Những câu chuyện tình yêu trong tiểu thuyết của hai nữ tác giả nổi tiếng

(VOV5) Bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Đồng Hoa – một trong “Tứ Tiểu Thiên Hậu” của văn học lãng mạn hiện đại Trung Quốc – Bộ Bộ Kinh Tâm. là một tác phẩm văn học mạng có cơ sở độc giả hùng hậu, ngay khi được chuyển thể lên sóng truyền hình năm 2011, Bộ Bộ Kinh Tâm đã trở thành một trong những bộ phim có tỷ suất người xem cao nhất.

Đồng Hoa hiện là một trong những tác giả nữ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Trước khi xuất bản sách, cô từng sử dụng bút danh Trương Tiểu Tam để đăng tải tác phẩm của mình lên hai website văn học nổi tiếng của Trung Quốc – mạng văn học Tấn Giang và mạng văn học Tứ Nguyệt Thiên. Cô tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, từng làm chuyên viên phân tích tài chính ở ngân hàng Trung Quốc, sau đó học thạc sĩ ngành kinh tế tài chính tại Philadelphia. Hiện nay, cô định cư cùng chồng tại New York.

Năm 2011, Đồng Hoa đứng thứ 14 trong danh sách các nhà văn có thu nhập cao nhất Trung Quốc - khoảng 3 triệu nhân dân tệ/ năm.

Những câu chuyện tình yêu trong tiểu thuyết của hai nữ tác giả nổi tiếng - ảnh 1Cùng với Đằng Bình, Phỉ Ngã Tư Tồn và Tịch Ngữ Giả, Đồng Hoa được độc giả bình chọn là một trong Tứ Tiểu Thiên Hậu của dòng văn học ngôn tình Trung Quốc .

Bộ Bộ Kinh Tâm được đăng tải lần đầu trên mạng văn học Tấn Giang năm 2005, đến năm 2006 được xuất bản. Năm 2009 và 2011 lần lượt tái bản hai lần, mỗi lần xuất bản, Bộ Bộ Kinh Tâm đều lọt vào danh sách bán chạy của hai trang bán sách trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là dangdang.com và amazon.cn.

Cô gái Trương Hiểu 25 tuổi là một nữ nhân viên văn phòng có cuộc sống bình thường tại thành phố Thâm Quyến. Cuộc sống ấy có lẽ cứ bình lặng trôi đi với những lo toan thường nhật như bao người khác nếu không có tai nạn định mệnh đã đưa cô đến với một thế giới cách thời đại của mình hàng trăm năm. Từ một cô gái bình thường ở thế kỷ XXI, cô trở thành Mã Nhĩ Thái – Nhược Hi, em vợ của Bát a ca Dận Tự, con vua Khang Hy.

Số phận của Trương Hiểu - Nhược Hi và những nhân vật khác trong Bộ Bộ Kinh Tâm là số phận không thể tránh thoát của những kiếp người nhỏ nhoi, bất lực giãy giụa trong cái bóng của ngai vàng tưởng chừng cao sang hoa lệ mà bên trong chất chứa đầy mưu toan hiểm độc, đau đớn và hy sinh. Mỗi phận người, dù cao sang hay thấp hèn, dù kiêu ngạo hay luồn cúi, dù thắng thế hay thất thế… đều nhận lấy những kết cục của mình – không cách nào trốn thoát được. Đó là kết cục của mọi kiếp sống nơi có Tử Cấm Thành lộng lẫy nhưng lạnh lùng phủ bóng.   

Nhưng vũ đài lịch sử rộng lớn và thâm sâu của Bộ Bộ Kinh Tâm không chỉ có tranh đấu cung đình tàn khốc mà còn có những điểm sáng ấm áp của lòng trung thành, tình cảm huynh đệ, tình bằng hữu và tình yêu nam nữ. Đi qua một vòng những yêu hận mãnh liệt, mưu kế hiểm sâu, giằng xé dày vò, các mối quan hệ phức tạp đan xen và những kết cục của phận người trong Bộ Bộ Kinh Tâm để lại vô vàn dư âm miên man không dứt, có bâng khuâng tiếc nuối, có chua xót thương tâm, có bàng hoàng kinh sợ nhưng cũng có cảm thông thấu hiểu. 

Năm 2009, bản quyền truyền hình của Bộ Bộ Kinh Tâm được chuyển nhượng cho công ty Đường Nhân Thượng Hải. Bộ phim được phát sóng lần đầu trên Đài Truyền hình Hồ Nam vào tháng 9 năm 2011, ngay lập tức đã trở thành tâm điểm chú ý của đông đảo khán giả truyền hình và là một trong những bộ phim có tỷ suất người xem cao nhất năm 2011.


