Lai Châu đột phá xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Vượt qua những khó khăn, thách thức của một tỉnh vùng cao biên giới, tỉnh Lai Châu là một trong ba địa phương có bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.


 Lai Châu đột phá xây dựng nông thôn mới - ảnh 1

Làm đường nông thôn mới ở Lai Châu


Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả, đến nay tỉnh Lai Châu đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó Bản Giang, một trong những xã còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã sớm cán đích và trở thành điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng núi Tây Bắc. 



Nghe nội dung bài viết tại đây:


Xã vùng 3 Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu gồm có 9 bản, 5 dân tộc với trên 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Giáy và Mông. Mặc dù là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đây lại là xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lai Châu trong năm 2015. Để về đích đúng hẹn, từ năm 2011 đến nay, Bản Giang đã huy động mọi nguồn lực đầu tư, với tổng kinh phí trên 39 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó người dân đã ủng hộ gần 3 ha đất, hơn 500 triệu đồng và đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng. Xuân về, người dân Bản Giang càng vui hơn với những kết quả nỗ lực phấn đấu và được ghi nhận trong thời gian qua. Ông Nguyễn Bá Kiện, Chủ tịch UBND xã Bản Giang, huyện Tam Đường, cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn vốn tại địa phương và huy động các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp để giúp bà con phát triển chăn nuôi, phát triển sản xuất. Chúng tôi nghĩ rằng với thành quả đạt được từ năm 2015, thì trong năm 2016 chúng tôi cũng sẽ cố gắng tập trung từng bước nâng tỷ lệ hộ thoát nghèo".


 Lai Châu đột phá xây dựng nông thôn mới - ảnh 2
Một bản nông thôn mới 

Huyện Tam Đường cũng là địa phương đi đầu của tỉnh Lai Châu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, khi đã có 4/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc sử dụng các nguồn lực vào xây dựng các công trình công cộng đã được người dân bàn bạc dân chủ, quá trình triển khai được công khai, minh bạch và có sự giám sát của cả cộng đồng. Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bằng chứng là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 51,78% năm 2010 xuống còn 14,7% năm 2015. Ông Bùi Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân để người dân tích cực tham gia, phát huy vai trò chủ thể của mình, để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào cuộc sống. Chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết thị trường, đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, để nâng cao năng suất theo hướng sản xuất bền vững. Triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, tập trung hỗ trợ, đầu tư đến các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, quản lý các nguồn vốn hỗ trợ, đảm bảo nguồn vốn phát huy được mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực".

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Lai Châu đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được kết quả đó, tỉnh Lai Châu đã khai thác tối đa các lợi thế về địa lý, đất đai, cơ sở hạ tầng và truyền thống sản xuất của các địa phương dọc tuyến quốc lộ 32, 4D. Ngoài ra, Lai Châu cũng khai thác lợi thế của các xã tái định cư các công trình thủy điện lớn như: Huội Quảng, Bản Chát, Sơn La và Lai Châu, cũng như nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân tái đầu tư, nâng cao thu nhập.


 Lai Châu đột phá xây dựng nông thôn mới - ảnh 3
Cây cao su được trồng ở Lai Châu

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu cho biết: Từ nay đến năm 2020, Lai Châu phấn đấu mỗi năm sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới: "Tới đây, mọi nguồn lực của tỉnh, chúng tôi sẽ ưu tiên cho 15 xã đã đạt để hoàn thiện vững chắc các tiêu chí. Thứ hai là ưu tiên cho 6 xã thực hiện năm 2016, đặc biệt là tiêu chí giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, môi trường và tiêu chí nhà ở dân cư. Ngoài ra, nhưng tiêu chí để nâng cao thu nhập thì tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó xác định những cây con chủ lực của từng xã một, đồng thời tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao đời sống của người dân".

Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, tỉnh biên giới Lai Châu đã và đang đi đúng hướng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bước đột phá này đã mang lại hiệu quả cho các cấp chính quyền địa phương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

Phản hồi

Các tin/bài khác