Sẵn sàng cho năm học mới

(VOV5) - Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016 sẽ được các trường học cả nước tổ chức trong cùng 1 ngày. Đây là hoạt động thiết thực để ngày khai trường trở thành ngày hội thật sự của học sinh cả nước. Năm nay cả nước có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới 2015-2016. Đến thời điểm này, ngành giáo dục tại các địa phương trên cả nước đã hoàn thành chương trình, kế hoạch đào tạo cho năm học 2015-2016, trang thiết bị cơ sở vật chất nhà trường được đảm bảo, hứa hẹn 1 năm học mới nhiều thành công. 


Sẵn sàng cho năm học mới - ảnh 1

Bước vào năm học mới 2015-2016, thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng 44 trường học mới, tuyển mới hơn 4.000 giáo viên. Năm học 2015-2016, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh gặp phải áp lực lớn về cơ sở vật chất do số lượng học sinh tăng nhanh, nhất là số học sinh tiểu học tăng hơn 52.000 em. Giữa những giải pháp nhằm đảm bảo tất cả trẻ trên địa bàn thành phố đều được đến trường, ngành giáo dục – đào tạo thành phố đồng thời thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của ngành trong năm học mới. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Bước vào năm học mới số lượng học sinh thành phố Hồ Chí Minh từ cấp học mầm non đến THPT là hơn 1,5 triệu học sinh, quy mô các bậc học đều tăng, trong đó mầm non và tiểu học tăng nhiều nhất, hơn 52.000 học sinh. Để đáp ứng được yêu cầu về quy mô trường lớp, thành phố đã quan tâm xây dựng trường học mới, phòng học mới. Tuy nhiên với áp lực số lượng học sinh cơ học tăng cao, chúng tôi tích cực cùng các quận huyện xây thêm phòng học để đảm bảo sĩ số học sinh/lớp, học hai buổi/ngày để nâng cao chất lượng giảng dạy".

Nét mới trong công tác đào tạo năm học mới này, thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích tuyển sinh đầu cấp chương trình tiếng Anh tích hợp. Chương trình tích hợp đã được Sở GD-ĐT thành phố chuẩn bị công phu cho chương trình Việt Nam và chương trình Anh. Hầu hết, các trường đã chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giáo viên phối hợp cùng đội ngũ giáo viên người bản ngữ để giảng dạy chương trình này. Về cơ sở vật chất, các trường trên địa bàn thành phố hầu hết đảm bảo, các trang thiết bị để thực hành thí nghiệm.

Không chỉ đảm bảo về nội dung đào tạo và cơ sở vật chất trong nhà trường, để chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị đã chuẩn bị lượng sách giáo khoa, đồ dùng học tập khá dồi dào. Công ty Cổ phần sách và Thiết bị trường học Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị 5 triệu 300 ngàn bản sách giáo khoa cho năm nay, tăng 10% so với năm trước. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên công ty luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về các đầu sách giáo khoa trên địa bàn. Ông Phan Xuân Hiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sách và thiết bị Trường học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Để cung ứng đầy đủ sách giáo khoa cho năm học mới thì công ty từ đầu tháng 5 công ty đã nhập hơn 4 triệu bản sách giáo khoa. Công ty cũng sắp xếp lại hệ thống phẩn phối, mặt bằng cửa hàng, bán hàng đến 7 giờ tối, bán hàng cả ngày thứ 7 và chủ nhật".

Sẵn sàng cho năm học mới - ảnh 2


Năm học 2015- 2016, gần 700 nghìn học sinh các cấp học tỉnh Nghệ An sẽ bước vào năm học mới. Ngày khai giảng càng đến gần cũng là lúc các cấp, ngành, địa phương ở Nghệ An dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn cho học sinh miền núi, đặc biệt là học sinh vùng biên giới, vùng cao. Dù bận việc nương rẫy nhưng đã 2, 3 ngày nay, chị Xeo Thị Huệ và nhiều bà con trong bản Huồi Cụt, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đều có mặt ở điểm trường mầm non của bản. Đàn ông thì chẻ tre, đan nứa, giúp các cô giáo sửa lại mái nhà bếp, sửa lại hàng rào, còn phụ nữ thì giúp sức dọn dẹp lại khuôn viên trường lớp. Với sự khéo léo của mình, chị Xeo Thị Huệ và những người phụ nữ Khơ Mú đã tự làm được nhiều đồ dùng, đồ chơi ngỗ nghĩnh và gần gũi cho con em  mình. Chị Xeo Thị Huệ nói: "Chuẩn bị năm học mới, em ra đây làm đồ chơi giúp các cô bởi vì trong năm học các cô vất vả chăm các con, các cháu. Em cũng yên tâm khi đi làm nương rẫy vì có các cô chăm sóc".

Để đến được trường Trung học cơ sở Nga My, một trong những trường học khó khăn và  xa nhất ở huyện Tương Dương, cách trung tâm huyện gần 70 cây số, học sinh từ bản xa nhất phải mất 7giờ đi bộ. Vì vậy, để các bậc phụ huynh yên tâm khi con em học bán trú, trường Trung học cơ sở Nga My đang khẩn trương xây dựng khu nhà bếp để hơn 80 học sinh bán trú có chỗ nấu ăn. Ban giám hiệu cũng chỉ đạo Công đoàn nhà trường vận động các em học sinh phát cây, làm đất để trồng rau, cải thiện bữa ăn khi các em bước vào năm học mới. Thầy giáo Trần Nhật Giang, Hiệu trưởng trường THCS Nga My, huyện Tương Dương cho biết: "Năm nay nhà trường đã đầu tư xây dựng thêm 1 gian bếp để cho các em nấu. Nhà trường phối hợp với công đoàn tổ chức làm vườn rau. Đất đai ở đây rất hiếm nhưng nhà trường cũng cố gắng bố trí đất trồng rau để các em thuận lợi cho bữa ăn".

Nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015 – 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh nội dung đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học. Ngoài ra, còn tập trung vào công tác xã hội hóa và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; tiếp tục triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 và công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi vào năm học mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo là duy trì sĩ số, hạn chế thấp tình trạng học sinh bán trú bỏ học. Vì vậy, năm học này, nhiều trường học vùng sâu tiếp tục duy trì mô hình nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú.

Phản hồi

Các tin/bài khác