Trần Hậu - một hồn thơ với bao điều giản dị

(VOV5)- Trần Hậu được biết tới trên báo chí nhiều năm qua như một dịch giả tiếng Nga, một người giới thiệu văn hóa Nga đầy tin cậy với bạn đọc báo chí Việt. Nhưng anh cũng còn là một người-làm-thơ. Và tập sách đầu tiên anh xuất bản, là tập thơ "Xôn xao điều giản dị", do NXB Văn học ấn hành. Trân trọng gửi tới quý vị lời giới thiệu của  tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, người Việt ở Liên bang Nga về tập thơ này.

Trần Hậu - một hồn thơ với bao điều giản dị - ảnh 1
Toàn bìa sách "Xôn Xao Điều Giản Dị". Ảnh tác giả cung cấp trên mạng xã hội Facebook

Nhấn để nghe nội dung chi tiết:



                                                   
Thời chưa phổ cập Internet, cứ mỗi tuần một lần, tôi lại lọ mọ đi hơn sáu mươi cây số từ trung tâm thành phố Moskva đến sân bay Sheremetievo, và sau này là Domodedovo, mang theo một bịch báo to tướng gửi về Hà Nội cho Trần  Hậu.

Những tờ báo Nga tôi gửi cho Hậu thường là Văn học, Văn hóa, Luận chứng và Sự kiện, Tin tức... trong đó có nhiều bài về đời sống văn học, sự kiện sân khấu, điện ảnh Nga để anh dịch đăng báo, kiếm thêm thu nhập, bù vào đồng lương còm cõi của mình nuôi vợ và hai đứa con nhỏ. Đó là cách kiếm sống lương thiện, khó nhọc và âm thầm nhất.

Hàng loạt bài dịch của Hậu đã được in trên các báo Trung ương và Thủ đô với nhiều bút danh khác nhau. Những tưởng rằng, ngày một, ngày hai, anh sẽ có một cuốn sách tuyển những bài dịch về văn học Nga và văn học thế giới, chí ít cũng phải ba trăm trang!

Nhưng anh lại quyết định cho in tập thơ trước, bởi lẽ anh vốn là một thi nhân trong thẳm sâu tâm thức và huyết quản, một mạch thơ như nguồn nước ngầm chảy âm thầm và lặng lẽ, anh muốn ưu tiên khai sinh tập thơ đã hoài thai từ hàng chục năm trước!

Nếu trích ngang lý lịch thì Trần Hậu là một thế giới, mà tôi có lẽ là người hiểu thâm sâu và cặn kẽ. Bởi chúng tôi đã gắn với nhau từ thời khốn khó nhất của cuộc đời, từ cái thuở hàng ngày anh đi bộ từ nhà đến trường cách mười lăm cây số, nắng cũng như mưa, chân không có dép, không có bữa sáng, vai mang chiếc túi vải nhầu nhĩ được mẹ cắt may từ một ống quần cũ.

Mà không chỉ tôi, trong đám bạn bè, ai có điều chi tâm niệm, ai có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” cũng tìm Trần Hậu để giãi bày, ai có của nả riêng tư cũng tìm Hậu mà gửi, bởi vì gửi lời và gửi cái gì cho Hậu cũng yên tâm, hoàn toàn không hề bị rò rỉ và thất thoát!

Con người đó mang trong mình một trái tim nhạy cảm, âm thầm và thuỷ chung vô bờ bến. Anh làm thơ không phải để đăng đàn, để đánh bóng tên  tuổi mà đơn giản là chỉ gửi gắm nỗi lòng. Trần Hậu làm thơ từ thời còn là sinh viên, đã đa mang, dấn thân vào nghiệp thơ xuất phát từ lòng tri ân những nhà thơ cổ điển Nga mà anh học. Vì vậy, thơ anh chịu ảnh hưởng nhiều âm điệu buồn thương của trường phái thơ lãng mạn Nga với những Pushkin, Lermontov  đầu thế kỷ XIX và cảm hứng đồng quê trong thơ Esenin, Blok đầu thế kỷ XX. Tạng người Trần Hậu hợp với âm điệu trữ tình, sự buồn thương, trầm mặc và bi lụy.

Trong suốt những bài thơ trong tập Xôn xao điều giản dị của Trần Hậu, luôn phảng phất sự tiếc nuối một cái gì mất đi không bao giờ trở lại. Mọi cái trong thơ anh dường như đều là vô hình, sương khói và hóa thân thành kỷ niệm. Nhân vật trữ tình trong thơ anh chính là người con gái được anh tôn thờ, theo suốt và có mặt trong mọi câu tứ. Sự tuyệt vọng thường có mặt trong thơ anh, chính là hình ảnh xa vời, không bao giờ đạt được, không bao giờ thấu vọng bởi những vách barie có lúc là thời gian, không gian, có lúc là sự mặc cảm, có lúc là sự yếu đuối và lo sợ; chỉ lãng đãng trong lớp mây mù thì thần tượng của anh mới tồn tại, còn nếu như bỗng dưng nó thành hiện thực, đời thường thì "bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu" (Xuân Diệu).

Cũng có thể nàng có thật trong cuộc đời, nhưng cũng có thể đó chỉ là nàng Thơ đem đến cho anh niềm cảm hứng viết về tâm trạng tiếc nuối những gì đã tuột khỏi tầm tay. Khác với những tâm hồn đa đoan nhưng mạnh mẽ, họ có thể làm những gì để níu kéo lại, thì Trần Hậu chỉ buông xuôi, than thở, cùng lắm thì chỉ giơ bàn tay ngậm ngùi tiễn biệt. Sự buồn thương này là chất riêng của Trần Hậu, anh không thể làm khác, làm khác đi là gượng gạo, là bội phản tính cách của anh. K. Paustovsky, nhà văn danh tiếng của Nga, đã gọi đó là "nỗi buồn thánh thiện, không ai dễ gì có được". Nó là tài sản riêng của Trần Hậu mà luồng gió lành của sách vở, của nền giáo dục anh tiếp thụ đã thổi vào hồn anh tự thuở bé thơ, qua năm tháng thời gian, được chắt chiu để trở thành cái đẹp. Anh vẫn giữ gìn nó, bất chấp cuộc sống khốn khó, bất chấp những trắc trở, xuống ghềnh lên thác của cuộc đời.


Trần Hậu - một hồn thơ với bao điều giản dị - ảnh 2
Nhà thơ Trần Đình Hậu (phải) và tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng


Anh không hề ngơ ngác trước sự náo động nhân gian, với một trí tuệ mẫn tiệp, thâm trầm, anh hiểu hết, nhưng giữa bộn bề của cuộc sống bon chen, anh vẫn bảo tồn được  trái tim trong sáng và định hình như một nhà nho xứ Nghệ. Người như Trần Hậu không thể nhúng tay vào một điều gì hắc ám, không nỡ lòng làm tổn thương tới một ai. Anh chấp nhận và thích nghi với mọi hoàn cảnh anh bước chân vào, anh đứng ngoài mọi cuộc tranh giành và cân đong, đo đếm. Con người Trần Hậu và thơ anh đem đến cho cuộc đời này một niềm tin sáng trong và một thông điệp cũng vô cùng mộc mạc: hãy sống bình thường, đừng làm hại cho đời, và nếu có thể, hãy có ích cho đời.

Cũng giống như khi bạn bước chân vào căn phòng giản dị, nhưng bình yên của anh giữa lòng Hà Nội lúc mưa sa, gió nổi; nếu ai đó, chẳng may gặp điều phiền muộn, bất an, rủi ro trong cuộc sống, hãy đọc thơ Trần Hậu để nỗi buồn sẽ được chia đôi:
Tôi có một căn phòng nhỏ,
Để về đây những buổi chiều,
Giũ sạch ưu phiền, đau khổ,
Nghĩ về cuộc sống tôi yêu.
(Căn phòng nhỏ)

Phản hồi

Các tin/bài khác