Đổi thay sau 3 năm xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh

(VOV5) - Với phương châm “Huy động nội lực tại chỗ, lấy sức dân để lo cho dân”, sau 3 năm thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới tại 6 xã điểm là Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), Thái Mỹ, Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới theo tiêu chí của Ban chỉ đạo Trung ương Xây dựng Nông thôn mới. Hiệu quả thực tế đó đã làm người dân tin tưởng và đồng thuận cao với chủ trương này. 

Đổi thay sau 3 năm xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh 1
Đường giao thông tại xã Tân Nhựt, TPHCM đã được mở rộng (Ảnh: Internet)


Nghe âm thanh tại đây:



Ông Phạm Văn Cáo, 72 tuổi, ở ấp 1, Xuân Thới Thượng, là người chứng kiến những đổi thay của vùng đất này qua nhiều giai đoạn. Khi xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, ông là một trong những người đầu tiên tự nguyện hiến 200m2 đất để góp phần mở rộng những tuyến đường liên ấp, liên xã khang trang, hiện đại hơn. Không chỉ có Xuân Thới Thượng mà tại 6 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới của Thành phố đã có hơn 7.000 hộ dân tham gia hiến hơn 725.000 mét vuông đất, trị giá hơn 615 tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa – xã hội. Những công trình nhà nước và nhân dân cùng làm đã làm thay đổi bộ mặt các xã nông thôn này. Ông Phạm Văn Cáo cho biết: “Chương trình Nông thôn mới này là do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Với gia đình tôi, cả hai tuyến đường đi qua đều nằm trên đất của gia đình. So với giá trị của những mét đất mà con đường đi qua thực sự không nhỏ nhưng suy nghĩ lại những giá trị mà ông cha đã bảo vệ đất nước, bám đất giữ làng, trường học không có, điện không có thì thực sự mảnh đất hy sinh làm đường không là gì cả. Đến hôm nay tôi thấy bộ mặt của xã thay đổi nhiều như điện khí hóa, hệ thống thủy lợi hoàn thiện, con cháu tôi được học hành đến nơi đến chốn, tình làng nghĩa xóm rất quý mến”.


Đổi thay sau 3 năm xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh 2
Nông thôn mới Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Internet)


Sau 3 năm thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, 6 xã của Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được gần 1000 công trình, trong đó có khoảng 240 công trình giao thông, trên 100 công trình thủy lợi, xóa được 430 căn nhà dột nát với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, trong đó 34% là nguồn đóng góp từ nhân dân. Đến nay, ngoài 2 xã Tân Thông  Hội và Thái Mỹ đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 4 xã còn lại cũng đã đạt 17/19 tiêu chí. Các giải pháp khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích 172%/năm so với khi bắt đầu xây dựng đề án. Hiện nay, tại các xã xây dựng nông thôn mới, diện tích cây lúa được thu hẹp, đất trồng lúa chuyển qua trồng hoa màu, lợi nhuận tăng lên nhiều lần. Các mô hình trồng hoa lan, cây kiểng, nuôi bò sữa, làng nghề truyền thống cũng được nhân rộng, giúp người dân tăng thu nhập lên từ 4 – 5 triệu đồng/ tháng.


Với tiêu chí, Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản, mà quan trọng hơn cả là làm sao để đời sống người dân được nâng cao, nếp sống văn hóa, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Chính vì thế, việc đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế luôn được các xã quan tâm thực hiện bằng các giải pháp cụ thể. Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, cho rằng: “Để thực hiện nông thôn mới bền vững, xã Nhơn Đức vận động nhân dân học chữ học nghề và giải quyết việc làm. Nếu thực hiện việc chuyển dịch mà người lao động không được đào tạo tay nghề và hỗ trợ tìm việc thì chỉ làm được công việc phổ thông và thu nhập thấp. Như vậy thì vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chúng tôi phân ra từng nhóm theo độ tuổi để đào tạo nghề và vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ tín dụng cho học sinh nghèo và người dân có vốn sản xuất”. 


Có thể thấy qua 3 năm thực hiện, chủ trương xây dựng Nông thôn mới đã khơi gợi và phát huy nội lực nhân dân tại các xã. Đây là cơ sở quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình nông thôn mới ra 50 xã còn lại để đến năm 2015 tất cả 56/56 xã của thành phố cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, thành phố tập trung phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả và bền vững thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất và tiêu thị nông sản. Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Thời gian tới, cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc để tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. về quản lý nguồn vốn thì sẽ được thực hiện theo đúng các hướng dẫn. Đặc biệt, thành phố có hướng dẫn thực hiện riêng, trong đó vai trò giám sát của người dân là rất quan trọng. Các cơ quan khác cũng giám sát tất cả các nguồn vốn chứ không riêng gì vốn ngân sách để đầu tư tốt nhất cho các xã nông thôn mới". 


Qua hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM, từ diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nông thôn. Hiện các địa phương cũng chọn thêm một số xã để nhân rộng các chương trình xây dựng nông thôn mới tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế để xây dựng vùng nông thôn ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững./.

Phản hồi

Các tin/bài khác