Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ

(VOV5) - Trong năm 2022, huyện Yên Châu đặt mục tiêu xuất khẩu gần 6.500 tấn trái cây các loại, kim ngạch đạt hơn 4 triệu USD.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Yên Châu là một trong những huyện có diện tích cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La, với nhiều sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu, như: Xoài, nhãn, chuối, mận hậu. Để sản phẩm cây ăn quả có đầu ra ổn định, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, huyện Yên Châu đã tập trung phát triển vùng cây ăn quả theo hướng hữu cơ và áp dụng quy trình sản xuất quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt  VietGAP.
Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ - ảnh 1 Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc là hợp tác xã đầu tiên được huyện Yên Châu lựa chọn triển khai thí điểm mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ. Ảnh: sonla.gov.vn

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc ở bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, là HTX đầu tiên được huyện Yên Châu lựa chọn triển khai thí điểm mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có gần 25ha xoài và nhãn, trong đó, 15ha đang áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, số còn lại đã được cấp mã số vùng trồng và trồng theo quy trình VietGAP và theo Bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GlobalGAP). Mục tiêu sản xuất nông sản sạch và an toàn được HTX đặt ra ngay từ khi mới thành lập: "Mô hình của chúng tôi ngoài là những vườn cây trong rừng nhưng phải giữ được môi trường thiên nhiên để phủ xanh đất trống, đồi trọc và mang lại kinh tế cho các thành viên HTX. Chính vì thế mô hình an toàn, thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng; trách nhiệm với người tiêu dùng. Từ ngày thành lập đến nay thì các loại cây ăn quả ngày càng nâng cao về sản lượng, chất lượng và khách hàng ưa chuộng. Chúng tôi đã xuất khẩu đi Australia, Mỹ, Trung Quốc… và có mặt tại các siêu thị lớn trên toàn quốc."

Mục tiêu sản xuất nông sản sạch và an toàn đã được các thành viên hợp tác xã đặt ra ngay từ khi mới thành lập. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, việc sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn đã mang lại những kết quả tích cực cho thành viên của hợp tác xã. Thu nhập của các thành viên hợp tác xã đạt bình quân 200 triệu đồng/năm. Trong quá trình sản xuất, hợp tác xã đã thực hiện nghiêm ngặt quy định ghi chép các thông tin từ nguồn gốc giống, đất, phân bón, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, quy trình chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Đồng thời, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ. Việc sử dụng phân bón hữu cơ trong những năm đầu chi phí sẽ cao hơn phân vô cơ, nhưng sau đó sẽ giảm dần. Bởi qua hàng năm đất đai được bồi bổ, các loại vi sinh vật có ích phát triển nhiều hơn. Quan trọng nhất là năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng tăng hơn so với trước đây khi dùng phân bón vô cơ.

Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ - ảnh 2Xoài được đóng gói cẩn thận trước khi xuất khẩu. Ảnh: baosonla.org.vn

Tại vườn xoài hơn 1ha của gia đình bà Hà Thị Duyên, thành viên HTX Chiềng Hặc, cây lá xanh tươi và sai chịu quả nhờ áp dụng phương pháp hữu cơ trong chăm sóc cây, quả. Dự kiến, trong năm 2022, vườn xoài sẽ thu hoạch được khoảng 10 tấn/ha.

Bà Duyên cho biết: Gia đình tận dụng các loại nông sản như ngô, đậu tương…ủ lên men để làm phân bón. Nếu có sâu bệnh thì sử dụng các chế phẩm từ gừng, tỏi, ớt: "Trước đây chúng tôi chăm sóc vườn cây theo hướng tự phát, bón phân và phun thuốc không theo mùa vụ nên năng xuất kém, bán không được giá. Giờ thì gia đình tôi chăm sóc vườn xoài được các gia đình tham gia HTX trước hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm. Giờ gia đình không còn dùng thuốc trừ sâu mà dùng các loại thuốc, phân bón từ hữu cơ sạch. Chúng tôi được học hỏi từ các mô hình khác rất nhiều và khi hoa quả được sản xuất theo phương thức hữu cơ thì giá thành cao và được người tiêu dùng đón nhận hơn."

Hiện huyện Yên Châu có 60 HTX, trong đó có 45 HTX trồng cây ăn quả. Huyện cũng đã cấp chứng nhận VietGAP cho 29 hợp tác xã, trong đó hợp tác xã trồng cây ăn quả 27 hợp tác xã, với diện tích cây ăn quả được cấp chứng nhận là gần 675ha. Để phát triển các loại cây ăn quả, UBND huyện đã chỉ đạo quản lý tốt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, trong đó tập trung vào diện tích đã được cấp mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả… xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ, Trung Quốc với diện tích là 985 ha với sản lượng hàng năm trên 10.250 tấn.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết huyện có trên 11.000ha, gồm ba loại cây chủ đạo là xoài, nhãn, mận: "Đối với 3 loại trái cây chủ lực là xoài, nhãn, mận, huyện đã tổ chức trồng ổn định, tập trung hướng dẫn bà con tập trung sản xuất theo hướng VietGAP và phấn đấu đạt GlobalGAP. Đối với việc xuất khẩu các loại trái cây ngày càng được các đối tác yêu cầu khắt khe, huyện chú trọng công tác thâm canh, chăm sóc theo hướng hữu cơ để đảm bảo sản phẩm vào các thị trường khó tính. Ngoài ra, huyện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất, coi đó là điều kiện bắt buộc đối với các HTX và hộ dân tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản nói chung và các loại trái cây chủ lực nói riêng."

Trong năm 2022, huyện Yên Châu đặt mục tiêu xuất khẩu gần 6.500 tấn trái cây các loại, kim ngạch đạt hơn 4 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này, Yên Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn của huyện đối với các thị trường. Đồng thời, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương, gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, từng bước thay đổi phương thức làm nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác