Sinh hoạt gia đình gắn với xã hội của người Nùng

(VOV5) -  Trong mỗi bản, người Nùng thường xây dựng một ngôi đình chung, thờ Thành Hoàng (vị thần) của bản. Đây cũng là nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng mỗi dịp lễ hội hay bàn bạc những công việc chung của bản.


Dân tộc Nùng có lịch sử  phát triển gắn với đời sống xã hội dựa trên mối liên hệ chung về khu vực cư trú, tập tục sinh hoạt  kinh tế, văn hoá.  Đồng bào Nùng sống quần cư, đoàn kết và luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình.


Sinh hoạt gia đình gắn với xã hội của người Nùng        - ảnh 1
Bữa cơm của một gia đình người dân tộc Nùng, thôn Đèo Trám, xã Tiến Bộ (Yên Sơn). Ảnh: baotuyenquang.com.vn




Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Vốn là tộc người di cư đến Việt Nam từ hàng trăm năm nay, người Nùng cư trú chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và trong quá trình giao lưu, phát triển, dân tộc Nùng lại phân thành các nhóm Nùng địa phương như: Nùng An, Nùng Lài, Nùng Cháo, Nùng Dín...Tuy sống rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng người Nùng vẫn giữ mối quan hệ thường xuyên, đặc biệt vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Ông Hoàng Văn Páo, cán bộ văn hoá của tỉnh Lạng Sơn, tỉnh có đông đồng bào dân tộc Nùng sinh sống, cho biết: “Đặc điểm người Nùng ở nhà sàn và nhà đất, mỗi nhà là một gia đình. Người Nùng sống quần cư, quây quần nhiều dòng họ, có bản có tới hàng trăm gia đình, nhưng quy mô trung bình chỉ khoảng 30-40 ngôi nhà tập hợp thành một bản .Tổ chức cuộc sống xã hội của người Nùng theo chế độ phụ hệ, mọi tập tục sinh hoạt, phong tục, tập quán, tín ngưỡng hầu như diễn ra trên mỗi ngôi nhà, nhưng chính từ đó tạo ra sự gắn kết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau”.

Trong gia đình người Nùng tính chất gia trưởng phụ quyền rất cao, phản ánh rõ nét trong đời sống hàng ngày. Trong gia đình, vai trò người bố, chồng, cha  là người quyết định trong việc phân chia tài sản và chỉ có con trai, mới được quyền thừa kế. Con trai trưởng được nhận phần nhiều hơn và ở chung với bố mẹ, có trách nhiệm chăm sóc  phụng dưỡng bố mẹ. Khi bố mẹ đã khuất bóng thì  lo tang ma, cúng giỗ.

Trong các bản, người Nùng không sống sen kẽ với các dân tộc khác và vẫn giữ mối quan hệ hài hoà với cộng đồng. Bà Triệu Thuỷ Tiên, cán bộ văn hoá tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Trong cộng đồng dân cư họ cần có nhau để bảo vệ nhau, để cùng nhau cộng tác làm ăn, cùng nhau tham gia vào các hoạt động  sinh hoạt đời thường, tạo ra nét văn hoá truyền thống, trong đó có truyền thống đoàn kết. Từ xa xưa, người Nùng quan niệm sống phải có anh có em, có trên, có dưới trong gia đình, chính điều này tạo ra sự cộng cảm gắn bó trong lao động sản xuất cũng như trong sinh hoạt cộng đồng xã hội”.

Trong mỗi bản, người Nùng thường xây dựng một ngôi đình chung, thờ Thành Hoàng (vị thần) của bản. Đây cũng là nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng mỗi dịp lễ hội hay bàn bạc những công việc chung của bản. Với cách tổ chức cuộc sống như thế, đồng bào dân tộc Nùng sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau và tập quán đó vẫn được duy trì đến ngày nay. Ông Hoàng Văn Sơn, dân tộc Nùng ở huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: “Phải nói rằng chúng tôi có sự đoàn kết thống nhất nên mọi việc trong bản trong xóm được hoàn thành. Ví dụ như việc làm ngôi nhà của tôi, nếu không có anh em giúp đỡ thì làm hàng tháng cũng không xong. Tất cả công việc từ vận chuyển vật liệu đến xây dựng đều được bà con giúp đỡ mà không đòi hỏi gì”.

Mỗi gia đình của người Nùng là một hộ kinh tế độc lập, có tài sản riêng. Trong tổ chức sản xuất cũng như trong sinh hoạt hàng ngày gia đình tuân thủ theo phân công lao động theo giới. Đàn ông làm những công việc nặng nhọc, đàn bà làm những công việc nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt phụ nữ Nùng nổi tiếng với việc đan lát, dệt vải. Việc chăn gia súc, cắt cỏ thường dành cho phụ nữ và trẻ em.

Những năm gần đây, sự thay đổi của xã hội, sự giao lưu tiếp xúc văn hoá đã làm thay đổi đáng kể đời sống bản làng của người Nùng. Những ngôi nhà sàn, nhà đất dù đã được xây bằng gạch, lợp ngói với kỹ thuật và kiểu dáng hiện đại, nhưng vẫn được xây dựng san sát bên nhau và dưới mỗi mái nhà, những tập quán, nét  bản sắc văn hoá tốt đẹp truyền thống của dân tộc Nùng vẫn được duy trì.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác