Chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã Thụy Văn, tỉnh Thái Bình

 (VOV5) - Không được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay, xã  Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nổi lên là một điểm sáng đi đầu trong phong trào này. Đó chính là sự đồng thuận, đồng lòng giữa chính quyền và người dân. Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin thì mới huy động được sức dân và đó chính là điểm đột phá chính  của xã Thụy Văn khi xây dựng nông thôn mới.

Chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã Thụy Văn, tỉnh Thái Bình - ảnh 1

Đường nông thôn mới ở xã Thụy Văn


Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đường làng, ngõ xóm của xã Thụy Văn 100% bê tông hóa. Hệ thống kênh mương, đường nội đồng đã hoàn thành. Xe ô tô, máy gặt, mày cày di chuyển thuận lợi trên con đường nội đồng này. Người dân thỏa nguyện khi được sinh sống và làm việc trong môi trường như vậy. Giữa trưa nhưng bà Nguyễn Thị Mụa, 65 tuổi vẫn miệt mài làm cỏ lúa. Bà Mụa cho biết giờ đường xá đi lại dễ dàng nên, người dân làm ruộng cũng đỡ vất vả hơn. Bà Mụa chia sẻ:  Tôi thấy phấn khởi quá. Trước kia đường đất đi khổ, mỗi một trận mưa phải gạt đất, chống gậy mới đi được. Quãng đời còn lại thấy sung sướng rồi. Tôi chỉ mong sống thọ để hưởng tý nữa. Chúng tôi mỗi khi phát động, mải đâu thì mải, chỉ trừ bị ốm, còn không là đi làm bất cứ việc gì theo chủ trương. Đi làm đường bảo để thanh niên đi làm nhưng tôi vẫn cứ đi và chỉ mong mạnh khỏe để được làm.


Nói rồi bà Mụa cười giòn tan bảo chỉ mong sống thọ để được chứng kiến sự thay đổi của nông thôn. Làm cỏ lúa ở thửa ruộng bên cạnh chị Nguyễn Thị Thu cho biết khi được phổ biến chủ trương xây dựng nông thôn mới, chị và người dân trong thôn 2 sẵn sàng ủng hộ: Xây dựng nông thôn mới vì lợi ích của dân là chính. Con đường này chỉ chúng tôi đi là nhiều, phục vụ người dân nên chúng tôi sẵn sàng bỏ ngày công để làm. Nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu thì chúng tôi sẵn sàng làm, đường lầy lội chúng tôi không chở lúa về được.


Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, đưa máy móc, kỹ thuật vào đồng ruộng, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên đây cũng là công việc khó khăn, phức tạp do thói quen sản xuất và tập quán canh tác của người dân đã quen với cách làm cũ, không muốn dồn chuyển. Để tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã vận động, giải thích cho nhân dân hiểu những ích lợi của việc dồn điền đổi thửa và xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Khi lòng dân đã thuận, chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã hoàn thành xong công tác dồn điền đổi thửa với tổng diện tích gần 340 ha. Mỗi hộ gia đình giờ đã có từ 1 - 2 thửa dễ dàng canh tác thay vì những thửa ruộng nhỏ lẻ như trước đây. Ông Đào Viết Bộ, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thụy Văn, cho rằng nếu không tạo ra được sự đồng thuận, đồng lòng giữa chính quyền và người dân thì Thụy Văn khó có thể làm nông thôn mới.

 Làm được trước hết từ cán bộ đến nhân dân đồng tâm cùng vào cuộc. Cán bộ đoàn kết thuyết phục được nhân dân. Riêng việc đồn điền đổi thửa năm 2011, chúng tôi huy động mỗi khẩu tự nguyện đóng góp 24m2 để đắp bờ vùng bờ thửa ngoài đồng, còn công  thì trên 100 nghìn ngày công do dân làm hết. riêng 2 khoản đó cũng tốn gần 20 tỷ. Đến 20/12/2013 đã về đích xây dựng nông thôn mới là 92 tỷ, trong đó 76% là do nhân dân và ngân sách xã đóng góp, tự huy động. Nếu nhân dân không vào cuộc thì không về đích được.

Khác với nhiều địa phương trong tỉnh, xã Thụy Văn có cách làm linh hoạt. Phương châm của xã là giải quyết từ “ngoài đồng vào, từ nhà ra ngõ, cuối cùng mới tính đến chỉnh trang trụ sở”. Thụy Văn xác định hướng phát triển kinh tế lấy nông nghiệp là chính, do vậy xây dựng nông thôn mới sẽ quan tâm hàng đầu đến việc giải phóng sức lao động cho nông dân, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Muốn vậy phải dồn điền đổi thửa, làm giao thông thủy lợi nội đồng cho tốt. Ông Đào Viết Bộ cho biết: Đường của Thụy văn giờ là 100% đường nhựa, trường học, trạm ý tế làm chuẩn hết. Năm 2013 làm 12km máng cứng và 9km đường giao thông nội đồng và 100% các ngõ ở khu dân cư là đường bê tông. Riêng 14 km đường trong khu dân cư 100% do dân đóng góp, xã ủng hộ có 10% vật liệu không đáng gì. Toàn bộ máng thoát nước trong khu dân cư cũng huy động nhân dân 40%. Phải huy động thế mới làm được. ở người đồng thì giải phóng mặt bằng thì do dân làm hết.


Thành công của xã Thụy Văn là luôn đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, các tổ chức chính trị cùng vào cuộc. Ðiều cốt lõi là đã làm cho mọi người dân hiểu và thật sự là người chủ xây dựng nông thôn mới. Đây là yếu tố then chốt, quan trọng trong kết quả xây dựng nông thôn mới của Thụy Văn./.

Phản hồi

Nguyễn Văn Hiệu

Thật sự là tự hào là người Dân lại là con em của của đất Thái Bình nói chung và Quê hương Thái thụy nói riêng, miền Quê giàu... Xem thêm

Các tin/bài khác