Cùng con tìm lại ngôn ngữ

(VOV5) - Khi trẻ bị điếc bẩm sinh, cấy ốc tai điện tử là biện pháp duy nhất giúp trẻ nghe và nhận biết âm thanh. Tuy nhiên, việc trị liệu ngôn ngữ sau phẫu thuật là hết sức quan trọng và gian nan.

Cấy ốc tai điện tử mới chỉ là “điều kiện cần”

Theo PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nghe kém là hiện tượng giảm một phần hoặc toàn bộ khả năng cảm nhận về âm thanh. Nghe kém có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có thể do nhiều nguyên nhân như: di truyền, nhiễm sắc thể, hoặc do nhiễm vi-rút, đặc biệt là rubellla… Theo một số nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ nghe kém trước ngôn ngữ chiếm khoảng 0,5% trong tổng số trẻ được sinh ra hàng năm. Khoảng 75% trong số đó cần phải cấy ốc tai điện tử. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ sẽ không nghe và học được từ những âm thanh xung quanh, ảnh hưởng trầm trọng đến việc giao tiếp. Khi ấy trẻ sẽ chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và gặp khó khăn trong cuộc sống. Trầm trọng hơn, trẻ sẽ trở thành tàn tật, câm điếc vĩnh viễn. 


Cùng con tìm lại ngôn ngữ - ảnh 1
 Buổi học trị liệu ngôn ngữ của bố con anh Tuấn. Ảnh L.H


“Chỉ định cấy ốc tai điện tử cho trẻ từ 12-72 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy thời điểm cấy tốt nhất là trẻ từ 12-24 tháng hoặc dưới 36 tháng. Nếu cấy muộn, khả năng phát triển ngôn ngữ sẽ rất chậm. Bệnh viện này là cơ sở đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật nói trên mà không cần trợ giúp của chuyên gia. Từ năm 2010 đến nay, có trên 120 bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật với tỷ lệ thành công 100%, giúp các em có thể hòa nhập với cuộc sống và có cơ hội phát triển như những trẻ bình thường. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại lớn nhất hiện nay bởi giá thành thiết bị quá cao (khoảng từ 300 - 700 triệu đồng) mà không được BHYT đồng chi trả”, PGS Cao Minh Thành chia sẻ.

PGS. Thành cho biết thêm, việc cấy ốc tai điện tử mới chỉ là “điều kiện cần” giúp trẻ nghe và nhận biết âm thanh, còn "điều kiện đủ” là việc trị liệu ngôn ngữ sau phẫu thuật. Điều này hết sức quan trọng cho phát triển ngôn ngữ của trẻ. Khi ấy cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con tìm lại ngôn ngữ.

Trường hợp cháu Bình An (7 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) là 1 trong số 10 bệnh nhi đầu tiên được cấy ốc tai điện tử tại Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào năm 2010. Khi con được tiến hành cấy điện cực ốc tai thành công, chị Hằng (mẹ cháu) cứ nghĩ từ đó con sẽ nghe được và tư tưởng nhẹ nhõm phần nào. Tuy nhiên, sau khi cấy, việc dạy con cách nghe - phát hiện - hiểu - nhận biết âm thanh - nói được… mới thực sự gian nan.

“Ngoài việc dành 1 tuần/buổi 45 phút đến trung tâm trị liệu ngôn ngữ học cùng con, cha mẹ phải dạy con liên tục mọi lúc mọi nơi. Thời gian đầu tôi thường xuyên bị viêm họng vì nói quá nhiều để chỉ bảo, dạy cho con từng ly từng tý. Ví dụ: Tôi bảo “con uống nước đi” thì phải nói đi nói lại hàng trăm lần con mới hiểu và nhớ được từ đó vì trước đó, khi con được 20 tháng tuổi con không nghe nói được”, chị Hằng cho hay. 

Có lẽ, cũng nhờ sự nỗ lực đồng hành cùng con trong mọi lúc mọi nơi, cháu Bình An đã hoà nhập rất tốt với các bạn cùng trang lứa.


Cùng con tìm lại ngôn ngữ - ảnh 2


Cha mẹ giúp 85% việc phát triển ngôn ngữ của trẻ

Chứng kiến giờ học trị liệu ngôn ngữ khi mỗi giờ học 45 phút chỉ 1 trò - 1 cô - và 1 phụ huynh tôi mới hiểu hết việc dạy và giúp con hiểu ngôn ngữ không hề đơn giản. Sau khi cô hướng dẫn mẹ kỹ năng nghe - nói cùng con, mẹ sẽ bắt chước để thực tập cùng con tại lớp, sau đó cha mẹ sẽ về nhà giúp con ôn lại và phát triển và lặp lại chu trình sau 1 tuần. Với trẻ phát triển bình thường, việc nghe và nói được 1 từ đơn có thể chỉ dạy 1 vài lần có thể nhớ và thuộc, nhưng với trẻ khiếm thính có khi phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần.