Cuốn thứ hai rất đáng để bạn đọc dành thời gian cho nó, là tiểu thuyết của Anne Enright – Họp mặt. Tác phẩm đầy ám ảnh của nữ nhà văn người Ireland về chủ đề gia đình và lạm dụng tình dục đã giành được giải thưởng văn học danh giá Man Booker năm 2007 một cách thuyết phục.

Anne Enright sinh năm 1962 ở Dub­lin, học Ngữ văn và Triết ở Trin­ity Col­lege, Dub­lin, và học tiếp lấy bằng thạc sĩ về sáng tác ở Đại học East Anglia. Bà từng làm nhà sản xuất chương trình truyền hình, rồi bỏ truyền hình để dấn thân sang văn chương. Tác phẩm đầu tay của bà - tập truyện The Port­able Vir­gin (Tượng Mẹ đồng trinh xách tay) ra đời năm 1991 đã đoạt giải Rooney của văn học Ireland.

Với Họp mặt (The Gath­er­ing), Anne Enright lấy bối cảnh chính là quê hương Ireland. Cuốn tiểu thuyết này đã giành được giải Man Booker năm 2007, một chiến thắng đầy kịch tính và bất ngờ, nhưng thuyết phục và xứng đáng.

Những câu chuyện tình yêu trong tiểu thuyết của hai nữ tác giả nổi tiếng - ảnh 2Chín đứa con còn sống sót của nhà Hegarty họp mặt tại Dublin để dự tang lễ của Liam, một người con vừa chết đuối. Veronica, người em gái, đã tới canh cái xác, bầu bạn với nó, và canh cả bí mật cô từng cùng anh chia sẻ: một chuyện đã xảy ra trong nhà bà ngoại họ mùa đông năm 1968, một bí mật tăm tối đã khiến cuộc đời họ vĩnh viễn biến hình. Trong lúc Enright lần theo những con đường của sự phản bội và cứu chuộc qua ba thế hệ, bà đã cho thấy ký ức có thể thay đổi đến đâu, và những bí mật có thể gây ra chừng nào đau đớn.

Cuốn sách là một tấn bi kịch gia đình khởi phát từ đám tang của Liam. Veronica, đứa con thứ bảy, kẻ luôn đóng vai phụ trong mọi sự kiện của gia đình, lần này đã đóng vai người kể chuyện chính. Sinh sau Liam 11 tháng, cô cũng chính là người thân thiết nhất với anh, và bởi thế cái chết của anh - chết đuối, không tất, không đồ lót - đã làm bùng lên trong cô nỗi đau bất khả kìm nén, khơi lại trong cô tất cả những gì đã xảy ra, đã nhào nặn nên con người anh, kết cục của anh, con người cô, số phận của cô.

Enright đã để Veronica kể lại câu chuyện về cuộc đời những con người trong một gia đình Ireland phức tạp, trở đi trở lại giữa hiện thực lạnh lùng đau đớn và quá khứ nhớp nháp những bí  mật bị chôn vùi.

 Họp mặt không được viết theo lối dễ đọc. The New York Times Book Review nhận xét: “Tiểu thuyết của Enright rất tăm tối - nhưng đó cũng là điều khiến nó lấp lánh.” Quả vậy, tác phẩm không có những biến cố kịch tính hay cao trào mà phần lớn diễn biến chỉ xảy ra trong trí óc hay tâm thức Veronica.

Dịch giả Phạm Viêm Phương, người đã chuyển ngữ cuốn tiểu thuyết sang tiếng Việt, trải lòng về tác phẩm: Họp mặt, theo tôi, là một tác phẩm khó đọc, và cần được đọc nhiều lần để có thể vượt qua mê cung gồm những liên tưởng trong ý nghĩ của nhân vật, những mớ lộn xộn giữa sự kiện và tưởng tượng (trong truyện), và những câu chữ có khi bóng bẩy có khi hờ hững khiến ta khó nắm bắt ý nghĩ của tác giả.”

Họp mặt, cũng như mọi tác phẩm khác mà Enright từng viết, trí tuệ đặc biệt của bà đã vặn xoắn thế giới một chút rồi trả lại nó cho chúng ta trong ánh sáng mới và không thể lãng quên. Đồng thời người đọc cũng được chứng kiến một tác phẩm hư cấu mê hoặc theo cách riêng của nó, sự tăm tối của nó, độ mờ của nó, cái mê hoặc của một chuyến phiêu lưu không phải ra thế giới mà là vào nội tâm.

Tờ Entertainment Weekly nhận định về tác phẩm: “Mê hoặc, lạnh lùng, sâu sắc. Họp mặt là một cái nhìn ám ảnh vào một gia đình tan vỡ, bị bóp nghẹt bởi hàng thế hệ đau thương, thất vọng, vật lộn thỏa hiệp với điều không thể thay thế.”

Phản hồi

Các tin/bài khác