẻ- Triêng ngày càng thay da, đổi thịt. Bước ngoặt thứ hai là khi tuyến đường Hồ Chí Minh được đầu tư hoàn thiện giúp tỉnh Kon Tum phá thế ngõ cụt và tạo thuận lợi vô cùng lớn cho việc giao thương ở vùng người Giẻ- Triêng cư trú. Giờ đây bà con không chỉ biết trồng mì, làm lúa rẫy mà đã thành thục trong canh tác lúa nước, trong việc trồng, chăm sóc các loại cây công nghiệp thế mạnh ở vùng đất Tây Nguyên, như cao su, cà phê. Người Giẻ- Triêng giờ đã không còn phải ăn bữa sáng lo bữa tối mà nhà nào cũng có của ăn của để.

Với ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, song song với việc sử dụng thành thạo tiếng phổ thông, người Giẻ- Triêng hiện nay vẫn sử dụng tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơ Me và giữ gìn chữ viết có cấu tạo bộ vần bằng chữ cái La Tinh. Cùng với đó trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bên cạnh những ngôi nhà xây theo lối hiện đại, các vật dụng hiện đại như, ô tô, xe máy, tủ lạnh, bếp ga… bà con vẫn yêu quý những ngôi nhà sàn sạch sẽ thoáng mát, trân trọng giữ gìn bếp lửa của ông bà, khéo léo đan những tấm đắp, chiếc gùi; chăm chút cho những bó củi hứa hôn, với nhiều phong tục khác đúng theo truyền thống văn hóa của người Giẻ- Triêng.

Phản hồi

Các tin/bài khác