Là 1 trong 3 bệnh nhi được cấy ốc tai miễn phí năm 2016, cháu Xuân Trường (hơn 2 tuổi ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá) tuần nào cũng theo mẹ vượt hơn 100 cây số ra Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để trị liệu ngôn ngữ. Để có 45 phút học trị liệu ngôn ngữ cùng cô giáo, chị Thuỷ đã phải thức dậy từ 2h sáng để theo lịch học của con và kịp trở về trong ngày. “Sau 26 tháng chờ đợi, nay tôi đã được nghe con nói 2 từ “mẹ ơi”. Tôi thấy vui sướng, hạnh phúc không gì tả xiết. Tôi không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn đến các bác sĩ và nhà tài trợ - những người đã sinh ra con tôi một lần nữa”, chị Thuỷ xúc động.

Cô Khương Thị Thoa, Đội trưởng Nhóm AVT, Trung tâm chăm sóc sức nghe HearLife đã chỉ ra rằng, việc luyện nghe - dạy nói phải gắn với các hoạt động hằng ngày của trẻ khiếm thính. Thông qua các tình huống giao tiếp sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng lắng nghe, quan sát, sự tập trung, mở rộng vốn từ, khả năng tưởng tượng… từ cấp độ đơn giản đến phức tạp phù hợp với tuổi nghe của trẻ. Do vậy, vai trò của cha mẹ trong công việc giáo dục trẻ khiếm thính chiếm đến 85%. 

“Cha mẹ sẽ là người hiểu và gần gũi con nhiều nhất. Cô giáo sẽ hướng dẫn cha mẹ cách giúp con nghe - nói bằng chính đôi tai của con thay vì thói quen không đúng trước kia là cha mẹ thường đưa ra ký hiệu hoặc bắt con nhìn khẩu hình trước khi dạy con nói cái gì và làm điều gì. Từ đó đánh giá đúng năng lực về khả năng ngôn ngữ và khả năng hoà nhập của trẻ, đưa ra hướng phát triển ngôn ngữ phù hợp cho trẻ”, cô Thoa cho biết.

Trường hợp cháu Minh Hiếu (7 tuổi, ở Vĩnh Phúc), khi hơn 1 tuổi được phát hiện bị điếc bẩm sinh, gia đình đã đưa con đi bấm huyệt, châm cứu, đeo máy trợ thính… nhưng thính lực của con không cải thiện. Mãi đến khi con hơn 4 tuổi, anh Tuấn (bố cháu Hiếu) mới biết và đưa con đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấy ốc tai điện tử. Chính quãng thời gian này anh Tuấn nhận ra rằng đã làm mất “quãng thời gian vàng” của con trong việc trị liệu thính lực. May mắn sau phẫu thuật, sức khoẻ cháu tốt, giúp bố con anh có thể kiên trì tiếp tục cuộc hành trình trị liệu ngôn ngữ.

Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi thấy sung sướng và hạnh phúc sau 3 tháng trị liệu ngôn ngữ, con đã biết gọi “ba ơi”. Sau 4 tháng khi bố mẹ gọi “Hiếu ơi” con đã biết “dạ!”. Suốt hơn 5 năm ròng mong mỏi, cha mẹ mới để có thể trò chuyện và hiểu được con”. Sự tiến bộ rõ rệt từng ngày của con, khiến anh càng quyết tâm giúp con phát triển ngôn ngữ hiệu quả nhất cho dù chặng đường dài phía trước còn lắm gian nan.

Từ nay đến 31/3/2017, vào thứ 5 hàng tuần, Khoa Tai mũi họng, BV Đại học Y Hà Nội sẽ tiến hành khám và tư vấn cho các đối tượng có bất thường về thính lực, đặc biệt là những trẻ điếc bẩm sinh; để lựa chọn những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiến hành mổ miễn phí. Công ty chăm sóc sức nghe HearLife trao tặng cho Bệnh viện 3 bộ cấy ghép ốc tai điện tử trị giá 1,2 tỷ đồng. Bệnh nhân có thể liên hệ trực tiếp qua điện thoại: 04.62934614.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác